Hố sâu ngăn cách tuyển Việt Nam trước Nhật Bản
Tối 29/3, hành trình vòng loại thứ ba World Cup 2022 của tuyển Việt Nam khép lại bằng trận hòa khó tin trước đội chủ nhà Nhật Bản.
Kết quả là kỳ tích, nhưng diễn biến chỉ ra cái hố sâu ngăn cách đẳng cấp giữa chúng ta với các đội hàng đầu châu lục.
Tuyển Việt Nam giành 4 điểm tại vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á |
Lời kết ngọt ngào
Cuối cùng thì thầy Park cũng có thể nở nụ cười chia tay sân chơi đẳng cấp nhất mà bóng đá Việt Nam từng góp mặt. Các học trò của ông ăn mừng tỷ số hòa 1-1 với vẻ rạng rỡ chẳng khác gì đại thắng.
Chúng ta đã làm nên điều kỳ diệu thứ 2 ở vòng loại cuối cùng World Cup, trở thành đội đầu tiên của Đông Nam Á có được 4 điểm tại đấu trường khốc liệt số một của các ông lớn châu Á.
Đó là cái kết có hậu cho thầy trò ông Park sau khởi đầu phiền não với 7 trận thua liên tục trước Saudi Arabia, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Oman, khiến người hâm mộ mất dần kiên nhẫn. Đã có lúc những chỉ trích nhắm vào nhà cầm quân Hàn Quốc ngày càng lớn, nhất là cách sử dụng nhân sự và vận hành chiến thuật.
Đỉnh điểm của sự tụt dốc niềm tin chính là thất bại tại AFF Cup, nơi nỗi ám ảnh Thái Lan tiếp tục nối dài và các tuyển thủ trở lại vòng loại thứ ba World Cup bằng những đôi chân trĩu nặng, đến nỗi thất bại 4 bàn không gỡ tại Australia cũng được cho qua thật nhanh, cứ như thể đấy là điều tất yếu.
Nhưng năm mới Âm lịch được mở ra với chiến thắng trước tuyển Trung Quốc ở sân Mỹ Đình. Nó báo hiệu những vận khí hanh thông, và sau hàng loạt thành công của bóng đá nữ (giành quyền đi World Cup), bóng đá trẻ (U23 vô địch Đông Nam Á)…, đến lượt đội tuyển của ông Park vượt qua bao khó khăn về chấn thương, dịch bệnh và thẻ phạt để mang về một điểm từ tay Nhật Bản ở lượt cuối cùng.
Saitama đêm 29/3 sẽ là dấu ấn không thể nào quên, vì chẳng biết bao nhiêu năm nữa và bao nhiêu thế hệ nữa, chúng ta mới lại khiến đội tuyển Nhật Bản phải dốc toàn lực chỉ để có được trận hòa.
May mắn và đẳng cấp
Nếu chỉ nhìn vào tỷ số, đó sẽ là cơn địa chấn khiến cả châu Á phải ngả mũ trước tuyển Việt Nam. Nhưng tỷ số ấy không phản ánh đúng thế trận trên sân, nơi chỉ có một đội chơi bóng và chơi ở trình độ cao nhất. Thực tế là chúng ta chỉ tham gia trận đấu như buổi tập cực nặng và cực khó cho lối chơi phòng ngự.
Thầy Park khởi đầu trận đấu bằng hàng thủ có 3 trung vệ, trong đó Nguyễn Thanh Bình và Bùi Hoàng Việt Anh được coi là hạt nhân trong chiến dịch bảo vệ huy chương vàng SEA Games 31. Rõ ràng, ông Park muốn biến nguy thành cơ, tận dụng thiếu hụt ở đội tuyển thành cơ hội bồi đắp cho những trụ cột của đội U23.
