Bão bàn thắng tung hoành Ngoại hạng Anh
Ngoại hạng Anh 2020/21 đang khởi đầu với rất nhiều bàn thắng. Thậm chí vòng 2 vừa qua còn xác lập kỷ lục về số bàn thắng trong kỷ nguyên Ngoại hạng.
Lối đá điên cuồng của Leeds đã đem đến nhiều bàn thắng cho Ngoại hạng Anh. |
Vòng đấu điên rồ bàn thắng
Ngoại hạng Anh vừa trải qua một vòng đấu lịch sử, với 44 bàn thắng được ghi, bình quân 4,4 bàn/trận, phá kỷ lục cũ được thiết lập vào tháng 2/2011 với 1 bàn nhiều hơn, tính trong các vòng đấu 10 trận. Trong đó chứng kiến 3 trận kết thúc với 7 bàn thắng. Everton hạ West Brom 5-2, Leeds đánh bại Fulham 4-3 và Southampton thua Tottenham 2-5.
Điều đáng nói, vòng đấu vừa diễn ra không hẳn là hiện tượng nhất thời. Từ lúc mùa giải khởi tranh, các sân cỏ nước Anh đã chứng kiến rất nhiều cơn mưa bàn thắng hay những trận đấu điên rồ. Thống kê chỉ ra, sau 18 trận, Ngoại hạng Anh đã chứng kiến 67 bàn thắng sau 18 trận, bình quân 3,72 bàn/trận, nhiều hơn gần 1 bàn so với tỷ lệ bàn thắng bình quân mỗi trận mùa trước (2,82 bàn/trận).
Fulham và Leeds United đều đã để thủng lưới 7 bàn, trong khi West Brom nhận 8 bàn thua. Ngược lại, Leeds và Leicester cũng đã có 7 bàn thắng, Everton và Liverpool, hai đội bóng vùng Merseyside có 6 bàn. Tổng cộng, hai trận mở màn của Leeds đã chứng kiến 14 bàn thắng, từ năm 1962, gần 60 năm qua, không đội bóng nào trải qua 2 trận đấu đầu tiên với nhiều bàn thắng như thế.
Như vậy, có thể nhận định, sự xuất hiện của Leeds cùng phong cách điên rồ của ‘El Loco’Marcelo Bielsa đã đóng góp đáng kể số bàn thắng cho Ngoại hạng Anh 2020/21. Ngoài ra, Everton với sự bùng nổ của hàng công, dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân tài danh Carlo Ancelotti cũng có những đóng góp đáng kể. Nhưng để góp gió thành bão, chỉ Leeds và Everton là chưa đủ.
Hậu quả của chiến thuật high-pressing cấp tiến
Ngoại hạng Anh đang chứng kiến xu hướng chiến thuật rõ rệt là các đội đều dâng cao đội hình gây áp lực ngay bên phần sân đối phương (high-pressing). Leeds hay Everton chỉ là một trong số các đội bóng sử dụng chiến thuật cấp tiến này. Hệ quả của xu hướng này là xuất hiện nhiều sai sót hơn ở các đội cầm bóng và nhiều khoảng trống hơn ở các đội không bóng.
Ví dụ điển hình cho sai sót của đội cầm bóng là đường “kiến tạo” của Kepa cho Mane ghi bàn trong trận đấu giữa Chelsea và Liverpool. Trong khi đó, 5 bàn thắng của Tottenham ghi vào lưới Southampton đều đến từ việc đội chủ nhà để lộ quá nhiều không gian khi dâng cao đội hình.
“Chúng tôi biết Southampton đang mạo hiểm. Các hậu vệ biên dâng lên rất cao và để lại nhiều khoảng trống đằng sau. Và chúng tôi đã giết họ”, Mourinho, bậc thầy phản công hay rộng hơn là chuyển trạng thái, HLV của Tottenham bình luận về lối đá của đối phương. Không phải ngẫu nhiên, Tottenham chỉ tung ra 9 pha dứt điểm và có 5 bàn thắng, Kane tung ra 12 đường chuyền thì 4 thành kiến tạo cho Son, Son ghi 4 bàn từ 4 pha dứt điểm còn Kane ghi 1 bàn từ 2 pha dứt điểm.
Đội bóng hiếm hoi cầu toàn với lối chơi tổ chức phòng ngự bên phần sân nhà là Crystal Palace của vị chiến lược gia “cũ kỹ” Roy Hodgson. Trong trận thắng M.U, Palace kiên trì dựng xe buýt, không cho đối phương bất kỳ khoảng trống nào phía sau để khai thác bằng tốc độ.
“Chúng tôi để họ cầm bóng trước mặt mình và quyết không để khoảng trống cho họ khai thác. Tôi lo ngại nhất là bị khai thác khoảng trống sau lưng 4 hậu vệ, điều thực tế M.U không làm được”, cựu HLV ĐT Anh chia sẻ. Kết quả, sau 2 trận đấu, Crystal Palace giành trọn 6 điểm và chỉ nhận duy nhất 1 bàn thua.
Những nguyên nhân khách quan
Tất nhiên, mọi thứ tồn tại đều có lý do của nó. Xu hướng dâng cao đội hình pressing ngay bên phần sân đối phương nhằm hóa giải cách tổ chức chơi bóng từ phần sân nhà, chính là đấu pháp tân kỳ đã hóa giải chiến thuật kiểm soát bóng, định hướng vị trí và thao túng không gian một thời thống trị bóng đá cùng Barcelona và ĐT Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, vì những lý do khách quan, đấu pháp này lại để lộ ra những nhược điểm tại Ngoại hạng Anh. Thứ nhất, các cầu thủ không có được sự tập trung cao nhất trên sân không khán giả. Việc thiếu áp lực thường xuyên từ sự sôi động của cầu trường phần nào khiến cầu thủ trở nên lơ đễnh.
Thứ hai, quan trọng hơn, các đội bóng không có sự chuẩn bị tốt nhất từ thể lực đến thời gian huấn luyện trước mùa giải mới. Đó là hệ quả của COVID-19, đại dịch khiến các CLB phải trải qua lịch thi đấu dày đặc để hoàn thành mùa trước và không có nhiều thời gian chuẩn bị cho mùa giải này.
Cần nhấn mạnh, việc sử dụng lối chơi high-pressing đòi hỏi sự tập trung cao độ và thể lực sung mãn để đảm bảo tính đồng bộ. Chỉ cần một vị trí gây áp lực không đủ, toàn bộ hệ thống tiếp cận pressing sẽ tan rã. Hasenhuttl
HLV của Southampton thừa nhận: “Quả thực, chúng tôi không tạo ra đủ áp lực lên trái bóng”. Trong khi đó, HLV Mikel Arteta của Arsenal đánh giá: “Vẫn còn nhiều cầu thủ chưa đảm bảo 100% thể lực”.
Thế nên, tỷ lệ bàn thắng đến trong 10 phút đầu tiên đã tăng hơn gấp đôi so với mùa giải 2019/20, từ 7% lên tới 15% tổng số bàn thắng.
Theo bongdaplus.vn