Ý kiến đóng góp của CB, ĐV và nhân dân huyện Yên Minh về giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH giai đoạn 2016 - 2020
BHG- Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Đảng bộ huyện Yên Minh xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Về phát triển kinh tế
Ngoài các chủ trương, nhiệm vụ đã nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị cần phải có các giải pháp đồng bộ, toàn diện để giải quyết những yếu tố cản trở sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp như: Hạn chế về năng suất so với các nước trong khu vực; chất lượng nông sản, năng lực cạnh tranh của sản phẩm thấp và những khó khăn do xuất khẩu các mặt hàng nông sản phải đối diện với yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và các điều kiện thương mại khi hội nhập vào thị trường quốc tế; chi phí đầu vào tiếp tục tăng và khó khăn trong đầu ra; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp diễn ra chậm, chưa phản ánh được lợi thế so sánh. Đặc biệt phải quy hoạch các vùng sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu có thế mạnh của nước ta gắn với phát triển phát triển công nghiệp chế biến tạo giá trị gia tăng của sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ kích thích sản xuất phát triển, tránh tình trạng tự phát như hiện nay dẫn đến “được mùa mất giá; được giá mất mùa”.
Đảng, Nhà nước phải tiếp tục phải hoàn thiện thể chế phát triển vùng kinh tế trọng điểm, liên kết vùng, trong đó chú trọng: Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, của từng vùng, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt do địa giới hành chính; Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng thời tạo lập cơ chế, chính sách để các địa phương, các doanh nghiệp tham gia các chuỗi giá trị liên kết vùng; xây dựng cơ chế liên kết, điều phối vùng kinh tế; Tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành vùng động lực, tạo được sự lan tỏa, sự chi phối vùng ngoại vi. Đồng thời có chính sách và cơ chế hỗ trợ phát triển đối với các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo… để từng bước giảm dần khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa các vùng trong nước.
Về phát triển xã hội
Cần có các chủ trương, giải pháp để gắn kết phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, nhất là giữa thành thị với nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa, nhất là khu vực nông thôn. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và là cơ sở để xây dựng văn hóa trong xã hội. Trong đó đặt trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy với công việc, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức tôn trọng và thực hiện pháp luật; thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức để củng cố niềm tin của nhân dân.
Đảng và Nhà nước tiếp tục có các chủ trương, chính sách quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt cần chủ trương, chính sách sự ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế hiện nay đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc còn rất nhiều khó khăn, các chủ trương, chính sách đối với đồng bào còn có khoảng trống, người dân được hưởng chính sách chưa kịp thời, nguồn kinh phí thực hiện chính sách thấp trong khi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn.
Để phát triển bền vững đất nước, cần có chủ trương, định hướng cụ thể về quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước, nhất là tài nguyên không tái tạo, tài nguyên quý hiếm. Thực trạng hiện nay cho thấy việc quản lý tài nguyên còn lỏng lẻo, tình trạng khai thác bừa bãi và sử dụng tài nguyên kém hiệu quả vẫn còn xảy ra. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất ở các đô thị lớn, các làng nghề ở khu vực nông thôn. Đồng thời có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường...
Đức Dũng (Lược trích)
Ý kiến bạn đọc