Triển khai thực hiện Nghị quyết linh hoạt, sáng tạo, mang lại những thành tựu to lớn
BHG- Vị Xuyên được xác định là một trong những huyện động lực của tỉnh. Với lợi thế diện tích rộng trên 149.525 ha bao quanh thành phố Hà Giang; là huyện có trữ lượng khoáng sản lớn, có Khu Công nghiệp Bình Vàng, Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, cửa khẩu phụ mốc 238 xã Lao Chải... Huyện luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc luôn phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đội ngũ cán bộ từng bước được trẻ hoá, năng lực lãnh đạo không ngừng được nâng lên. Các phong trào thi đua luôn được sự hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Nhiệm kỳ qua, bằng việc chỉ đạo, điều hành các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã mang lại những thành tựu hết sức to lớn trong phát triển KT – XH, QP – AN trên địa bàn huyện.
Thực hiện “4 đổi mới”, “8 đột phá” và “15 chương trình trọng tâm” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, huyện đã xây dựng 8 đề án và các cơ chế hỗ trợ, thực hiện nhiều mô hình, huy động mọi nguồn lực để cụ thể hóa các chương trình của tỉnh, tạo sự chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả quan trọng. Nền kinh tế tăng trưởng khá nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cơ cấu từng ngành kinh tế đổi mới tích cực theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 2,1 lần so với giai đoạn 2006 – 2010; thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, kinh tế biên mậu được chú trọng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 130 tỷ đồng; xã Việt Lâm và xã Trung Thành đạt chuẩn Nông thôn mới... Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án về sản xuất lúa, ngô hàng hóa, tổ chức lại sản xuất, đột phá về thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ với các mô hình: Cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng sản xuất lúa, ngô chất lượng cao, dồn điền đổi thửa; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh cơ giới hóa, cho vay tái đầu tư có thu hồi, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân; nâng giá trị sản phẩm thu hoạch hàng năm đạt 60 triệu đồng/ha, ổn định sản lượng lúa 37.720 tấn, sản lượng ngô 15.780 tấn. Tổng sản lượng lương thực đạt 53.500 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt 511 kg. Về chăn nuôi, đã tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ vốn, giống, xây dựng chuồng trại, kinh phí hỗ trợ trên 5,8 tỷ đồng. Công tác chăm sóc, phòng chống dịch bệnh được quan tâm; phát triển mạnh mô hình chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, diện tích trồng cỏ đạt 1.550 ha. Tổng đàn trâu, bò 38.000 con, số lượng xuất bán hơn 2.000 con/năm; đàn lợn 70.000 con, xuất chuồng hàng năm đạt trên 50.000 con, số lượng trang trại phát triển nhanh, một số trang trại quy mô lớn từ 2.000 đến 3.000 con; phát triển nuôi gà bán chăn thả, tổng đàn gia cầm 620.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản 350 ha, sản lượng đạt 420 tấn/năm.
Lãnh đạo huyện kiểm tra vườn chanh leo tại xã Trung Thành. Ảnh: THIẾT LÂM |
Một thành tựu nữa rất đáng được ghi nhận trong nhiệm kỳ qua là huyện đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề và Đề án về xây dựng Nông thôn mới. Chương trình đã trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; người dân tự giác, tích cực tham gia, có cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế; xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo nhóm sở thích, thành lập thí điểm mô hình Hội đồng quản lý & phát triển thôn; phát triển mạnh chăn nuôi trang trại. Chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, như xã Việt Lâm và Trung Thành đạt chuẩn Nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng Nông thôn mới đạt trên 140 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa gần 34 tỷ.
Công tác Giáo dục - Đào tạo luôn được quan tâm. Huyện đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Xây dựng mô hình trường chất lượng cao THCS Lý Tự Trọng; xây dựng Đề án giáo dục kỹ năng sống và triển khai đến tất cả các trường học trong toàn huyện. 24/24 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; có 18 trường đạt chuẩn Quốc gia (04 trường đạt chuẩn mức độ 2), tăng 9 trường so với năm 2010. Công tác y tế thực hiện hiệu quả, cơ sở vật chất Bệnh viện Đa khoa, Phòng khám Đa khoa khu vực, trạm y tế 24/24 xã được đầu tư sửa chữa; 100% xã, thị trấn có bác sỹ luân phiên đến trực; 100% thôn bản có cán bộ y tế và túi thuốc. Trung bình có 4,6 bác sỹ/1vạn dân; 21,1 giường bệnh/1vạn dân; có 20 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ được tiêm, uống đầy đủ 7 loại vắc xin đạt trên 96%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 18%...
Ngoài những thành tựu trên, các chỉ tiêu về các lĩnh vực như: Quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; văn hoá, thể thao - du lịch, thông tin - truyền thôn; chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người có công; công tác quốc phòng – an ninh..., cũng được huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả đáng mừng.
Trong nhiệm kỳ tới và các năm tiếp theo, UBND huyện, chính quyền các xã, thị trấn tiếp tục quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện bằng việc triển khai thực hiện nghị quyết bằng những việc làm cụ thể; vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo hơn nữa để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Lương Văn Đoàn (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên)
Ý kiến bạn đọc