Đổi thay trên miền cực Bắc
Xuân 2015 - Là tỉnh vùng cao, biên giới, cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có một nền văn hóa rất đa dạng, phong phú, được tạo nên bởi 19 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn. Nhắc đến Hà Giang là nhắc đến văn hóa chợ ở các huyện vùng cao, trong đó có phiên chợ đặc biệt - chợ tình Khau Vai. Nhắc đến Hà Giang là nhắc đến Lễ hội Cấp sắc của người Dao, Lễ hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ hội cúng Thần rừng của người Nùng, người Pu Péo... Qua bao đời chống chọi với sự khắc nghiệt của tự nhiên để vươn lên trong cuộc sống, mỗi dân tộc ở nơi cực Bắc này lại hình thành những nét riêng độc đáo trong sinh hoạt, trở thành phong tục, tập quán, chỗ dựa tinh thần của mình. Tuy nhiên, cũng do điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên dẫn tới kinh tế - xã hội của Hà Giang chậm phát triển, đặc biệt là những năm trước đây. Vì vậy những vùng sâu, xa, vùng cao – nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ít được tiếp nhận thông tin, sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật... nên còn nhiều hủ tục hoặc dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng việc truyền đạo để kích động, lôi kéo làm những điều xấu, đi ngược lại thuần phong, mỹ tục của các dân tộc... Cũng bởi vậy, việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt, xây dựng nếp sống văn minh trong toàn tỉnh, từ lâu đã được Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp hết sức quan tâm, chú trọng thực hiện.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo Báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc năm 2014 tại Hà Giang. Ảnh: HUY BA |
Trong những năm gần đây, bằng nhiều chương trình, dự án và những chính sách hỗ trợ của Trung ương; bằng những quyết sách đúng đắn của tỉnh; đồng thời, bằng sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của cán bộ, đồng bào các dân tộc..., Hà Giang nói chung, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của Hà Giang nói riêng đã có những đổi thay mạnh mẽ: Diện mạo các khu dân cư ngày càng khang trang, hiện đại; hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện; hệ thống trường học và y tế phát triển rộng khắp; điện lưới Quốc gia, truyền hình, báo chí, internet đến tận thôn bản... Đặc biệt, Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước với Công viên địa chất Toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn, Di sản Quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cùng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc khác. Nếp sống văn hóa, văn minh ngày càng phổ biến trong từng thôn bản, tổ dân phố, từng gia đình. Có thể nêu một vài ví dụ: Chỉ cách đây khoảng 5 – 6 năm, mặc dù đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc Hà Giang đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn phong tục để việc cưới, việc tang diễn ra nhiều ngày gây tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, ở hầu hết các thôn bản, tổ dân phố, việc kết hôn được thực hiện đúng luật, các đám cưới đã được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc; nhiều thủ tục rườm rà bị loại bỏ, có nơi bỏ cả tục ăn hỏi như ở thôn Nà Yến, xã Yên Định (Bắc Mê). Các hủ tục trong đám tang ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cơ bản được khắc phục. Ở nhiều xã như Trung Thành (Vị Xuyên), Vĩ Thượng (Bắc Quang), người dân các thôn, tổ dân phố còn tổ chức thành các hội để giúp đỡ lẫn nhau tổ chức việc tang chu đáo, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện rộng rãi và hiệu quả. Toàn tỉnh có trên 2000 thôn bản, tổ dân phố thì trên 400 thôn bản, tổ dân phố, gần 48% số hộ gia đình đã đạt danh hiệu văn hóa theo các tiêu chí mới của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Trên 50% số thôn bản đã được xây dựng nhà văn hóa; 100% xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật... đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tìm hiểu kiến thức pháp luật của nhân dân. Trong những năm qua, nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc đã được phục dựng, phát huy, qua đó vừa tạo được khí thế sôi nổi, phấn khởi cho nhân dân, vừa gắn kết với việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng. Nhiều lễ hội đã được cấp có thẩm quyền công nhận di sản phi vật thể như các lễ hội Gầu tào, Cấp sắc, Cúng thần rừng, Nhảy lửa... Hầu hết các thôn bản, tổ dân phố đều xây dựng được các quy định về nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, qua đó phát huy được những phong tục, tập quán tốt đẹp, loại bỏ được những hủ tục...
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, đang tạo thêm một bước khởi sắc mới cho cuộc sống người dân nông thôn Hà Giang, từ vùng thấp đến vùng cao. Với 19 tiêu chí: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi; điện; trường học; các thiết chế văn hóa; bưu điện; chợ nông thôn; y tế; hình thức tổ chức sản xuất; thu nhập... thực sự là một cuộc cách mạng làm chuyển biến về chất lượng sống cho người dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết liệt trong công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện, Hà Giang đã tranh thủ và huy động tốt mọi nguồn lực cho xây dựng Nông thôn mới. Bước đầu đã có 3 xã hoàn thành 19 tiêu chí là Việt Lâm (Vị Xuyên), Phương Độ và Phương Thiện (thành phố Hà Giang); nhiều xã đã hoàn thành những tiêu chí quan trọng như giao thông, điện, trường học, y tế, tổ chức sản xuất... Có thể nói, thực hiện tốt xây dựng Nông thôn mới đang tiếp tục tạo ra những bước đột phá trong nếp sống văn hóa, văn minh của đồng bào các dân tộc vùng nông thôn nói chung, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang nói riêng.
Cuộc sống của nhân dân các dân tộc Hà Giang đã có những bước tiến vượt bậc. Dù còn nhiều vất vả, gian khó nhưng người dân đã có thể tự hào với những thành quả mà mình đạt được, nhất là trong việc bài trừ hủ tục, tạo dựng nếp sống ngày càng văn minh. Đến với vùng cao Hà Giang hôm nay, thay vì chứng kiến những tập tục lạc hậu, ta luôn được chứng kiến những nét đẹp trong đời sống của người dân. Đó là phong trào đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; đó là phong trào giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thôn xóm; phong trào xây dựng nếp sống văn hóa; vận động con em đến trường... Ở nhiều thôn xóm, ta bắt gặp nhiều gia đình dù còn khó khăn thiếu thốn, nhưng đã tạo mọi điều kiện để con em được đến trường học tập văn hóa, tự tin bước vào các trường cao đẳng, đại học... Thế hệ trẻ Hà Giang nói chung, thế hệ trẻ vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh nói riêng ngày càng hòa nhập, tiếp thu những tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ cho cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Thực hiện những điều Bác dạy, Hà Giang đang ngày càng tiến nhanh trên bước đường phát triển./.
Minh Châu
Ý kiến bạn đọc