Bộ đôi này đã phối hợp tốt cùng Quế Ngọc Hải, giúp cầu môn tuyển Việt Nam an toàn trước hàng chục đợt “dội bom” của những cái tên tầm cỡ quốc tế như Minamino, Ito, Kubo, Tanaka, Yoshida… Riêng Thanh Bình sẽ lưu danh với pha di chuyển chọn khoảng trống và bật cao đánh đầu hoàn hảo, bàn thắng lịch sử trong trận cầu lịch sử của tuyển Việt Nam.
Thanh Bình đứng dậy mạnh mẽ sau vấp ngã. |
Với cá nhân cầu thủ Viettel, pha mở điểm trước Nhật Bản còn là ánh hào quang xua đi những u ám của trận thua Trung Quốc 2-3 năm trước. Sau những sai lầm, Thanh Bình vẫn nỗ lực tập luyện trong màu áo 2 đội tuyển, vẫn được thầy Park tin cậy giao nhiệm vụ mỗi khi phù hợp, và sự đáp đền của anh thực sự là trái ngọt của cả thầy lẫn trò.
Nhưng ngoài khoảnh khắc lóe sáng mà Công Phượng và Thanh Bình mang lại, tuyển Việt Nam chơi toàn bộ phần còn lại của trận đấu chỉ trong thế chống đỡ quay cuồng. Chúng ta hầu như không thấy Phạm Tuấn Hải, Nguyễn Quang Hải, Hà Đức Chinh ở đâu bên phần sân đối thủ. Thay vào đó, họ phải lùi về tận cột cờ góc để hỗ trợ bảo vệ cầu môn Trần Nguyên Mạnh.
Chủ nhà Nhật Bản sau hiệp một có phần bế tắc đã tung những quân bài chủ lực vào cuộc, đẩy tốc độ lên nghẹt thở và họ tạo ra cơn mưa cơ hội trong lúc tuyển Việt Nam càng lúc càng đuối sức. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào đó, Nguyên Mạnh chỉ phải vào lưới nhặt bóng chính thức một lần.
VAR và lá cờ của trợ lý trọng tài báo việt vị đã giúp chúng ta tránh khỏi 2 bàn thua. Cột khung thành là đồng minh của Nguyên Mạnh trong tình huống lập bập. Yoshida đứng trước khung thành trống, nhưng đá liệng ra ngoài trong gang tấc. Và còn hàng chục cú dứt điểm trong vòng cấm khác bị chặn lại bởi nỗ lực xả thân của hàng thủ tuyển Việt Nam.
Chúng ta đã bảo toàn được tỷ số hòa trong 96 phút, dù đứng trong khung gỗ là Trần Nguyên Mạnh hay Đặng Văn Lâm vừa tái xuất. Chúng ta cũng đã được chiêm ngưỡng đội bóng của HLV Hajime Moriyasu trình diễn thứ bóng đá tấn công dạt dào cảm xúc với những pha đập nhả, những cú giật gót, những điểm chạm ngọt ngào để thoát đi giữa đám đông, những ý tưởng phối hợp trong phạm vi hẹp sáng tạo đến ngỡ ngàng.
Tuyển Nhật Bản không thắng chúng ta, nhưng họ đã cho chúng ta thấy đội bóng có thâm niên World Cup thì sẽ chơi bóng thế nào. Có những thứ ở họ mà chúng ta chỉ có thể xem chứ không thể học. Cũng có những thứ ở họ mà chúng ta chỉ có thể học nếu được va chạm với họ nhiều lần.
Và đó là lý do Đỗ Hùng Dũng từng phát biểu, tuyển Việt Nam không thành công lần này, nhưng đặt mục tiêu tiếp tục tranh tài ở những sân chơi tầm cỡ như vòng loại World Cup. Đúng là như vậy, chúng ta không có con đường nào khác để hiện thực hóa giấc mơ, dù vẫn biết giữa thực và mơ hiện giờ là khoảng cách quá mênh mông.
Theo zing.vn
Ý kiến bạn đọc