Ý kiến đóng góp của Chi bộ Sở Ngoại vụ về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế

16:46, 29/10/2015

BHG - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ thông qua 2 văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH  5 năm giai đoạn 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ 5 năm giai đoạn 2016-2021. Phần công tác đối ngoại trong Báo cáo Chính trị đã nêu những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân và đề cập nhiều định hướng cụ thể cho các hoạt động đối ngoại 5 năm tới.

Về mục tiêu của đối ngoại: Dự thảo Văn kiện đại hội XII nêu: “Bảo đảm lợi ích tối cao của Quốc gia, dân tộc”. So với Văn kiện đại hội XI, mục tiêu đối ngoại (MTĐN) được chỉ rõ và nhấn mạnh hơn “lợi ích tối cao”. Việc nêu rõ lợi ích tối cao Quốc gia, lợi ích dân tộc là MTĐN trong văn kiện đại hội XII có ý nghĩa rất quan trọng. Khẳng định lợi ích Quốc gia, dân tộc là MTĐN cũng có nghĩa là Đại hội đặt lợi ích Quốc gia, dân tộc là nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại. Nói cách khác, bảo đảm lợi ích Quốc gia, dân tộc là nguyên tắc mà tất cả các hoạt động đối ngoại, từ Ngoại giao Nhà nước, Đối ngoại Đảng đến Đối ngoại nhân dân đều phải tuân thủ.

Về các nguyên tắc phải tuân thủ khi tiến hành các hoạt động đối ngoại, Dự thảo văn kiện đã tái khẳng định các nguyên tắc của đường lối, chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới như: “Bảo đảm lợi ích tối cao của Quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”. Bổ sung thêm “Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”, vì việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, hòa bình ổn định ở Biển Đông là những vấn đề mang tính toàn cục. Về nguyên tắc xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển KT-Xh của đất nước và trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tực chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế.

Về định hướng đối ngoại: Bên cạnh định hướng bao trùm là nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu. Dự thảo Văn kiện Đại hội XII nêu định hướng về: Phân định biên giới trên bộ, thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển: ngoài việc phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng, điểm mới trong định hướng là “Thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác quan trọng; Mở rộng làm sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và Đối ngoại nhân dân”.

Một phần rất quan trọng trong quan điểm triển khai chính sách đối ngoại cuả Đại hội XII đó là Hội nhập quốc tế (HNQT). Nội dung này được đề cập, xuyên suốt trong thực hiện chính sách đối ngoại. Dự thảo Văn kiện đã nêu rõ “Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.

Về mục tiêu của Hội nhập quốc tế: Nước ta trong thời gian tới, xác định HNQT phải hướng tới cả 3 nhóm mục tiêu cơ bản là phát triển, an ninh và nâng cao vị thế của đất nước

Về quan điểm chỉ đạo Hội nhập quốc tế: Tại Dự thảo Văn kiện đã chỉ rõ chúng ta cần phải quán triệt đó là:

Một là, chủ động và tích cực HNQT là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Xác định Hội nhập như là một phương cách chiến lược để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi các bộ, ban, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân cần luôn coi HNQT là nội dung thường xuyên quan trọng trong các chiến lược, kế hoạch trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Hai là, HNQT là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Như vậy, chủ thể của HNQT trong giai đoạn tới không chỉ là Nhà nước, Chính phủ, mà là tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Ba là, HNQT phải dựa trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ  các cơ hội và đối phó được với các thách thức của hội nhập. Thực chất quan điểm chỉ đạo này là khẳng định: Gắn kết chặt chẽ giữa quá trình chuẩn bị trong nước với việc cam kết và thực hiện các cam kết quốc tế; gắn quá trình hội nhập quốc tế với sự liên kết giữa các vùng miền trong nước (hội nhập bền lâu).

Bốn là, hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc; chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu. Nhận thức rõ được điều này giúp chúng ta không chủ quan, nhưng cũng không thụ động trong triển khai HNQT. Đây cũng chính là phương châm của hội nhập: Đấu tranh không đi đến đối đầu; hợp tác không đến mức tập hợp lực lượng, liên minh với bên này để chống bên kia.

Năm là, nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Về định hướng nhiệm vụ hội nhập quốc tế: Dự thảo Văn kiện  đã xác định rõ HNQT sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, HNQT trong lĩnh vực chính trị cần được triển khai trên cả hai cấp độ song phương lẫn đa phương, thông qua các kênh ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và ngoại giao nhân dân. HNQT trong lĩnh vực QP-AN cần được đẩy mạnh theo hướng tham gia các hoạt động hợp tác ở mức độ cao hơn; Hội nhập trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ... phải nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết và đóng góp vào sửa đổi, hoàn thiện, xây dựng các chuẩn mực, sáng kiến của các tổ chức quốc tế.

