Kết quả từ các phong trào thi đua yêu nước của thành phố Hà Giang giai đoạn 2010 – 2015
BHG- 5 năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, cùng với sự đoàn kết, năng động sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, thành phố Hà Giang đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm, hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Từ 2010 đến 2015, thành phố đã phát động 22 chương trình thi đua, trong đó 6 chuơng trình theo năm, 16 chương trình theo chuyên đề, với các nội dung: Thi đua rèn luyện, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang; hoàn thành các hạng mục công việc, đầu điểm công trình mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng Đại hội Đảng các cấp; chung tay xây dựng Nông thôn mới; xây dựng tuyến phố văn minh, phường văn minh đô thị; ngày thứ 7 tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh trong phong trào chỉnh trang đô thị...
Cán bộ Hội Nông dân phường Quang Trung hướng dẫn bà con thái cỏ ủ thức ăn mùa Đông cho gia súc. |
Từ những phong trào thi đua thiết thực, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng khá ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12,49%, năm 2015 đạt 13,72% (Nghị quyết là 13,1%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 71%, tăng 0,78% so với năm 2010; công nghiệp, xây dựng chiếm 24,9%, tăng 0,93% so với năm 2010; nông - lâm nghiệp chiếm 4,1%, giảm 1,71% so với năm 2010. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 285,7 tỷ đồng, tăng 175,7 tỷ đồng so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 34,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,3 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,48%.
Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều cá nhân điển hình tiên tiến và các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, có tính nhân rộng cao. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy phong trào “Nhà nhà thi đua, người người thi đua”, thực hiện lời dạy của Bác “Làm cho người nghèo đủ ăn, người đủ ăn thì khá, giàu, người giàu thì giàu thêm”, đã có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, biết khai thác thế mạnh và có phương pháp sản xuất, kinh doanh đa dạng, bám sát kinh tế thị trường tạo ra thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng như mô hình nuôi bò của gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ, thôn Sơn Hà, xã Ngọc Đường, quy mô 143 con, doanh thu đạt trên 250 triệu đồng/năm; mô hình nuôi ong mật của gia đình các ông Nguyễn Hữu Nhân, Thèn Văn Sinh, phường Quang Trung, quy mô trên 600 tổ, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; mô hình trang trại vườn – ao - chuồng - rừng của hộ ông Nguyễn Bá Ngãi, phường Nguyễn Trãi, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm... và nhiều các mô hình, gương điển hình tiên tiến khác. Từ kết qủa phong trào thi đua đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, toàn diện trong nông nghiệp và nông thôn của thành phố.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới được thành phố triển khai quyết liệt, rộng khắp, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân, vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia chương trình xây dựng Nông thôn mới thông qua việc thực hiện quy định “9 việc của hộ gia đình, 7 việc của thôn, 8 việc của xã”, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng nông thôn dần được hoàn thiện. 100% đường giao thông nông thôn trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% xã có hệ thống lưới điện quốc gia, cơ sở vật chất các trường học đạt chuẩn Quốc gia, 3/3 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, 93% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 90% hệ thống kênh mương được đầu tư nâng cấp đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Sản xuất nông, lâm nghiệp có bước tiến bộ; nhiều mô hình phát triển kinh tế đang được nhân rộng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích được nâng lên; đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện và nâng cao; an ninh chính trị được giữ vững; hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, dân chủ được phát huy, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền từ thành phố đến thôn, bản và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân, 2 xã Phương Độ và Phương Thiện đã hoàn thành các tiêu chí, về đích trước 1 năm, được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2014. Hiện thành phố đang cùng với xã Ngọc Đường phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới xã Ngọc Đường trong năm 2015...
Phát huy những thành tích đạt được trong các phong trào thi đua giai đoạn 2010 – 2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2015 – 2020, đồng chí Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thực hiện chủ đề của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII “Đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, dân chủ, kỷ cương xây dựng thành phố Hà Giang giàu đẹp, văn minh”, thành phố tập trung lãnh, chỉ đạo MTTQ và các thành viên phối hợp chặt chẽ, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đẩy mạnh các phong trào thi đua, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh các phong trào thi đua: Phát triển KT-XH, giảm nghèo; chung tay xây dựng Nông thôn mới, phường văn minh đô thị; “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Công tác phát động phong trào thi đua gắn liền với 2 nhiệm vụ chiến lược là phát triển KT-XH, ổn định QP-AN với mục tiêu: Xây dựng thành phố Hà Giang trở thành thành phố du lịch miền núi biên giới cực bắc của Tổ quốc, có kinh tế ngày càng phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh đảm bảo, xã hội kỷ cương, văn minh và đậm đà bản sắc dân tộc.
VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc