Ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Quang Bình
1- Góp ý vào phần X - Tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới (trang 53 - 56):
- Nên chuẩn xác hóa cụm từ “Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là, ...” ở mục 2 phần phương hướng, nhiệm vụ (Trang 54) dòng thứ 4 từ trên xuống thành cụm từ “Mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là,...”, thay chữ “trọng yếu” bằng chữ “nhiệm vụ” cho phù hợp, đúng và nhất quán với các văn bản trong các Nghị quyết trước.
- Cần bỏ hẳn cụm từ: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để...” ở mục 2 phần phương hướng, nhiệm vụ (Trang 54) dòng thứ 4 từ trên xuống chuyển cụm từ này xuống khổ thứ hai, phần nói về quan điểm, giải pháp. Ở đầu khổ thứ hai (trang 54) viết đầy đủ sẽ là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ Tổ quốc”, thêm cụm từ “bảo vệ Tổ quốc”, để hoàn thiện quan điểm, giải pháp này.
2- Tham luận “Một số giải pháp chủ yếu về kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng - an ninh”
Là một Tỉnh vùng cao biên giới, có vị trí chiến lược trong khu vực phòng thủ của Quân khu và Quốc gia cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước và chính quyền các cấp trong việc thực hiện kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.
Hai là, Quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến thực hiện kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Ba là, Khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng, ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách hợp lý hiệu quả; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội gắn với quốc phòng - an ninh trong từng giai đoạn cụ thể.
+ Phải quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh ở các vùng cửa khẩu, các vùng giáp biên giới với các nước.
+ Phải tổ chức tốt việc định canh, định cư tại chỗ và có chính sách phù hợp để động viên, điều chỉnh dân số từ các nơi khác đến vùng biên giới.
+ Thực hiện tốt chương trình xoá đói, giảm nghèo, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã nghèo.
+ Tập trung xây dựng các xã trọng điểm về kinh tế và quốc phòng, an ninh. Trước hết cần tập trung xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các tuyến đường vành đai biên giới để giao lưu hàng hóa phát triển kinh tế trong thời bình, để di chuyển, cơ động lực lượng theo thế trận của khu vực phòng thủ trong thời chiến.
+ Đặc biệt với các địa bàn chiến lược trọng yếu dọc sát biên giới, cần có chính sách động viên và sử dụng lực lượng vũ trang, lực lượng quân đội làm nòng cốt xây dựng các khu kinh tế quốc phòng hoặc các khu quốc phòng - kinh tế, nhằm tạo thế và lực mới cho phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh.
Bốn là, Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quốc phòng - an ninh cho các cấp, các ngành và toàn dân đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ cách mạng, lòng tự tôn dân tộc, góp phần hoàn thành sứ mệnh cách mạng của Đảng, của dân tộc trước sự phát triển và hội nhập Quốc tế của đất nước; tích lũy kinh nghiệm kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, đặc biệt là cán bộ quản lý.
Năm là, Xây dựng lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ có số lượng hợp lý, chất lượng bảo đảm; xây dựng lực lượg dự bị động viên đúng pháp lệnh, đủ chỉ tiêu, sẵn sàng động viên khi có tình huống xảy ra.
Ý kiến bạn đọc