Ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân Xín Mần về công tác QP-AN
BHG - Qua nghiên cứu các nội dung về công tác Quốc phòng - An ninh nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, đã phản ánh toàn diện các yếu tố về mặt tự nhiên - lịch sử, chính trị - xã hội của đất nước, bao gồm những giá trị bên trong và những lợi ích bên ngoài; giá trị quá khứ, hiện tại và cả tương lai phát triển; giá trị quốc gia dân tộc, đất nước, chế độ xã hội và giá trị của con người Việt Nam,... trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Các nội dung bảo vệ quan hệ mật thiết với nhau, tác động biện chứng lẫn nhau trong chỉnh thể thống nhất, không xem nhẹ hoặc tuyệt đối hóa nội dung nào.
Tuy nhiên, để bảo đảm chuẩn xác hơn, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng cần được chỉnh sửa một số ý trong mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh: nên chuẩn xác hóa cụm từ “Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là,…” ở mục 2 phần phương hướng, nhiệm vụ (Trang 54) dòng thứ 4 từ trên xuống thành cụm từ “Mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là,…”, thay chữ “trọng yếu” bằng chữ “nhiệm vụ” cho phù hợp, đúng và nhất quán với các văn bản trong các Nghị quyết trước.
Cần bỏ hẳn cụm từ: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để…” ở mục 2 phần phương hướng, nhiệm vụ (Trang 54) dòng thứ 4 từ trên xuống vì cụm từ này là trạng động từ dùng để chỉ quan điểm, giải pháp, không nhằm chỉ mục tiêu, nên không cần thiết dùng ở đây, dễ gây nên sự lẫn lộn giữa mục tiêu và giải pháp, quan điểm. Vấn đề “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị” cần được trình bày trong quan điểm và giải pháp, nên chuyển cụm từ này xuống khổ thứ hai, phần nói về quan điểm, giải pháp. Ở đầu khổ thứ hai (trang 54) viết đầy đủ sẽ là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ Tổ quốc”, thêm cụm từ “bảo vệ Tổ quốc”, để hoàn thiện quan điểm, giải pháp này.
Một số giải pháp chủ yếu về kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với Quốc phòng - An ninh
Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh là hoạt động chủ động của mọi quốc gia trên cơ sở nhận thức và vận dụng các quy luật của hai lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh đòi hỏi chúng ta phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, vận hành cơ chế lãnh đạo, điều hành phù hợp và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước và chính quyền các cấp trong việc thực hiện kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.
Quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến thực hiện kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng, ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách hợp lý hiệu quả; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội gắn với Quốc phòng - An ninh trong từng giai đoạn cụ thể.
Bồi dưỡng nâng cao kiến thức QP - AN cho các cấp, các ngành và toàn dân đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ cách mạng, lòng tự tôn dân tộc, góp phần hoàn thành sứ mệnh cách mạng của Đảng, của dân tộc trước sự phát triển và hội nhập Quốc tế của đất nước; tích lũy kinh nghiệm kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, đặc biệt là cán bộ quản lý…
Đức Dũng (Lược trích)
Ý kiến bạn đọc