Chuyện của những người lính nhập ngũ ngày 10 tháng 4 năm 1975
BHG- Tháng 4.2015 đem lại cho chúng tôi, những Cựu chiến binh thị xã Hà Giang nhập ngũ ngày 10.4.1975 thật nhiều cảm xúc: Niềm vui, xúc động, tự hào và cả đôi chút tiếc nuối, ngậm ngùi… giá ngày ấy mình lên đường sớm hơn thì hay biết bao; nếu mà huấn luyện thần tốc hơn, đốt cháy giai đoạn hơn thì có lẽ mình đã có mặt trong đoàn quân đánh vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng Miền Nam! Năm nay, ngày 30.4, hội của chúng tôi lại trở về đông đủ để gặp nhau, kỷ niệm tròn 40 năm ngày lên đường nhập ngũ và chắc chắn cái suýt xoa luyến tiếc “giá mà”, “nếu mà” ấy sẽ lại trở về trong câu chuyện của các bạn tôi. Tôi tin mọi người sẽ hiểu, chia sẻ với đồng đội của mình vì trong cuộc đời mỗi con người ai cũng có sự tiếc nuối vì điều mình mong muốn chưa thành và chắc chắn họ sẽ đồng cảm nếu được chứng kiến cái thời khắc tại thao trường huấn luyện Tân Kim, Phú Bình (Thái Nguyên). Hôm ấy, cả trung đội chúng tôi hò reo, ôm chầm lấy nhau, nhảy cẫng lên khi đồng chí Chính trị viên chạy như lao từ nhà đại đội ra bãi tập miệng hét to đến lạc cả giọng: “Nó đầu hàng rồi, giải phóng miền Nam rồi các đồng chí ơi”; đang hò reo, nhảy nhót thì tự nhiên bắt đầu từ cậu Hùng mếu máo: “Giải phóng rồi thì bọn em không được vào Nam chiến đấu nữa à thủ trưởng ơi”; nghe vậy, tất cả đều chùng xuống - Ừ nhỉ, giải phóng rồi thì ước mơ được cầm súng lao lên đánh trận quyết chiến vào Sài Gòn sào huyệt cuối cùng của kẻ thù đâu còn nữa… Vậy là niềm vui đại thắng và sự tiếc nuối cứ lẫn lộn, đan xen trong tâm trí những chàng trai mới 20 ngày mặc áo lính chúng tôi; và đêm ngày 30.4 của 40 năm trước, trong cái lán lợp giấy dầu, thấp tè, nóng như cái lò nung, cả trung đội hầu như không ngủ được, trò chuyện râm ran về niềm vui chiến thắng cùng nỗi buồn “chậm chân” của mình trước trận đánh cuối cùng!
Gặp lại nhau kỷ niệm 30 năm Ngày nhập ngũ. |
Thời gian trôi thật nhanh, hôm nay đã tròn 40 năm ngày đại thắng của dân tộc, cũng là ngày chúng tôi kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ! 54 chàng trai của thị xã Hà Giang đều nhớ như in cái giây phút đã trở thành kỷ niệm đầu đời đáng nhớ nhất của mỗi người. 8 giờ sáng ngày 10.4.1975, tại sân Ủy ban hành chính thị xã, chúng tôi chia tay những người yêu quý nhất của mình bước vào cuộc đời quân ngũ. Trong đội ngũ lên đường sáng sớm mùa xuân ấy là những chàng trai trẻ đang theo học các trường phổ thông cấp III Lê Hồng Phong, trường cấp II thị xã có 20 bạn đang học lớp 10, chỉ còn một tháng nữa là bước vào tốt nghiệp và sau đó là kỳ thi thi đại học để thực hiện hoài bão, ước mơ cho cuộc đời mình; đa số là đang học dở lớp 8, lớp 9; có cả bạn đang học lớp 6, lớp 7; tuổi đời sàn sàn nhau từ 17 đến 19; có một vài người đã là cán bộ, công nhân, đặc biệt bạn Rúc 24 tuổi, đã lấy vợ có con, là công nhân ngành xây dựng…Và khá nhiều bạn của tôi trong buổi sáng đáng nhớ đó đã có cho riêng mình một người bạn gái mắt ngấn lệ, bịn rịn nhìn nhau mà không nói được lời nào bởi trái tim họ đang ngập tràn những tình cảm mà không lời nói nào diễn tả nổi. Chia tay và đưa tiễn chúng tôi sáng sớm mùa xuân đó là cha mẹ, anh chị em, bạn bè, các thầy cô giáo…trong suy nghĩ của họ là niềm tự hào, sự khẳng định, tôn vinh – họ chia tay, đưa tiễn những người thân yêu nhất của mình làm nhiệm vụ của người con trai thời đất nước có chiến tranh; trong ánh mắt của mọi người đều ậng nước và vương vấn nỗi buồn lo; vì cả người lên đường và những người đưa tiễn ai cũng hiểu rằng: Đưa tiễn chúng tôi – phía trước là mặt trận, là sự tàn khốc của chiến tranh, là cuộc chiến đấu một mất một còn và chết chóc hy sinh là tất yếu, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa!
Hình ảnh 40 năm trước của chúng tôi trong ngày nhập ngũ là như vậy và chắc chắn một điều rằng vào thời khắc đó trong tâm hồn của 54 con người ấy sẽ dào dạt và khắc khoải 54 suy nghĩ, ước mơ khác nhau về tương lai cùng con đường sẽ đi của mình trước mọi nẻo đường đời đang rộng mở.
