Hà Giang sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn

15:58, 10/12/2012

HGĐT- Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới, cực Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài 277,5 km giới giáp với nước bạn Trung Quốc. Với tổng ân số là 724.353 người, gồm 22 dân tộc cùng chung sống. Trong đó đông nhất là dân tộc Mông (chiếm 31,15%), dân tộc Tày, dân tộc Dao, dân tộc Kinh, còn lại là các dân tộc khác.


Toàn tỉnh Hà Giang có 10 huyện và 1 thành phố, trong đó có 6/11 nằm trong diện 30a của chính phủ, có 195 xã phường, 2100 đơn vị thôn, tổ dân phố…Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có 63.453 hộ nghèo.

           
Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của tỉnh ủy, HĐND-UBND và các đoàn thể nhân dân, sự đồng tình nhất trí, thống nhất cao của cấp ủy và chính quyền các xã, phường, thị trấn; sự nỗ lực, đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau 5 năm thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả sau:

           
1. Về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và toàn thể xã hội về dân chủ và dân chủ trực tiếp của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. MTTQ đã tham mưu với tỉnh ủy, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiến hành tuyên truyền, củng cố Ban Thanh tra nhân dân, tổ hòa giải, xây dựng hương ước, quy ước thôn bản, thực hiện giám sát đầu tư cộng đồng, củng cố nội dung, quy định của cơ quan, đơn vị. Hàng năm, có tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện đoàn kết phát huy quyền làm chủ của nhân dân với việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Thực tiễn cho thấy, thực hiện dân chủ trên địa bàn xã, phường, thị trấn ở tỉnh Hà Giang là một chủ trương đúng đắn hợp “ý Đảng lòng dân” được nhân dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ. Chính việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị nhận thức sâu sắc hơn về quyền làm chủ và vai trò của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới. Chính quyền đã chủ động tích cực hơn trong việc đối thoại và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân.

           
2. Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Với trí tuệ, kinh nghiệm, nhân lực, vật lực nhiều địa phương đã tổ chức cho nhân dân bàn bạc tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tập trung chuyển đổi ngành nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Trong 5 năm qua với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân phong trào kiên cố hóa kênh mương, làm đường giao thông nông thôn, kiên cố trường, lớp học, xây dựng nhà “Đại đoàn kết” đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hầu hết các công trình do dân đóng góp và giám sát thi công đều đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí, phát huy hiệu quả tốt và ít nảy sinh khiếu kiện đông người, số hộ khá giàu trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, số hộ nghèo ngày càng giảm. Nhân dân đã tự giác đóng góp hàng nghìn tỷđồng, hàng triệu ngày công để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đã tạo nên diện mạo mới cho vùng biên cương tổ quốc.


3. Tác động tích cực trong việc đời sống văn hóa - xã hội ở cơ sở. Việc xây dựng các hương ước, quy ước với nội dung mới theo hướng văn minh, tiến bộ đã có tác động hiệu quả tới việc giữ gìn và phát triển các truyền thống, phong tục, tập quán, lễ hội tốt đẹp tại cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay toàn tỉnh có 2056/2068 làng văn hóa, khu dân cư đã và đang thực hiện tốt các bản hương ước, quy ước của cộng đồng, kiện toàn các nhóm nhân dân tự quản, các tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân, Ban công tác Mặt trận trên từng địa bàn dân cư. Toàn tỉnh có 195 Ban Thanh tra nhân dân đại diện cho nhân dân giám sát việc sử dụng các khoản quỹ do nhân dân đóng góp và thi công công trình xây dựng phúc lợi ở cơ sở. Công tác hòa giải được củng cố, đã có 1.994 tổ hòa giải được thành lập và củng cố thu hút 5.900 người tham gia hòa giải ở các thôn, tổ dân phố. Chất lượng các tổ hòa giải được nâng lên rõ rệt, số các vụ việc phát sinh trong phạm vi được hòa giải không phải chuyển đến chính quyền và các cơ quan chức năng giải quyết giảm 70%, góp phần tích cực vào việc ổn định nội bộ nhân dân ở cơ sở, hạn chế khiếu kiện vượt cấp.


4. Góp phân xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Nét nổi bật 5 năm qua thực hiện dân chủ ở cơ sở đã tạo nên không khí mới đối với toàn bộ hệ thống chính trị theo hướng tích cực và hiệu quả. Các cấp ủy đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng dân chủ, dựa vào dân, chịu sự giám sát của nhân dân để xây dựng Đảng, Chính quyền ở cơ sở đã làm việc theo hướng ngày càng khoa học và hiệu quả hơn. Phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được chuyên nghiệp, và có chuyển biến rõ rệt về thái độ, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước đã được thực hiện bước đầu có hiệu quả, thành nề nếp, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc phục vụ nhân dân của các cơ quan nhà nước ở địa phương. MTTQ và các đoàn thể nhân dâncũng ngày càng được đổi mới về tổ chức và hoạt động theo hướng thiết thực và hiệu quả.


- Về phía người dân, do được cung cấp thông tin đầy đủ hơn, kịp thời hơn nên họ đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn quyền và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Qua đó góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng, bộ máy chính quyền, MTTQ cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm giảm bớt tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức nói chung và ở xã, phường, thị trấn nói riêng. Đây là nhân tố quan trọng để ổn định an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.


- MTTQ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan và tổ chức thành viên tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phát huy vai trò của người cao tuổi, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, phổ biến thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên để thực hiện nội dung dân chủ ở cơ sở. Trong đó chú trọng tới việc lồng ghép vào nội dung các phong trào, các cuộc vận động của MTTQ. Tích cực tham gia vào việc bầu cử Quốc hội, đại biểu HĐND, bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố… Bên cạnh đó MTTQ các cấp cùng đẩy mạnh các hoạt động giám sát và vận động nhân dân giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hàng năm MTTQ đều tiến hành giám sát ở 11 huyện, thành phố và các xã vùng sâu, vùng xa, thông qua các hình thức như Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Tham gia công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân. Tham gia các kỳ họp của HĐND cấp xã, các buổi tiếp xúc cử tri… Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc giám sát, tham gia góp ý công tác quản lý, điều hành của chính quyền. Phong cách và đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức tạo sự đồng thuận từ cán bộ đến nhân trong tỉnh. Nhân dân đã tích cực tham gia xây dựng chính quyền, việc đóng góp đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đảng viên tiếp thu, chất lượng đoàn viên được nâng cao, tổ chức cơ sở Đảng được củng cố. Vai trò lãnh đạo của Đảng được đề cao, việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần quan trọng vào sự đổi mới, điều hành của chính quyền.


Tuy nhiên, quá trình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng bộc lộ một số hạn chế như sau:
Do nhận thức về dân chủ còn hạn chế nên chưa nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề dân chủ nên chưa phát huy được quyền làm chủ của nhân dân nói chung và thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng nên không ít cán bộ, đảng viên còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh chỉ đạo, thiếu gương mẫu trong thực hiện quyền công dân ở cơ sở. Việc thực hiện quyền công dân ở cơ sở vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc. Nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà gây phiền hà cho nhân dân phải đi lại nhiều lần. Đồng thời do chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” nên chưa cụ thể hóa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vào nội dung cuộc vận động. Một số huyện của tỉnh triển khai thực hiện các nội dung dân chủở cơ sở chưa gắn kết một cách chặt chẽ, khoa học với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Một số nơi công tác tuyên truyền các nội dung dân chủ ở cơ sở tới người dân chưa được coi trọng và tiến hành thường xuyên nên tình trạng khiếu kiện tranh chấp đất đai vẫn còn xảy ra. Trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, ý thức làm chủ chưa được nâng cao, sự hiểu biết về dân chủ và pháp luật còn chưa đầy đủ, năng lực giám sát của nhân dân còn hạn chế nên người dân chỉ quan tâm đến quyền lợi mà xem nhẹ trách nhiệm, nghĩa vụ, thậm trí tại một số địa phương còn xảy ratình trạng phần tử xấu lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật, làm mất trật tự xã hội.


Để thực hiện tốt dân chủ trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian tới cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những chủ trương chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và năng lực thực hiện dân chủ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.


Hai là, nâng cao trình độ dân trí nói chung, đặc biệt là những kiến thức về pháp luật, để nhân dân có thể hiểu, biết về quyền và nghĩa vụ của mình, có ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; từ đó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của người làm chủ và có đủ năng lực để tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.


Ba là, các cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có nề nếp trong việc tổ chức thực hiện tốt Dân chủ ở cơ sở; coi đây là tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phải là những tấm gương về thực hiện dân chủ. Cần coi việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là một tiêu chuẩn quan trọng để xem xét chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh; đảng viên, cán bộ có đủ tư cách hay hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; các cơ quan trong bộ máy chính quyền có đủ tín nhiệm đối với Đảng và nhân dân.


Bốn là, Gắn việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.


Năm là, tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước và các hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về xây dựng và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cho đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, đặc biệt là ở cấp xã và Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc ở khu dân cư (thôn, tổ dân phố…)./.


TRIỆU THỊ OANH (Khoa Dân vận, Trường Chính trị tỉnh)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chương trình trao học bổng “Em không phải bỏ học” cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Hà Giang
HGĐT- Sáng 9.12, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Chương trình trao học bổng “Em không phải bỏ học” cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Hà Giang.
10/12/2012
Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông tiếp xã giao Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Áo
HGĐT- Chiều 7.12, đồng chí Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi tiếp xã giao ngài Georg Heindl, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam.
09/12/2012
Góp công làm sạch, đẹp những tuyến đường
HGĐT- Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm khi mọi người còn đang trong giấc ngủ, hoặc xế chiều chạng vạng, lúc các gia đình đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối, thì chị cùng với các đồng nghiệp lại âm thầm, cần mẫn với công việc vệ sinh, gom rác, làm sạch đường phố. Chị đã và đang nỗ lực hết mình để mỗi ngày, các con đường của thành phố được đẹp hơn, sạch hơn.
08/12/2012
Hội nghị lần thứ 5 Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh của Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)
HGĐT- Ngày 6.12, tại tỉnh Cao Bằng, Ủy ban công tác liên hợp (UBCTLH) giữa các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức hội nghị lần thứ 5.
07/12/2012