Cú hích từ tấm Huy chương Vàng bóng rổ
Tại SEA Games 32, tấm Huy chương Vàng (HCV) của đội tuyển bóng rổ nữ ở nội dung 3x3 (nội dung thi đấu 3 người) chắc chắn là điểm nhấn của Đoàn thể thao Việt Nam. Với tấm HCV này, có thể kỳ vọng về một cú hích cho bóng rổ Việt Nam.
Thành công không từ trên trời rơi xuống
Đội bóng rổ nữ nhận HCV thể thức thi đấu 3x3 tại SEA Games 32. |
Trước SEA Games 32, các đội tuyển bóng rổ Việt Nam chưa một lần đăng quang tại SEA Games. Thành tích tốt nhất là tấm Huy chương Bạc nội dung nam, nữ ở thể thức thi đấu 3x3 tại SEA Games 31. Khi đó, trong lúc các đội tuyển liên tiếp gặt hái HCV thì 2 tấm HCB của đội bóng rổ nam, nữ Việt Nam ít được chú ý. Nhưng từ lúc đó, các nhà quản lý và giới chuyên môn đã có lý do để tin vào thành công lớn hơn của bóng rổ Việt Nam.
Lý do ấy đơn giản là phong trào tập luyện cùng hệ thống thi đấu 3x3 được tổ chức khá bài bản từ năm 2017, cả ở cấp độ quốc gia cũng như địa phương. Từ đây, các nhà chuyên môn chọn được một số cầu thủ nội thi đấu nổi bật để kết hợp với nguồn cầu thủ gốc Việt đang làm việc, học tập ở nước ngoài. Trong số này có chị em sinh đôi Trương Thảo My, Trương Thảo Vy. Trước mỗi giải đấu quốc tế của đội tuyển bóng rổ Việt Nam, họ lại từ Mỹ trở về hội quân. Tại SEA Games 32, dù chỉ có ít ngày tập luyện cùng đồng tuyển nhưng Trương Thảo My, Trương Thảo Vy vẫn bắt nhịp nhanh chóng với đồng đội, tạo nên một hành trình không thể quên và đặt dấu mốc mới trong lịch sử bóng rổ Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, đồng thời là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam Đặng Hà Việt nhìn nhận: Trình độ bóng rổ nữ khu vực Đông Nam Á đã lên mức cao. Nhiều đội có VĐV nhập tịch đã tham dự nhiều giải đấu quốc tế và điều đó tạo nên sự cạnh tranh đặc biệt tại SEA Games 32. Nói thế để thấy giá trị rất lớn từ tấm HCV ở thể thức thi đấu 3x3 của đội bóng rổ nữ. Đó không phải câu chuyện riêng của môn bóng rổ, mà liên quan tới định hướng chung để thể thao Việt Nam tận dụng tối đa nguồn lực VĐV gốc Việt đang sinh sống, học tập ở nước ngoài.
Chờ hiệu ứng tích cực
Nội dung thi đấu 3x3 của môn bóng rổ đã được đưa vào chương trình thi đấu Olympic, bắt đầu từ Olympic Tokyo 2020. Theo ông Đào Văn Kiên, phụ trách bộ môn bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội), Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội thì ngay từ năm 2016, khi nội dung 3x3 được tổ chức lần đầu tại Việt Nam, nhà quản lý và HLV bóng rổ của Hà Nội đã nhận thấy rõ tiềm năng phát triển của nội dung này. Từ năm 2017, bóng rổ Hà Nội đã đầu tư cho thể thức thi đấu 3x3 và đến lúc này, đây là thế mạnh của bóng rổ Hà Nội tại các sân chơi quốc gia. Đặc biệt, thể thức này phù hợp với điều kiện sân bãi của nhiều trường học tại Hà Nội. Vì thế, Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội đã liên tục tổ chức các cuộc thi đấu bóng rổ với thể thức 3x3 trong khối các trường đại học, cao đẳng...
Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam cũng không ở ngoài cuộc khi gần đây đã đưa thể thức 3x3 vào chương trình thi đấu của Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam, từ đó tạo nên một đội tuyển quốc gia giàu sức cạnh tranh ở SEA Games. Theo ông Đặng Hà Việt, việc đầu tư cho thể thức 3x3 giúp bóng rổ Việt Nam, nhất là nữ, có nhiều cơ hội giành huy chương ở sân chơi SEA Games.
Bóng rổ Việt Nam đã có bước tiến thần tốc trong những năm gần đây, đặc biệt là lần đầu giành HCV nội dung nữ ở SEA Games 32, đó là cơ sở để hy vọng bóng rổ thành tích cao sẽ nhận được sự quan tâm lớn hơn. Thực tế, ở một số địa phương, bóng rổ thành tích cao đang trong cảnh “tồn tại hay không tồn tại”. Chức vô địch SEA Games 32 ở thể thức 3x3 có thể là một gợi mở để duy trì cũng như phát triển bóng rổ thành tích cao ở nhiều địa phương, nhất là khi việc đầu tư cho một đội thi đấu thể thức 3x3 ít tốn kém hơn so với bóng rổ truyền thống 5x5 (mỗi đội có 5 cầu thủ trên sân). Theo ông Đào Văn Kiên, sau SEA Games 32, Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội sẽ càng chú trọng phát triển thể thức thi đấu 3x3, đồng thời, bộ môn bóng rổ Hà Nội cũng sẽ đầu tư nhiều hơn cho các VĐV thi đấu nội dung này. Tất cả cũng nhắm đến cái đích chung là phát triển rộng khắp phong trào bóng rổ tại Thủ đô; các đội bóng của Hà Nội có được vị thế tốt hơn trong hệ thống thi đấu quốc gia, đóng góp nhiều cầu thủ hơn cho đội tuyển quốc gia.
Rõ ràng, việc các cô gái Việt Nam giành HCV SEA Games 32 đã tạo cú hích cho bóng rổ Việt Nam. Và, giờ là lúc tận dụng điều đó để tạo nên hiệu ứng tích cực cho bóng rổ Việt Nam nói chung và bóng rổ Hà Nội nói riêng.
Theo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc