Mèo Vạc, chuyển biến tích cực từ thực hiện Đề án 145
BHG- Huyện Mèo Vạc là một trong số 6 huyện nghèo nhất của tỉnh Hà Giang và nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất của cả nước. Chính vì vậy, việc triển khai trên diện rộng về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển KT-XH của các Đảng ủy cơ sở vùng nông thôn tỉnh Hà Giang” (Gọi tắt là Đề án 145), luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm. Đến nay, huyện đã triển khai sâu rộng và đồng bộ các nội dung của Đề án đến 18/18 Đảng ủy xã, thị trấn, bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực về cách nghĩ, cách làm mới và mang lại hiệu quả.
Mô hình trồng cỏ nuôi bò - hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của nông dân xã Pả Vi. |
Năm 2013, tại mỗi huyện; tỉnh đã lựa chọn 2 Đảng ủy cơ sở làm điểm để triển khai Đề án. Xã Pả Vi là một trong hai xã của Mèo Vạc được chọn để thực hiện trong giai đoạn II của Đề án. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Cao Huy Chương, Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi cho biết: Trong thời gian qua, Đảng bộ xã đã triển khai thực hiện tốt việc thay đổi lề lối làm việc đối với cán bộ, công chức của xã. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng tham gia xây dựng chính quyền tại địa phương, kết quả đến nay, cán bộ, công chức của xã đã xác định được trách nhiệm, nhiệm vụ của mình về tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Thực hiện tốt vai trò trách nhiệm cá nhân, bước đầu đạt được những bước chuyển biến tích cực trong việc phát triển KT - XH của địa phương. Với Đảng ủy xã Lũng Chinh, ngay sau khi được triển khai nhân rộng Đề án. Đảng ủy xã đã chủ động tham gia nghiên cứu nắm rõ mục đích yêu cầu, kế hoạch thực hiện Đề án. Năm 2010, khi chưa triển khai thực hiện Đề án, tỷ lệ hộ nghèo của xã khá cao chiếm 53,74%. Đây chính là thách thức không nhỏ đối với câp ủy, chính quyền xã trong việc lãnh, chỉ đạo nhân dân phát triển KT - XH. Từ lý luận của Đề án cùng với tình hình thực tế của địa phương hàng năm, Đảng ủy xã đã ban hành các Nghị Quyết chuyên đề về phát triển KT - XH, về XĐGN giai đoạn (2011-2015). Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 7,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 36,6%.
Để việc đẩy mạnh và triển khai sâu rộng Đề án tới toàn thể các Chi, Đảng bộ cơ sở có hiệu quả thiết thực, huyện đã tổ chức khảo sát 2 đợt cho 16 xã, thị trấn với 228 người tham gia. Kết quả đợt 1 cho thấy tỷ lệ các bài dưới 6 điểm chiếm đa số là 71,77%. Như vậy có thể thấy, khi chưa triển khai Đề án việc nhận thức của đội ngũ Đảng ủy viên về hoạt động lãnh đạo và hoạt động quản lý chưa rõ ràng, chưa nắm vững các kỹ năng cơ bản trong hoạt động lãnh đạo và chưa được chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện. Đến nay, việc khảo sát đánh giá trình độ kiến thức, kỹ năng lãnh đạo phát triển KT - XH của đội ngũ Đảng ủy viên sau đào tạo cho kết quả các bài trên 6 điểm đạt 55,95%.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án của huyện cho biết: Thông qua việc khảo sát, tập huấn đã nâng cao trình độ năng lực, nhận thức của các đồng chí cấp ủy. Từ việc chưa xác định được hoặc vẫn còn hạn chế trong mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền và với vai trò lãnh đạo của cá nhân với tập thể thì việc tổ chức tập huấn cho các đồng chí đã nhận thức rõ hơn. Qua đó, tác phong làm việc của các đồng chí cũng đã từng bước đi vào nề nếp và đã sâu sát với cơ sở...
Từ những kết quả và thành công bước đầu của Đề án, tin tưởng, việc triển khai thực hiện Đề án 145 tại Đảng bộ huyện Mèo Vạc ngày càng góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển KT - XH của Đảng ủy cơ sở, từng bước xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, xây dựng đội ngũ Đảng ủy viên cơ sở vừa hồng, vừa chuyên có năng lực và trình độ lãnh đạo nhân dân phát triển KT – XH, XĐGN, từng bước đưa huyện Mèo Vạc sớm thoát ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo nhất của cả nước.
Văn Quân
Ý kiến bạn đọc