Vua phá lưới ở La Liga: Chờ xem bất ngờ thú vị
Vua phá lưới người Tây Ban Nha gần đây nhất ở La Liga là Daniel Guiza (Mallorca, năm 2008). Nhưng, Guiza là ai? Với 6 bàn thắng trong 21 lần được lên đội tuyển, đấy không bao giờ là một ngôi sao của La Roja.
Tương tự là những Vua phá lưới “nội” khác, trong kỷ nguyên hiện đại: Diego Tristan (15 lần khoác áo ĐTQG, ghi 4 bàn), Salva Ballesta (4 trận, 0 bàn). Chỉ mỗi Raul Gonzalez là đáng kể. Đấy cũng là chân sút “nội” duy nhất còn lại, từng đoạt danh hiệu Vua phá lưới ở La Liga, tính từ sau “phán quyết Bosman” (năm 1995).
Một thời, kỷ lục ghi bàn cho đội tuyển Tây Ban Nha thuộc về... hậu vệ Fernando Hierro. Đấy là lúc David Silva, David Villa, Fernando Torres đều chưa xuất hiện. Ngoài những tiền đạo này, cũng chỉ có Raul ghi bàn cho đội tuyển Tây Ban Nha nhiều hơn Hierro.
Tóm lại, Tây Ban Nha chưa bao giờ là nền bóng đá sản sinh các tiền đạo giỏi. Chẳng phải là sự ngẫu nhiên, khi La Roja trở thành đội bóng đầu tiên gây tiếng vang ở một giải đấu lớn bằng đội hình chính không có tiền đạo thực thụ (sơ đồ 4-3-3-0, xuất hiện tại Euro 2012). Ngày xưa, bóng đá Tây Ban Nha cũng từng có Santillana hoặc Emilio Butragueno để tự hào. Kỳ thực, họ chỉ ở vào hàng khá so với tiền đạo cùng thời ở những nước khác. Fernando Morientes gần đây cũng chỉ đến thế (không qua được Butragueno về đẳng cấp). Và đấy gần như đã là tất cả, khi nói về tiền đạo Tây Ban Nha, trong nửa thế kỷ gần đây.
Có hay không có những tháng ngày rực rỡ của tiqui-taca, đội tuyển Tây Ban Nha vẫn luôn trình diễn lối chơi quen thuộc, bất biến, suốt mấy chục năm: đá bằng kỹ thuật, “múa may” giữa sân là chính, và khi quả bóng tiến được đến gần cầu môn đối phương thì họ thường không biết làm sao để có bàn thắng.
Vì không có tiền đạo “sát thủ” nên Tây Ban Nha đá như vậy, hay vì luôn đá như vậy nên tiền đạo không có đất dụng võ và trở thành hàng hiếm trong bóng đá Tây Ban Nha? Cũng như suốt nửa thế kỷ trước đây, bóng đá Anh là “chạy và sút”, chơi theo sơ đồ 4-4-2, tạt bóng - đánh đầu. Cũng chẳng ai nói được rằng nước Anh không có tiền đạo cánh vì lối đá ấy, hay vì không có tiền đạo cánh họ mới phải đá như thế!
Vì quá giàu có, Real và Barcelona luôn dễ dàng mua tiền đạo giỏi từ nước ngoài. Họ thoát ra khỏi những giới hạn của bóng đá Tây Ban Nha từ bao đời nay. Và Tây Ban Nha là cường quốc bóng đá duy nhất mà ĐTQG không nổi tiếng, đáng xem, được bàn đến, nhiều như vài CLB cụ thể (những năm gần đây thì nơi nào cũng vậy, nhưng Tây Ban Nha là nước duy nhất có đặc điểm này, nếu nhìn lại toàn bộ lịch sử).
Khi mà mũi nhọn ghi bàn có vẻ đang mòn dần đi ở các đội mạnh như Real hoặc Barcelona mùa này, thì hãy lưu ý: đây có thể là mùa bóng hấp dẫn, tiềm ẩn bất ngờ thú vị. “Phần còn lại” ở La Liga xưa nay đã quen với cuộc sống không có tiền đạo sát thủ rồi, chẳng ngại!
Theo bongdaplus.vn