Những giai đoạn chiến lược làm nên mùa Xuân lịch sử

08:00, 25/04/2013

HGĐT- Trải qua hơn 20 năm chiến đấu kiên cường, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh thực dân mới quy mô lớn nhất, dài nhất và dã man tàn bạo nhất của đế quốc Mỹ. Có thể phân kỳ cuộc kháng chiến thành năm giai đoạn chiến lược, mỗi giai đoạn có những chuyển biến về tương quan lực lượng, cục diện chiến tranh để đến giai đoạn cuối tạo bước nhảy vọt lớn đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.


Từ tháng 7/1954 đến hết 1960: Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta thắng lợi, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ. Mỹ không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, không ký Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định, xúc tiến kế hoạch xâm chiếm miền Nam nước ta bằng chính sách thực dân mới, phá hoại Hiệp định, dùng hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm. Chính quyền Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng, diệt cộng”  đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam . Đảng ta đã sớm nhận thức rõ ý đồ xâm lược của Mỹ và luôn nhất quán tinh thần chỉ đạo tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN. Thực hiện chủ trương trên, miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới. Hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo XHCN, căn bản xoá bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội theo con đường đi lên CNXH, chuẩn bị về quân sự cho cách mạng cả nước giai đoạn mới. Ở miền Nam , cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng đại bộ phận nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng.

 

Từ 1961 đến giữa 1965: Giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang “chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Đó là chiến lược dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét dồn dân vào ấp chiến lược. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và chính trị. Trên miền Bắc, quân và dân vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam .

 

Giữa năm 1965 đến hết 1968: Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc. Trước nguy cơ phá sản của “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp nhân dân, đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trên chiến trường miền Nam , quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào và liên tiếp những trận thắng oanh liệt khác. Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam . Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân Xuân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng dù ngoan cố đã phải bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh.

 

Từ 1969 đến 1973: Phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam với Lào, Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược“Việt Nam hoá chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán. Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, rút quân về nước nhưng kéo dài và mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Thủ đoạn xảo quyệt của Mỹ là thực hiện chiến tranh hủy diệt và chiến tranh giành dân, chiến tranh bóp nghẹt để làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia, đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” và “học thuyết Ních xơn” ở Đông Dương. Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nhằm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai trên miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh.

 

Cuối năm 1973 đến 30/4/1975: Tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 21 T.Ư Đảng (tháng 10/1973) đã xác định “Con đường Cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực Cách mạng, bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa Cách mạng Việt Nam tiến lên”. Thực hiện chủ trương của Đảng, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Mê Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Trong 55 ngày đêm với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng. Hơn một triệu quân ngụy và cả bộ máy ngụy quyền bị đập tan.

                                                              LƯƠNG ANH

                                           (Theo tài liệu tuyên truyền của BTG Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước lên thăm Hà Giang
HGĐT- Sáng 24.4, đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước đã lên thăm Hà Giang.
24/04/2013
Giao ban công tác Dân vận quý I tại huyện Bắc Quang
HGĐT- Từ 23 – 24.4, tại huyện Bắc Quang, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban công tác dân vận quý I - 2013 cho Cụm các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Dự về phía T.Ư có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư. Về phía tỉnh có các đồng chí: Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ly Mí Lử, Ủy viên BTV
24/04/2013
11 Nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp thứ Bảy (Chuyên đề) HĐND tỉnh Hà Giang khoá XVI
1. Nghị quyết sửa đổi Phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2013; 2. Nghị quyết về việc giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước tỉnh Hà Giang năm 2013;
24/04/2013
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chương trình giảm nghèo bền vững
HGĐT- Chiều 22.4, BCĐ Chương trình giảm nghèo bền vững T.Ư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và triển khai nhiệm vụ năm 2013.
23/04/2013