Nhưng không! đất nước đang bị kẻ thù xâm lược giầy xéo, ngày chúng tôi lên đường cũng là lúc chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết định nhất, dốc toàn lực cho trận tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của kẻ thù để giải phóng miền Nam, đưa non sông về một mối. Bắt đầu từ ngày 4.3 khi ta mở màn chiến dịch Tây Nguyên, tin chiến sự đi cùng tin chiến thắng bay về từng ngày làm nức lòng chúng tôi: Ngày 24.3 giải phóng Tây Nguyên; 25.3 giải phóng Huế, rồi ngày 29.3 Đà Nẵng sạch bóng quân thù, cả một vùng rộng lớn miền Trung – Tây Nguyên được giải phóng. Địch co cụm về xây dựng tuyến phòng thủ Phan Rang – Xuân Lộc, đây trở thành chốt chặn cuối cùng của cuộc chiến, vì Xuân Lộc chính là cửa ngõ Sài Gòn; mặt trận Xuân Lộc mở màn ngày 9.4, địch quyết giữ và ta quyết đánh, thế trận quyết liệt, rằng co, cả hai bên đều tung ra những đơn vị thiện chiến nhất để thực hiện mục tiêu của mình, cuối cùng sau 12 ngày quyết chiến, ta đã đè bẹp kẻ thù, ngày 20.4 giải phóng Xuân Lộc, mở toang cửa ngõ tiến vào Sài Gòn.
Các đoàn quân mải miết hành quân ra trận, còn chúng tôi, những chàng trai vừa khoác lên mình bộ quân phục thì được lệnh rút ngắn thời gian huấn luyện từ 3 tháng xuống 2 tháng rồi chỉ còn 1 tháng 20 ngày, tập trung cao độ cho các khoa mục cần thiết nhất, trọng tâm nhất của một người lính bộ binh; quan trọng nhất là phải biết sử dụng đồng thời nhiều loại vũ khí, biết các quy định, tín hiệu, ám hiệu, phương pháp đánh hợp đồng binh chủng, đánh địch trong tư thế vận động hành tiến, đánh địch trong thành phố, thị xã và cả việc vận động, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, cho tù, hàng binh về chính sách của ta khi tiếp quản.
Quên sao được những buổi tập luyện nắng rát cháy da, mồ hôi đầm đìa, cùng lúc phải biết sử dụng nhiều loại súng, người ít súng nhiều vừa đeo, vừa vác, vừa chạy nhưng khi dừng lại phải thao tác bắn ngay, tim đập thình thịch, đường ngắm nhảy múa như trêu ngươi, những đêm tập chiến thuật có bạn mệt quá ngất lịm ngoài thao trường, những buổi vào rừng lấy củi, chặt vầu, rồi cả tiểu đội vây quanh mẹt hàng của “bà bóp” chia nhau từng viên kẹo vừng, điếu thuốc cuộn. Có lẽ nhớ nhất là hình ảnh chiều nào cũng gần nửa trung đội phải về sớm 30 phút để quân y bôi thuốc chữa hắc lào, chữa ghẻ, mấy chục chàng trai cởi trần, quần cộc, miệng rên rỉ, chân nhảy tưng tưng vì sót quá…Vượt lên tất cả, chúng tôi toàn tâm toàn ý lao vào hối hả luyện tập cả ngày lẫn đêm, không một ai tỏ ra mệt mỏi hay ngại khó, ngại khổ, động viên giúp đỡ nhau tập luyện với cường độ rất cao các yêu cầu huấn luyện. Vì ai cũng hiểu rằng ngày mình được ra trận chiến đấu đã rất gần, hôm nay thao trường đổ nhiều mồ hôi thì ngày mai ra chiến trường sẽ đỡ đổ máu, cả đại đội chúng tôi đều hừng hực khí thế cho ngày ra trận, ai cũng ước mơ, mong muốn mình sẽ có mặt trong đoàn quân tiến vào chiến đấu, đánh trận cuối cùng giải phóng Sài Gòn…Vậy mà vui quá và cũng “hẩm hiu” cho chúng tôi quá, khi chúng tôi tròn 20 ngày tuổi quân, đang miệt mài huấn luyện, hừng hực mong muốn, chờ đợi, ngày nổ súng của mình thì chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh đã đại thắng, kẻ thù phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chúng tôi trở thành những người lính chiến thắng nhưng chưa kịp ra trận!
Chuyện của chúng tôi là như vậy đấy, chuyện của những ngày đã qua, niềm vui, nỗi buồn và cả chuyện “hẩm hiu” mà tôi vừa kể, tất cả đã trở thành những kỷ niệm rất đẹp của đời quân ngũ, trở thành tài sản trong hành trang cuộc sống giúp mỗi chúng tôi gắn kết, chia sẻ, tự tin, vững chắc trước xô đẩy của dòng đời. Hôm nay, kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ, tôi mạnh dạn nói hộ 54 người bạn của mình, như một lời tri ân của người trong cuộc về đồng đội của tôi - những người lính thị xã Hà Giang nhập ngũ ngày 10.4.1975.
LÊ TRỌNG LẬP
Ý kiến bạn đọc