Ý kiến đóng góp của Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh về công tác cải cách Tư pháp
BHG- Qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xin tham luận một số ý kiến về công tác Cải cách tư pháp như sau:
Trong những năm qua các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đã tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đạt được một số thành tựu quan trọng, đó là: Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tư pháp được quan tâm hơn trước, hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp và tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo đúng định hướng của Đảng. Pháp luật về tố tụng tư pháp từng bước được hoàn thiện, xác định lại mô hình tố tụng theo hướng kết hợp giữa mô hình tố tụng thẩm vấn với tố tụng tranh tụng, tăng cường tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động tố tụng và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng…
Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương tăng cường tranh tụng tại phiên tòa trong hoạt động tố tụng, việc hoàn thiện pháp luật làm rõ cách thức, nguyên tắc, trình tự, thủ tục, nội dung và thẩm quyền của mỗi chủ thể trong hoạt động tranh tụng chưa được thực hiện. Nhận thức của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư về chủ trương tăng cường tranh tụng chưa nhất quán, chưa xác định đúng vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của luật sư trong quá trình tố tụng. Việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tranh tụng của các cơ quan tố tụng từ Trung ương đến địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Các phiên tòa thực hiện chủ trương tranh tụng không nhiều, chưa đúng định hướng, hiệu quả chưa cao. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan tư pháp còn chậm; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan tư pháp còn thấp so với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Việc thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp và các chủ trương cải cách tư pháp chưa được thực hiện thường xuyên.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng và tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đề xuất, kiến nghị một số nội dung như sau:
1. Đối với Trung ương
Cần làm rõ nội dung về quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xác định rõ nội hàm và xây dựng cơ chế để toà án nhân dân thực hiện đầy đủ quyền tư pháp; Ban Cán sự Đảng các cơ quan tư pháp Trung ương chỉ đạo phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn quy định về tranh tụng tại phiên tòa để các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng. Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp đảm bảo cho các cơ quan tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo tinh thần cải cách tư pháp.
Đào tạo phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn; xây dựng cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên toà, từng bước đảm bảo cho mọi công dân có nhu cầu đều được trợ giúp pháp lý và được bào chữa khi bị xét xử về hình sự. Đề cao ý thức đạo đức nghề nghiệp của luật sư, phát huy vai trò tự quản của các Đoàn luật sư, Liên đoàn Luật sư. Xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.
2. Đối với địa phương
Các cấp uỷ đảng, các cơ quan tư pháp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tư pháp, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách tư pháp đến năm 2020.
Tiếp tục tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tố tụng; khắc phục triệt để tình trạng án tồn đọng kéo dài; không để tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Tiếp tục đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp; phấn đấu giảm tỷ lệ thấp nhất án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc phát sinh, án tồn đọng, kéo dài.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp, đặc biệt là các chức danh tư pháp theo hướng đủ về số lượng, đáp ứng tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là yếu tố quyết định sự thành công trong hoạt động cải cách tư pháp.
Các cơ quan tư pháp chủ động tăng cường phối hợp với các cấp, các ban, ngành để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ về công tác Cải cách tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng nhằm phát hiện kịp thời vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, đề xuất hướng giải quyết; tích cực phòng, chống tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Đức Dũng (Lược trích)
Ý kiến bạn đọc