Về giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và hội nhập thành công:

Thứ nhất, cần đổi mới tư duy về  công tác đối ngoại và HNQT chuyển mạnh theo hướng “Đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, chủ động đóng góp và tham gia định hình các cơ chế hợp tác, liên kết trên các tầng nấc”. Đó cũng là phương thức để tạo thêm những lợi thế động, thúc đẩy quan tâm, lợi ích Quốc gia, tạo thêm đan xen lợi ích với các đối tác cũng như nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và các nội hàm liên kết kinh tế trở nên sâu rộng hơn, đan xen kinh tế với chính trị - chiến lược, cần tăng cường cách tiếp cận đa ngành, liên ngành trong xử lý các vấn đề hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế. Đồng thời, việc triển khai mạnh mẽ HNQT toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm, đã mở ra những khả năng mới cho việc tham gia hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế.

Thứ ba, phát triển bền vững và sáng tạo cần trở thành nội dung then chốt của HNQT. Đối với nước ta, chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững là một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH 2011 – 2020.

Thứ tư, để có đủ năng lực triển khai HNQT, phải trú trọng đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý và kinh doanh có kiến thức, kỹ năng phục vụ HNQT.

Đối với Hà Giang là một tỉnh biên giới địa đầu Tổ quốc tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Việc thực hiện triển khai chính sách đối ngoại và HNQT tại địa phương trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn ổn định biên giới, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng biên cương Tổ quốc. Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong đó có Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016 - 2021. Tỉnh Hà giang cần triển khai một số giải pháp cụ thể sau nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tham gia thực chất vào quá trình HNQT tại địa phương như sau:

Một là, tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động đối ngoại theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Chương trình số 99–CTr/TU ngày 01/4/2014 của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 22 NQ-TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về HNQT đặt trong tổng thể Kế hoạch phát triển Kt-XH của tỉnh giai đoạn 2015-2020.

Hai là, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động tích cực, linh hoạt, sáng tạo trong công tác đối ngoại và HNQT; đẩy mạnh  hoạt động đối ngoại toàn diện và sâu rộng, triển khai các hoạt động hợp tác thiết thực với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây - Trung Quốc; mở rộng quan hệ đối ngoại các đối tác có tiềm năng, các tổ chức quốc tế và các nước là thành viên mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại; chú trọng công tác bảo vệ biên giới, lãnh thổ làm tốt vai trò là phên dậu của Tổ quốc.

Ba là, tập trung triển khai các hoạt động góp phần nâng cao và thống nhất nhận thức của lãnh đạo các cấp, các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp và người dân về công tác đối ngoại và HNQT, nhất là về cơ hội và thách thức để có sự chuẩn bị kịp thời, đặc biệt về năng lực thực thi cam kết và năng lực cạnh tranh, tránh để các cơ hội sẽ biến thành thách thức.

Bốn là, cần phát huy tiềm năng - thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đi theo mô hình mới lấy phát triển bền vững làm mục tiêu, coi hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh là tiêu chí; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững gắn với phát triển nông thôn toàn diện, xây dựng Nông thôn mới tới cấp xã, cấp huyện, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa gắn với việc quản lý chất lượng và cung cấp thông tin thị trường cho người sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, VietGap để xuất khẩu đi các nước.

 Năm là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại và HNQT, hiểu biết sâu về luật pháp quốc tế và nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ tốt, nắm bắt nhanh những chuyển biến trên trường quốc tế để ứng xử kịp thời. Bên cạnh đó, cần hết sức coi trọng việc đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao để phục vụ cho đầu tư vào tỉnh cũng như xuất khẩu lao động.

                                                                 Phan Hùng (Lược ghi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ý kiến đóng góp của Đảng Bộ Công an tỉnh về mục tiêu nhiệm vụ công tác quốc phòng, an ninh

BHG - Đề nghị bổ sung các cụm từ "và các lực lượng vũ trang nhân dân"; "ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước"; "Đất nước" và chỉnh sửa lại như sau:

29/10/2015
Ý kiến đóng góp của Đảng bộ Quân sự tỉnh về công tác quốc phòng, an ninh

BHG - Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Giang nhất trí cao với Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương đã được Tiểu ban văn kiện xây dựng một cách khoa học, toàn diện, phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN. 

29/10/2015
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc với BTV Huyện ủy Mèo Vạc

BHG- Ngày 28.10, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với BTV Huyện ủy Mèo Vạc nhằm kiểm tra công tác triển khai nhiệm vụ sau Đại hội Đảng bộ huyện; kết quả triển khai và thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH; tình hình triển khai Đề án xã phát triển toàn diện; tình hình xây dựng NTM  9 tháng năm 2015 và nhiệm vụ 3 tháng còn lại năm 2015. Cùng dự buổi làm việc còn có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh…

29/10/2015
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang làm việc với BTV Huyện ủy Quang Bình

BHG- Chiều 28.10, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với BTV Huyện ủy Quang Bình và một số ban, ngành, đoàn thể của huyện nhằm nắm bắt tình hình phát triển KT – XH, AN – QP và công tác xây dựng Đảng từ đầu năm đến nay; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm 2015.

29/10/2015