Khơi dậy nội lực để phát triển bền vững
HGĐT- Quản Bạ được công nhận là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh vào ngày 15.12.1962. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân các dân tộc địa phương. Trải qua 50 mùa xuân, 17 lần Đại hội Đảng bộ huyện với sự tập trung dân chủ, đoàn kết, sáng tạo, đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp từng giai đoạn, giải quyết những vấn đề cụ thể. Từ chính sách hợp lòng dân, huy động được sức mạnh của toàn dân... đã đưa Quản Bạ ngày một phát triển.
Lãnh đạo huyện Quản Bạ ký kết với các xã phát triển cây vụ đông năm 2012.
Thực hiện công cuộc đổi mới, Quản Bạ từng bước khắc phục khó khăn và phát huy mọi điều kiện thuận lợi để tạo ra sự chuyển biến trên nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế của huyện có sự phát triển ổn định, liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước (năm 2012 đạt 16,5%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ - du lịch. Sản xuất nông - lâm nghiệp có sự phát triển vững chắc theo hướng hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả trên cơ sở đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; triển khai thử nghiệm, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, qua đó nâng cao hệ số sử dụng đất trên cùng một diện tích, sản lượng lương thực tăng nhanh theo từng năm. Năm 2005, toàn huyện có 6.000 ha ngô, đậu tương, đến năm 2012 đã có 7.661 ha; sản lượng lương thực năm 2005 đạt trên 14.000 tấn, đến năm 2012 tăng lên 28.681 tấn, tăng 14 tấn so với năm 2005; cỏ chăn nuôi năm 2005 mới có 1.000 ha, đến nay toàn huyện đã trồng gần 3.000 ha cỏ. Cùng với phát triển cây lương thực, trồng cỏ chăn nuôi, tận dụng những lợi thế sẵn có, huyện cũng đã tích cực triển khai trồng cây rau đậu ở những xã có điều kiện như Quyết Tiến, Quản Bạ, Thanh Vân, thị trấn Tam Sơn, nâng tổng diện tích rau đậu các loại trên địa bàn huyện lên 2.487 ha. Chăn nuôi, trồng rau hàng hoá trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình, góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, huyện đã khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong các lĩnh vực khoáng sản, thủy điện, phát triển du lịch - dịch vụ, qua đó tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn, nếu như năm 2005, thu ngân sách trên địa bàn đạt 11 tỷ đồng thì đến hết năm 2012, thu ngân sách của huyện đạt trên 69 tỷ đồng. Từ năm 1995 trở về trước, cơ sở hạ tầng của huyện còn nhiều thiếu thốn, các xã cơ bản có đường ô tô đến trung tâm nhưng đường xấu, khó đi, chỉ có 21% số thôn bản có đường dân sinh; trụ sở làm việc và các cơ quan từ huyện đến xã, trạm y tế, trường học chủ yếu làm bằng gỗ, nhà tạm; trên 50% dân số thiếu nước sinh hoạt; 75% số hộ là nhà tạm. Những năm gần đây, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ nhiều dự án, chương trình khác nhau như: Chương trình 134, 135, 167, 193, Chương trình 30a, Dự án 120... huyện đã huy động nhân dân các xã đóng góp tiền của, hàng vạn ngày công, xoá được hàng nghìn nhà tạm; đào đắp hàng trăm nghìn m3 đất, đá để mở mới các tuyến đường ô tô đến trung tâm xã, đưa 100% số thôn bản có đường ô tô, đường dân sinh đi qua; 13/13 xã, thị trấn có điện lưới Quốc gia. Lĩnh vực giáo dục - y tế của huyện có bước phát triển nhanh, mang tính toàn diện; cơ sở vật chất các trường, lớp học ngày càng được hoàn thiện, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục bậc THCS theo chuẩn Quốc gia; công tác quản lý, duy trì sĩ số học sinh nội trú, bán trú dân nuôi được thực hiện tốt. Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố, mở rộng, đến nay 13/13 xã, thị trấn trong huyện có Trạm Y tế kiên cố; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 23%. Không chỉ vậy, với hướng ưu tiên đưa Quản Bạ trở thành một thành phố du lịch trong tương lai, tận dụng những lợi thế sẵn có, huyện đã có những quy hoạch phát triển những điểm, tua du lịch sinh thái, du lịch khám phá, cùng với đó là có cơ chế thu hút, ưu đãi đặc biệt cho hoạt động du lịch - dịch vụ. Do đó những năm qua, hoạt động du lịch có bước phát triển mới với 3 Làng Văn hoá du lịch cộng đồng; 8 điểm tham quan, du lịch được hình thành và bước đầu phát huy được hiệu quả. Du lịch, dịch vụ không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng của Quản Bạ mà còn có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển du lịch chung của tỉnh, nhất là khi Quản Bạ đang nằm trong vùng quy hoạch phát triển của Cao nguyên đá Đồng Văn.
Phát huy những kết quả đạt được, với tinh thần “Đoàn kết - đổi mới - đột phá - giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững”, Quản Bạ quyết tâm đến năm 2015 tập trung mọi nguồn lực khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, tài nguyên để phát triển kinh tế ở mức cao và ổn định theo hướng sản xuất hàng hoá, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tiếp tục khơi dậy nội lực trong mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh xã hội hoá công tác XĐGN, chăm lo phát triển văn hoá - xã hội. Phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt các mục tiêu: Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 18%; nâng mức thu nhập bình quân theo đầu người lên 15 triệu đồng/người/năm; bình quân lương thực theo đầu người đạt 720kg/người/năm; 100% số hộ thành thị và 70% số hộ ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; hàng năm tỷ lệ huy động học sinh 6 - 14 tuổi đến trường đạt 98%, trong đó trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; phấn đầu có 2 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục bậc THPT; hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 15%.
Trước mắt, năm 2013, Đảng bộ huyện Quản Bạ đề ra mục tiêu và có sự chỉ đạo sâu sát nhằm tạo ra những chuyển biến lớn trên mọi lĩnh vực bao gồm: Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp, xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp; coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, tập trung chỉ đạo hoàn thành và phát triển mạnh dự án 150 ha rau, hoa và cây dược liệu xã Quyết Tiến thành vùng sản xuất nguồn thực phẩm sạch, chất lượng, chủ động cung cấp cho thị trường; quan tâm hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và các thị trấn, trung tâm cụm xã, cụm dân cư; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phát huy cao nhất nội lực trong dân tham gia xây dựng xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế, các công ty, doanh nghiệp tham gia đầu tư tại địa bàn. Cùng với đó là chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn; khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án của tỉnh, Trung ương, hỗ trợ phục vụ cho công cuộc XĐGN nhanh và bền vững. Thường xuyên quan tâm, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân, đảm bảo cho qúa trình phát triển đi lên của huyện...
Ý kiến bạn đọc