Ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Quản Bạ về phần công tác đối ngoại
BHG - Trước hết, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo tư tưởng chiến lược và chủ trương của các nước lớn, các nước láng giềng đối với Việt Nam. Coi trọng quan hệ với các nước lớn, các đối tác chiến lược, nhằm tăng cường lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau để đẩy mạnh hợp tác; tích cực tham gia các hoạt động quốc tế một cách có trách nhiệm, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Việc dự báo, nắm bắt tình hình phải được tổ chức chặt chẽ, thông qua nhiều kênh khác nhau để đối chiếu, kiểm chứng độ xác thực; đồng thời, coi trọng công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là đối với các cơ quan chuyên trách về nghiên cứu, dự báo, thu thập và xử lý thông tin để rút ra kết luận chính xác, kịp thời. Tranh thủ thời cơ thuận lợi, dự tính các quyết sách kịp thời, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, bảo đảm vừa giữ vững được độc lập, tự chủ, không để bất ngờ, không để đất nước bị cuốn vào cạnh tranh, thậm chí thỏa hiệp giữa các cường quốc.
Hai là, tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại song phương và đa phương, nhưng phải có trọng điểm, ưu tiên những đối tác có tầm quan trọng chiến lược. Trong đó cần tăng cường, đổi mới quan hệ quốc phòng với các nước láng giềng. Không ai mua, bán được láng giềng. Trong quá trình quan hệ với các nước láng giềng, cần chú trọng ưu tiên cho hoạt động của các đơn vị bộ đội Biên phòng và các quân khu giáp biên giới, có biển, đảo; quan hệ quân đội, doanh nghiệp, nhân dân với các đối tác. Qua đó, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, như: tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng, diễn tập chung, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và giải quyết các vấn đề nảy sinh ở khu vực biên giới ngay từ cơ sở; đồng thời, chủ động hợp tác thực hiện kiểm soát, giải quyết các vấn đề về an ninh, quốc phòng trên các vùng biển, đảo trong khu vực để phòng ngừa xung đột và giải quyết các vấn đề trên biển đang nổi lên.
Coi trọng và mở rộng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước ASEAN, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong các cơ chế hợp tác mọi mặt do ASEAN giữ vai trò chủ đạo.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị làm công tác đối ngoại hội nhập quốc tế. Cần nghiên cứu và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nêu trên để công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại thành một hệ thống thông suốt, kịp thời, chặt chẽ, nhằm tranh thủ lợi thế của đất nước trong thực hiện công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại. Về lâu dài, cần duy trì và tạo chuyển biến mới trong công tác phối hợp, giao ban, sơ kết, tổng kết thường xuyên giữa các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương có liên quan để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của cả nước.
Bốn là, tiếp tục kiện toàn hệ thống các cơ quan, đơn vị làm công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại, nâng cao chất lượng cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại. Để đáp ứng yêu cầu mới, hệ thống cơ quan, đơn vị chuyên trách về đối ngoại cần tiếp tục được kiện toàn cả về tổ chức biên chế và chức năng, nhiệm vụ, tạo động lực mới hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cần chú trọng xây dựng tiêu chuẩn, quy chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, đạo đức đối với cán bộ làm công tác đối ngoại.
Các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, ban hành các chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút cán bộ có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức tham gia công tác đối ngoại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Năm là, cùng với việc sử dụng ngân sách, các cơ quan, đơn vị cần tranh thủ khai thác các nguồn lực cả ở trong và ngoài nước để phục vụ ngày càng tốt hơn các yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc hiện đại cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đối ngoại ở khu vực biên giới đất liền, các bến cảng và trên biển, bảo đảm vừa đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, vừa góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương cùng sự ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại trong những năm tới sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ý kiến bạn đọc