Xuân mới, nhìn lại hoạt động của HĐND các cấp
(Xuân Giáp Ngọ)- Năm 2013 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, cũng là năm giữa nhiệm kỳ hoạt động của HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011 - 2016).
Xác định hoạt động của HĐND được đảm bảo chủ yếu bằng chất lượng kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực Đề án “Nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND; ngoài 2 kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh tổ chức thêm 2 kỳ họp chuyên đề để đảm bảo thời gian thảo luận kỹ các vấn đề cần quyết định tại kỳ họp, đồng thời UBND tỉnh có điều kiện chuẩn bị kỹ lưỡng hơn các văn bản trình HĐND. Với 4 kỳ họp, HĐND tỉnh đã ban hành 42 nghị quyết, trong đó có 36 nghị quyết về kinh tế, xã hội, tài chính, cơ chế, chính sách... tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vương Mí Vàng trao đổi với lãnh đạo trường Mầm non Việt Quang (Bắc Quang) về việc xây dựng, mở rộng nhà trường.
Thường trực HĐND các huyện, thành phố tiếp tục hoàn thiện Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HĐND cấp xã” cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đồng thời bổ sung thêm nội dung “Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu” vào Đề án. Nhìn chung, từ khi đề án được triển khai đến nay, hoạt động của HĐND cấp xã đã từng bước đi vào nề nếp, đúng Luật định.
Để từng bước khắc phục tính hình thức, chủ quan trong ban hành nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành tham vấn nhân dân về chính sách thu hút nguồn nhân lực và hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, với 1.137 cán bộ, công chức tham gia, kết quả tham vấn đã được UBND tỉnh tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh thông qua. Nghị quyết mới ban hành đã khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế của Nghị quyết số 20/2008/NQ-HĐND.
Thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, HĐND các cấp tỉnh Hà Giang đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Chỉ đạo thực hiện điểm để rút kinh nghiệm, sau đó mới thực hiện đại trà. Tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm là 1.161 người, trong đó có 531 người có trên 50% đại biểu đánh giá tín nhiệm cao; 182 người có trên 50% đại biểu đánh giá tín nhiệm; 442 người có dưới 50% số đại biểu đánh giá tín nhiệm cao và tín nhiệm; 06 người người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (đều ở HĐND cấp xã). Kết qủa lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh đúng năng lực, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất của người được lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó giúp cho người lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, phát huy ưu điểm, có phương hướng khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát đặc biệt của HĐND các cấp đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu, được cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp là diễn đàn có tính dân chủ, công khai cao, thể hiện quyền lực của cơ quan HĐND. Qua chất vấn, các đại biểu đã thể hiện được trách nhiệm và bản lĩnh của mình trước cử tri; đồng thời qua việc trả lời chất vấn, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu UBND, các cơ quan chức năng. Nội dung chất vấn chủ yếu là những yếu kém còn tồn tại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án khi thu hồi đất của nhân dân; trong quản lý đất đai, lâm sản; trong quản lý khai thác khoáng sản... hoạt động chất vấn ngày càng thiết thực, sâu sắc hơn, đại đa số ý kiến chất vấn tại kỳ họp được trả lời thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và không ít lời hứa trên diễn đàn kỳ họp đã được tổ chức triển khai thực hiện. Về cơ bản, các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm đều chuẩn bị kỹ để trả lời chất vấn, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải đáp những băn khoăn, kiến nghị của cử tri, chất vấn đã trở thành công cụ đắc lực để đại biểu HĐND thay mặt nhân dân thực hiện quyền giám sát, góp phần nâng cao uy tín của HĐND.
Hoạt động giám sát giữa các kỳ họp được HĐND các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc ngay từ khâu lựa chọn nội dung giám sát để xây dựng nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND năm 2013. Riêng đối với HĐND tỉnh đã tiến hành 47 cuộc giám sát, khảo sát (trong đó Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện hoàn thành 21 cuộc giám sát) với 276 kiến nghị đối với các bộ, ngành Trung ương, các cấp chính quyền và các ngành chức năng của địa phương. Điển hình như: Các kiến nghị sau giám sát về việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước giai đọan 2007-2012 trên địa bàn tỉnh Hà Giang, là cơ sở để UBND tỉnh điều chỉnh các nội dung phân cấp phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cấp; ban hành các quyết định phân cấp mới thay thế để phù hợp với các văn bản của T.Ư; qua giám sát về công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với các dự án thủy điện Thái An, thủy điện Bát Đại Sơn cho thấy còn nhiều bất cập đang tồn tại, đã kiến nghị cấp có thẩm quyền, ngành chức năng và chủ đầu tư thực hiện bồi thường cho nhân dân đúng qui định của pháp luật... Đa số các cuộc giám sát đượcthực hiện theo chuyên đề do vậy chất lượng các cuộc giám sát đã được nâng lên rõ rệt.
Thường trực HĐND các cấp, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý và đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định; chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Nhiều vụ việc kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Đồng thời thực hiện phương châm “Mỗi đại biểu là một báo cáo viên pháp luật”. Cũng là một nét mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp tỉnh Hà Giang.
Năm 2013, Thường trực HĐND các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ, UBND các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan, như chủ trì tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi); phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử - Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng hoạt động dành cho đại biểu dân cử cho đại biểu HĐND tỉnh và HĐND các huyện, thành phố...
Hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp được quyết định một phần từ chất lượng của cơ quan tham mưu. Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh, mang tên Trang thông tin điện tử đại biểu nhân dân Hà Giang. Trang thông tin điện tử đã cung cấp khá đầy đủ thông tin hoạt động của Đoàn ĐBQH, đại biểu QH, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và hoạt động của HĐND các cấp. Ngoài ra, Trang thông tin điện tử còn cung cấp thông tin kinh tế - xã hội, trao đổi kinh nghiệm hoạt động đối với đại biểu dân cư, là cầu nối giữa đại biểu HĐND với cử tri. Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện gửi tài liệu các kỳ họp cho đại biểu HĐND tỉnh qua file (bản mềm) nhằm tiết kiệm chi phí hành chính và đảm bảo tài liệu kỳ họp đến với đại biểu nhanh nhất, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND.
Xác định năm 2014 là năm “nước rút”, có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2010 - 2015), HĐND các cấp cần chủ động trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của mình; tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các kỳ họp của HĐND các cấp trong đó chú trọng chất lượng nội dung thảo luận và chất vấn tại kỳ họp; sâu sát, chất lượng hơn trong các hoạt động giám sát; hoạt động tuyên truyền thông qua nội dung tiếp xúc cử tri. Tổ chức thêm 1 kỳ họp chuyên đề để đảm bảo thời gian thảo luận kỹ các vấn đề cần quyết định tại các kỳ họp. Kiểm tra đánh giá chất lượng đại biểu HĐND và Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã”.
Vương Mí Vàng
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Ý kiến bạn đọc