Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND
HGĐT- 25 tham luận gửi về Ban tổ chức, 7 tham luận trình bày trực tiếp tại hội trường đã mổ xẻ nhiều khía cạnh, đưa ra nhiều góc tiếp cận nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Hội nghị trao đổi nghiệp vụ hoạt động HĐND các cấp lần thứ III thực sự là diễn đàn bổ ích cho mỗi người đại biểu của dân.
Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND các cấp lần thứ III vừa diễn ra với chủ đề: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND”. Diễn đàn nghiệp vụ này thực sự bổ ích, những kinh nghiệm được chia sẻ mang tính hàn lâm, nhưng rất thiết thực, được chắt lọc qua thực tiễn ở cơ sở sẽ giúp mỗi đại biểu có thêm kinh nghiệm xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình công tác, tiếp xúc với nhân dân.
Các đại biểu HĐND kiểm tra việc xử lý nước thải trong quá trình sản xuất của Nhà máy tinh quặng sắt Vị Xuyên.
Qua nửa nhiệm kỳ hoạt động, HĐND các cấp đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2013 của tỉnh đạt trên 10%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, chú trọng chăn nuôi hàng hóa. Sản xuất công nghiệp, hoạt động dịch vụ, du lịch đạt nhiều kết quả đáng mừng, nhiều dự án trọng điểm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí được nâng lên, giá trị văn hóa truyền thống được khơi dậy, lan tỏa trong đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, theo nhận định của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh: Sự phối hợp chuẩn bị nội dung, công tác thẩm tra của các Ban và Thường trực HĐND tỉnh còn nhiều bất cập. Điều này dẫn đến chất lượng đề án, văn bản trình kỳ họp chưa cao, có nội dung không được thông qua, một số chính sách, nghị quyết ban hành không giải quyết được yêu cầu phát triển, khó thực hiện. Bên cạnh đó, sự đổi mới công tác giám sát còn chậm, các chương trình, dự án kinh tế chưa được giám sát thường xuyên, chưa tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội. Công tác tiếp xúc cử tri (TXCT) vẫn là khâu yếu nhất, chưa có biện pháp nâng cao chất lượng, còn nhàm chán. Hơn nữa, cử tri đến tiếp xúc chủ yếu là các chức danh của xã, thôn, tổ dân phố, thông tin mang tính một chiều, ít phân tích nội dung dự kiến trình tại kỳ họp, ít làm rõ những góp ý, kết quả tiếp thu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Thực tế đó đã, đang đặt áp lực đổi mới lên vai các đại biểu của dân. Đúng như chủ đề trao đổi nghiệp vụ, nhiều tham luận của đại biểu đến từ cơ sở đã nêu bật, chân thực những gì đang diễn ra trong hoạt động của HĐND và vị thế người đại biểu nhân dân. Nhìn chung, các kỳ họp HĐND đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là cấp xã, phường. Vậy giải pháp nào gỡ được nút thắt, vấn đề này được Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhìn nhận: Hầu hết HĐND cấp xã còn lúng túng trong chuẩn bị văn bản, nội dung kỳ họp chưa xác định rõ, chất lượng các văn bản chưa cao, chưa phân công chủ tọa điều hành từng phiên họp, gợi ý thảo luận còn chung chung, thiếu định hướng cụ thể. Nguyên nhân, do công tác chuẩn bị văn bản chậm, chủ tọa kỳ họp thiếu kịch bản điều hành, năng lực điều hành, tổng hợp của Thường trực HĐND, đoàn thư ký, cán bộ văn phòng giúp việc hạn chế... Khắc phục tình trạng này, Đảng ủy các xã cần quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc HĐND phát huy vai trò, sớm cho ý kiến về nội dung để kỳ họp tiến hành đúng thời gian theo luật định. Mặt khác, chủ tọa cần chuẩn bị sẵn nội dung điều hành kỳ họp, khi điều hành phiên cần linh hoạt, dứt khoát.
Làm thế nào để hoạt động tham vấn nhân dân phát huy được hiệu quả? Đây là vấn đề mới nên được nhiều đại biểu quan tâm, giải đáp băn khoăn này, đại diện Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, trước hết phải hiểu, thực hiện đầy đủ nội dung, quy trình tham vấn. Và điều quan trọng, vấn đề tham vấn phải mang tính phổ biến, phạm vi rộng, có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, lĩnh vực, được dư luận quan tâm. Nội dung tham vấn tác động trực tiếp đến lợi ích, đời sống của người dân hoặc đang có những điều không phù hợp, cần xem xét để điều chỉnh kịp thời. Do đối tượng tham vấn đa dạng về trình độ, nhận thức nên cần phải lựa chọn hình thức tham vấn cho phù hợp, nhóm đối tượng có trình độ cao, có thể tham vấn qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo, điều tra xã hội học... Những chia sẻ này, giúp HĐND cấp huyện, xã có thêm kinh nghiệm trong tổ chức tham vấn nhân dân.
Vấn đề nâng cao hiệu quả TXCT cũng nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu HĐND. Các đại biểu huyện Vị Xuyên nêu thực trạng, do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp nên cử tri đến dự các buổi tiếp xúc ít, thường là đại diện lãnh đạo xã và các đoàn thể. Với thành phần như vậy, phần lớn ý kiến, kiến nghị tập trung vào việc đề nghị cấp trên bố trí, hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, hoặc chế độ, chính sách đối với cán bộ. Bên cạnh đó, một số đại biểu thụ động gợi mở, định hướng các ý kiến, ít nghiên cứu nên có kiến nghị đã được trả lời, hoặc pháp luật đã quy định nhưng không giải đáp cho cử tri; một số ý kiến được giải quyết nhưng chỉ mang tính hình thức, trả lời cho xong...
Từ thực tế đó, HĐND huyện Vị Xuyên chia sẻ kinh nghiệm, cần xây dựng kế hoạch TXCT đầy đủ, chi tiết. Các đại biểu cần dành nhiều thời gian nắm bắt thông tin, phải trở thành nhân vật trung tâm, người chủ động nội dung, điều khiển được cuộc tiếp xúc, chủ động đối thoại, giải thích, trả lời những vấn đề cử tri quan tâm. Ngoài tiếp xúc định kỳ trước, sau kỳ họp, cần tăng cường tiếp xúc theo chuyên đề, tạo điều kiện cho đại biểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nội dung tiếp xúc cần linh hoạt, phù hợp với từng nhóm cử tri.
Diễn đàn trao đổi nghiệp vụ HĐND diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng có nhiều vấn đề thực tiễn ở cơ sở được mổ xẻ, làm rõ nguyên nhân, gợi mở hướng giải quyết. Qua đó, giúp các đại biểu có thêm kinh nghiệm, vận dụng vào điều kiện thực tế và sẽ từng bước nâng cao chất lượng hoạt động HĐND - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc