Vẹn nguyên ký ức hào hùng
BHG- Tháng 4 về trong cái nắng hanh hao đầu hạ, những ký ức hào hùng của 40 năm trước cũng chợt ùa về vẹn nguyên trong tâm chí của những người từng tham gia các trận đánh ác liệt trên khắp chiến trường miền Nam để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, họ không chỉ là những người viết nên “Thiên anh hùng ca sáng chói” ấy mà còn luôn sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” khi trở về với cuộc sống đời thường.
Niềm vui chiến thắng
Tôi gặp họ trong buổi Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng miền Nam của Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố Hà Giang, lẫn giữa những mái đầu đã ngả bạc, là những tấm Huân, Huy chương đỏ trên ngực áo. Hình ảnh người CCB già dìu đồng đội của mình bước những bước đi khó nhọc lên bậc cầu thang, cái nắm tay thật chặt hỏi thăm nhau ngày gặp mặt, giọt nước mắt vội rơi khi nhớ về những đồng đội đã mãi mãi ra đi... để lại trong thế hệ trẻ chúng tôi nhiều cảm xúc. Các CCB hôm nay phần lớn đều đã ngoại lục tuần và có hàng chục năm tuổi Đảng. Ngày ấy, họ ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù, để lại nơi lũy tre làng là tình yêu quê hương bền chặt, nghĩa vợ chồng son sắt, thủy chung...
Các CCB trò chuyện với thế hệ trẻ về những ký ức hào hùng của 40 năm về trước. |
Trong không khí náo nức của ngày gặp mặt hôm nay, dường như ai trong họ cũng đều trẻ lại, cùng nhau nhớ về những tháng ngày chiến đấu ác liệt trên khắp các chiến trường miền Nam. CCB Nguyễn Đình Dần (phường Minh Khai), dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng đôi mắt vẫn sáng trong, giọng trở nên hào sảng khi bắt đầu câu chuyện của 40 năm về trước: “Ngày nhập ngũ, tôi là chàng trai 20 tuổi với nhiều ước mơ và hoài bão, được huấn luyện tại F304b Quân khu Việt Bắc, rồi hành quân vào miền Nam; trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị - Nam Lào, rồi chuyển sang đơn vị làm nhiệm vụ chiến lược chi viện cho miền Nam, tham gia cùng đồng đội vận chuyển lương thực, vũ khí, xây dựng đường ống dẫn dầu, tham gia mở đường, bám chốt trên đường Trường Sơn... vừa làm nhiệm vụ, vừa sẵn sáng chiến đấu. Đến những năm 1973 – 1974, tôi được điều về Trung đoàn vận tải, một trong những đơn vị chủ lực chuẩn bị phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...”. Kỷ niệm khó quên với người CCB này có lẽ là giây phút thiêng liêng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trên chiến trường đầy bom đạn. Xen vào giữa những trận đánh oai hùng, CCB Trần Tuyên (phường Trần Phú) góp thêm một ký ức về những tháng ngày vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên, đánh chiếm các tỉnh Kon Tum, Đăk Lắc, giải phóng Tây Nguyên. Nói về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, CCB Phạm Hải Yến (phường Ngọc Hà) chia sẻ: Đầu tháng 4.1975, chúng tôi được huấn luyện đặc biệt về công tác quân cảnh tại thành phố Đà Nẵng, sau đó thần tốc hành quân vào miền Nam, vừa đi vừa đánh giặc với khí thế sục sôi; không thể kể hết được sự ác liệt trên chiến trường thời điểm đó, có nhiều đồng đội đã hy sinh khi giây phút chiến thắng đã cận kề. Chiều 30.4, ngay khi cờ Giải phóng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, chúng tôi đã có mặt kịp thời tại Sài Gòn tham gia lực lượng quân cảnh...
Thời khắc lịch sử ấy, không chỉ đồng bào miền Nam, đồng bào cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, mà chính những người trực tiếp chiến đấu, làm nên kỳ tích ấy lại nghẹn ngào trong hạnh phúc, một cảm xúc khó tả khi những nỗ lực chiến đấu không ngại gian khổ, hy sinh của họ đã đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Trò chuyện suốt buổi sáng, tôi nhận ra trong sâu thẳm những đôi mắt sâu hằn tuổi tác kia, không chỉ có ký ức về những trận đánh ác liệt, luôn đối mặt với bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù, với nhưng cơn sốt rét rừng hành hạ, với cái chết luôn cận kề... mà hơn hết trong họ vẫn vẹn nguyên cảm xúc vỡ òa của ngày chiến thắng.
Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Rời chiến trường miền Nam sau ngày chiến thắng, có người ở lại phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, có người được điều chuyển về công tác tại các cơ quan Nhà nước, các địa phương và nhiều người trở về đời thường với cuộc sống vô cùng khó khăn, đặc biệt những CCB đang phải mang trong mình “nỗi đau thời chiến”. Nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực vượt qua hoàn cảnh của chính mình, họ đã cố gắng vươn lên, phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống.
Bởi thế, trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, đã có không ít các mô hình phát triển kinh tế do các CCB làm chủ mang lại hiệu quả với thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình trang trại trổng hợp của CCB Phạm Hải Yến là một ví dụ điển hình: Với ao cá, vườn cây ăn quả gồm ổi, đu đủ Đài Loan, bưởi trái mùa, chuối tiêu hồng, khế ngọt, chăn nuôi gà, vịt, chim bồ câu, làm dịch vụ quảng cáo, đám cưới, hội nghị... mỗi năm mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, ông cười: “Nhờ có đất rộng, mình còn sức khỏe thì phải lao động sản xuất, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các phương tiện thông tin đại chúng và áp dụng KHKT vào sản xuất để mang lại hiệu quả cao nhất”.
Không chỉ phát triển kinh tế, các CCB còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương như: Tham gia HĐND các xã, phường; tham gia các hội đặc thù, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố... thường xuyên tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, chung tay xây dựng Nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo; sống hòa thuận, gương mẫu, là chỗ dựa vững chắc và tấm gương cho con cháu, mọi người noi theo. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong họ luôn tỏa sáng, như lời cựu chiến binh Phạm Hải Yến: “Quân đội là trường học lớn đã tạo ra bản lĩnh của người lính trên chiến trường, cơ chế thị trường là thước đo lòng dũng cảm của người CCB trong thời bình”.
Hoài niệm về những ngày chiến đấu hào hùng của chiến trường xưa và nỗ lực của ngày hôm nay, họ luôn có một tâm niệm là suốt đời theo Đảng, Bác Hồ; mong muốn thế hệ trẻ phải biết hướng về nguồn cội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, học tập và cống hiến hết mình để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, đó chính là đền đáp công lao đối với thế hệ cha anh đi trước.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc