Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập huyện Mèo Vạc Anh hùng (15.12.1962 - 2012)

50 năm xây dựng và phát triển - chặng đường đầy tự hào của huyện Mèo Vạc Anh hùng

07:53, 11/12/2012

HGĐT- 50 năm trước, khi con đường Hạnh phúc chưa mở tới Mèo Vạc, ngày 15.12.1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định chia huyện Đồng Văn thành 3 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh.


Một chặng đường dài qua 2 thế kỷ, Mèo Vạc của những ngày đầu còn vô vàn gian khó, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, tinh thần và ý chí kiên cường của nhân dân các dân tộc nơi đây, mảnh đất biên cương đã và đang từng ngày vươn lên với niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, về sức sáng tạo, cần cù vượt khó phi thường của những con người trên miền đá tai mèo khắc nghiệt...


Từ khi mới tách lập, huyện Mèo Vạc có 16 xã với 25.086 nhân khẩu và 10 dân tộc anh em, trong đó đồng bào Mông chiếm trên 80% dân số. Điều kiện KT - XH của huyện còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, cơ sở hạ tầng, giao thông thấp kém, số người dân mù chữ chiếm trên 95%... Trong gian khó, với sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh, nền móng của Đảng bộ và chính quyền huyện Mèo Vạc đã được xây dựng với nhiều đồng chí mà tên tuổi đã gắn với lịch sử của mảnh đất này. Năm 1965, sau biết bao công sức và sự hy sinh của tuổi trẻ các tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên – Hà và một số tỉnh, trong đó có sự đóng góp rất lớn của đồng bào Mèo Vạc, đường Hạnh Phúc vượt qua Đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng được nối đến trung tâm Mèo Vạc như tiếp thêm sức sống cho vùng đất này. Có Đảng, có đường, đồng bào Mèo Vạc càng đoàn kết một lòng và niềm tin để vững vàng trước những khó khăn, thử thách. Từ đó, làm nên nhiều kỳ tích, xây dựng huyện Mèo Vạc phát triển như ngày hôm nay và góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.


Chặng đường dài qua 50 năm thành lập huyện và hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi sướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Từ chỗ nền kinh tế của huyện còn thấp kém, tỷ lệ hộ đói nghèo rất cao, thì nay an ninh lương thực từng bước được ổn định, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm chỉ còn 5,55%. Giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp của huyện đạt gần 300 tỷ đồng/năm. Hiện nay, trên địa bàn có 4 nhà máy thủy điện đang đầu tư xây dựng với công suất lắp máy trên 200MW. Thủy điện Nho Quế 3, công trình thủy điện lớn nhất của tỉnh với công suất lắp máy 110MW đã hòa vào lưới điện Quốc gia từ tháng 8 năm nay. Lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản cũng đang có bước phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Nếu như năm 2000, tổng thu thuế, phí của huyện mới chỉ đạt 821 triệu đồng, thì đến năm 2011 đã đạt 36 tỷ đồng và dự kiến năm 2012 này, thu đạt trên 50 tỷ đồng, tăng hơn 60 lần so với năm 2000.


Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực của địa phương, hơn 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay, 100% thôn, bản trong huyện đã có đường ô tô, đường dân sinh đi qua; các xã đã có đường nhựa đến trung tâm; 100% xã, thị trấn có trụ sở làm việc, trạm y tế và trường học 2 tầng. Đặc biệt, là nơi được ví như “miền đá khát”, nhưng đến nay Mèo Vạc đã hoàn thành đưa vào sử dụng 16 hồ “treo” với tổng dung tích thiết kế trên 110.000m3, phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 22.000 dân... Xã Mèo Vạc năm nào thưa thớt dân cư, nay đã là thị trấn sáng, sạch, đẹp và hướng tới trở thành đô thị loại V trên Cao nguyên đá.


Từ hướng đi đúng của huyện trong việc tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, giúp cho thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển nhanh trong những năm qua. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn năm 2012 ước đạt trên 150 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 20 tỷ đồng; dịch vụ vận tải đạt trên 10 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 17 khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đảm bảo phục vụ tốt cho trên 1 vạn lượt du khách/năm. Nhiều điểm du lịch trên địa bàn tiếp tục được phát huy, xây dựng gắn với việc bảo tồn, khai thác giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá. Với biết bao nhọc nhằn vượt lên của đồng bào các dân tộc, cùng với công sức của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, giáo viên từ nhiều địa phương khác đã gắn bó, cống hiến cho Mèo Vạc, từng bước làm đổi thay mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa - xã hội nơi đây. Năm 1999, Mèo Vạc đã hoàn thanh phổ cập giáo dục Tiểu học; năm 2007, huyện tiếp tục hoàn thành phổ cập THCS. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt trên 98%. Ngày càng có nhiều con em đồng bào nơi đây trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, bổ sung thêm nguồn nhân lực cho sự phát triển của huyện nhà. Lĩnh vực viễn thông đã cung cấp đạt tỷ lệ 15,3 máy điện thoại trên/100 dân; internet cũng từng bước được phổ rộng với trên 450 thuê bao; mạng lưới y tế từ huyện đến các thôn bản được quan tâm, đầu tư..., từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình đạt trên 90%. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình xây dựng nông thôn mới..., đã và đang đem đến sự đổi mới tích cực cho đời sống của đồng bào.

Suốt 50 năm qua, vai trò của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của huyện luôn được khẳng định mạnh mẽ. Đảng bộ huyện luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Qua đó, đồng bào huyện Mèo Vạc luôn một lòng đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với đó, qua các thời kỳ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới Quốc gia trên địa bàn luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ. Quan hệ đối ngoại giữa huyện với các huyện láng giềng của nước bạn Trung Quốc ngày càng được củng cố và mở rộng.


Ghi nhận những nỗ lực vươn lên, năm 2002 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”. Trong dịp kỷ niệm tròn 50 năm thành lập, huyện Mèo Vạc tiếp tục được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Phát huy thành tựu đáng tự hào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn. Đồng thời, huyện cũng luôn luôn mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư, hợp tác, khai thác những tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn. Qua đó, tạo thêm động lực giúp cho công cuộc xây dựng huyện nhà phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ nơi biên cương của Tổ quốc.


Sùng Minh Sính (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn
HGĐT- Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới, cực Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài 277,5 km giới giáp với nước bạn Trung Quốc. Với tổng ân số là 724.353 người, gồm 22 dân tộc cùng chung sống. Trong đó đông nhất là dân tộc Mông (chiếm 31,15%), dân tộc Tày, dân tộc Dao, dân tộc Kinh, còn lại là các dân tộc khác.
10/12/2012
Chương trình trao học bổng “Em không phải bỏ học” cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Hà Giang
HGĐT- Sáng 9.12, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Chương trình trao học bổng “Em không phải bỏ học” cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Hà Giang.
10/12/2012
Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông tiếp xã giao Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Áo
HGĐT- Chiều 7.12, đồng chí Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi tiếp xã giao ngài Georg Heindl, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam.
09/12/2012
Góp công làm sạch, đẹp những tuyến đường
HGĐT- Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm khi mọi người còn đang trong giấc ngủ, hoặc xế chiều chạng vạng, lúc các gia đình đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối, thì chị cùng với các đồng nghiệp lại âm thầm, cần mẫn với công việc vệ sinh, gom rác, làm sạch đường phố. Chị đã và đang nỗ lực hết mình để mỗi ngày, các con đường của thành phố được đẹp hơn, sạch hơn.
08/12/2012