“Đối thoại để phát triển”
HGĐT - Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hà Giang cho biết: “Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm khoảng 90% cơ cấu kinh tế thành phố. Vì vậy, trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương, ngoài đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp tại các xã ngoại thành là Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Một trong những giải pháp đó là đối thoại”.
Năm 2012, tốc độ tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế thành phố đạt 18,66%. Trong đó, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng 23,93%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 22,31%. Nhiều cơ sở chú trọng đầu tư hạ tầng, hệ thống sản xuất, kinh doanh có nhiều đổi mới; quy mô ngày càng mở rộng, chất lượng từng bước nâng cao, thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng KT-XH của thành phố. Tuy nhiên, hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và du lịch quy mô còn nhỏ lẻ, chưa phong phú; một số cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn cho nhân viên phục vụ; phong cách phục vụ thiếu tính chuyên nghiệp; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số nhà hàng, vệ sinh môi trường tại các làng văn hóa công đồng chưa được đảm bảo...
Để khắc phục những tồn tại trên, vừa qua, thành phố Hà Giang đã tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Đây là dịp để lãnh đạo thành phố, các phòng, ban chức năng trao đổi, trả lời các đề xuất, kiến nghị của cơ sở, nhằm tạo sự đồng thuận giữa chính quyền với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên. Tại buổi gặp mặt, đối thoại, có nhiều ý kiến thắc mắc, kiến nghị, đề xuất với thành phố về giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở tiếp tục duy trì, mở rộng và phát triển, như: Có chế độ, chính sách thuế thông thoáng; quan tâm vấn đề tiêu thụ rau, sản phẩm nông nghiệp; quản lý nghiêm khâu giết mổ, kiểm dịch gia súc, gia cầm; hỗ trợ tiếp cận vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư thiết bị, mở rộng quy mô kinh doanh, quảng bá thương hiệu; tổ chức tập huấn, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; có quy hoạch đất ổn định để các cơ sở yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh... được lãnh đạo thành phố, các phòng, ban chức năng trao đổi, trả lời thỏa đáng.
Bí thư Thành ủy Trần Mạnh Lợi cho biết thêm: Tiềm năng, lợi thế để thành phố Hà Giang phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch là rất lớn, với Công viên Địa chất Toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn, Di sản văn hóa Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cùng các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao... du khách trong nước và Quốc tế đến với Hà Giang ngày một tăng. Năm 2013, tỉnh phấn đấu thu hút khoảng 400.000 lượt khách du lịch. Đây là cơ hội lớn để thành phố phát triển mạnh các ngành dịch vụ, kinh doanh thương mại, sản xuất tiểu, thủ công nghiệp đáp ứng nhu cầu du khách về văn hóa, ẩm thực đậm bản sắc miền núi, vùng cao, mua sắm đồ lưu niệm... Giải quyết tốt vấn đề này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại du lịch luôn là những hạt nhân đi đầu, quyết định lớn đến sự thành công. Vì vậy, gặp gỡ, trao đổi, đối thoại là cách tiếp cận hay, qua đó lãnh đạo thành phố hiểu và chia sẽ những tâm tư, nguyện vọng, đồng thời giải đáp thỏa đáng những vấn đề còn bất cập, để các cơ sở tin và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thời gian tới, ngoài vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách thông thoáng, thành phố sẽ tăng cường gặp gỡ, trao đổi và đối thoại với các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, với mục tiêu “Đối thoại để phát triển”.
Ý kiến bạn đọc