UBND tỉnh làm việc với Viện Y học bản địa Việt Nam
BHG- Sáng 30.10, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh có buổi làm việc với Viện Y học bản địa Việt Nam về phát triển dược liệu bản địa trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh…
Đại diện Viện Y học bản địa Việt Nam trình bày ý tưởng phát triển cây dược liệu bản địa. |
Viện Y học bản địa Việt Nam là một tổ chức khoa học, nghiên cứu chuyên sâu về dược lý lâm sàng từ thảo dược và các phương pháp chữa bệnh từ kho tri thức y học bản địa Việt Nam. Sau khi nghiên cứu các chính sách khuyến khích đầu tư, chủ trương phát triển dược liệu của Hà Giang, Viện đã đề xuất ý tưởng phát triển nông thôn bền vững vùng Tả Phìn Hồ từ cây dược liệu bản địa. Mục tiêu tạo ra vùng có quần thể thực vật mang tính đặc thù, có thương hiệu sản phẩm hàng hóa dược liệu đặc trưng, vùng du lich sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe độc đáo, khác biệt. Nhiệm vụ phát triển kinh tế được Viện xác định gắn chặt với môi trường và các hoạt động văn hóa, xã hội; tạo việc làm, tăng thu nhập bền vững cho người dân bản địa thông qua mũi nhọn cây dược liệu; phát triển nghề thủ công mỹ nghệ từ lâm sản ngoài gỗ; bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng và phát triển nhà trẻ, xây dựng trung tâm chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược bản địa. Theo Viện Y học bản địa, dự án này có tính khả thi cao, phù hợp năng lực, thực tiễn vùng dự án và định hướng phát triển của tỉnh, phù hợp nhu cầu thị trường… Nếu ý tưởng được thông qua, Viện sẽ lập kế hoạch khảo sát, môi trường đầu tư và thủ tục hành chính, tiến tới lập dự án đầu tư, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo số liệu điều tra, tỉnh ta có gần 1.565 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ và 6 ngành, 51 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam; 97 loài cây thuốc nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia, nhiều loại quý hiếm như: Bát giác liên, Hoa tiên, Giảo cổ lam, Hoàng tinh cách, Thạch hộc, Ngân đằng, Râu hùm, Thiên lý hương, Thông tre lá dài… Trong số 300 loài dược liệu nhập khẩu và 40 loại nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam đều trồng, có chất lượng tốt tại Hà Giang. Kết quả điều tra thổ nhưỡng cũng xác định, Hà Giang có 9 nhóm đất canh tác đều rất thích hợp cho canh tác nông nghiệp, đặc biệt cây dược liệu. Tỉnh Hà Giang xác định trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu và đã được Ban Bí thư T.Ư Đảng đồng ý, mục tiêu phấn đấu năm 2015 sản lượng dược liệu tươi của tỉnh đạt trên 21,6 nghìn tấn, năm 2020 tăng lên trên 40 nghìn tấn và tăng lên trên 58 nghìn tấn vào năm 2025, lợi nhuận đạt trên 2 nghìn tỷ đồng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Hà Giang luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường, triển khai dự án trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển dược liệu, đây là chủ trương lớn của tỉnh, cả hệ thống chính trị đang tập trung ưu tiên, với quyết tâm lớn để sớm trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu. Ngoài các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, Hà Giang đang nghiên cứu, xây dựng riêng chính sách đối với phát triển cây dược liệu. Hiện tại đã, đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm, triển khai dự án và ý tưởng của Viện Y học bản địa Việt Nam thể hiện cách làm mới, theo chu trình khép kín và tạo thêm hướng đi, góp thêm thành công cho chủ trương phát triển dược liệu của tỉnh. Hà Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi về chủ trương, môi trường đầu tư, thủ tục hành chính thuận lợi nhất để Viện Y học bản địa Việt Nam triển khai ý tưởng, lập dự án đầu tư trình UBND tỉnh. UBND tỉnh giao cho Sở KH-ĐT trực tiếp làm việc với Viện Y học bản địa nhằm triển khai dự án một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc