Nghịch lý bóng đá ở VN: Bóng đá ngoại ăn tiền tỉ, bóng đá nội ăn tiền lẻ
Trong khi người Việt Nam phải mất cả trăm tỉ đồng để có được bản quyền truyền hình các giải bóng đá nước ngoài, thì với bóng đá nội, dù cũng đã được đổ hàng trăm tỉ mỗi năm, nhưng khoản thu về chỉ là… tiền lẻ.
Vét tiền tỉ cho vào túi ngoại
Trong cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động gần đây, nghệ sĩ Chí Trung - Phó GĐ Nhà hát Tuổi Trẻ, đồng thời là Chủ tịch Hội CĐV HN T&T - đã nói: "Tôi rất tiếc cho những người yêu bóng đá VN, họ tự đánh mất quyền lựa chọn và hưởng thụ niềm vui mà bóng đá nội mang lại. Thay vào đó, khán giả ta phải mượn niềm vui từ giải Ngoại hạng Anh, từ La Liga..., thậm chí phải mua niềm vui ấy với giá rất đắt”.
Chí Trung luôn khẳng định anh là một fan “xịn” của Manchester United, nhưng sự chênh lệch về sự quan tâm của khán giả giữa bóng đá ngoại và bóng đá nội rất đáng lo.
Như Lao Động đã thông tin từ số báo trước, nắm bắt được nhu cầu lớn của khán giả VN cũng như sự thiếu đồng lòng, đoàn kết của các nhà đài, nên những nhà môi giới bản quyền truyền hình tha hồ tăng giá. Mới đây, Cty MP&Silva - đơn vị nắm bản quyền truyền hình World Cup 2014 đã đưa ra mức giá 10 triệu USD, tăng hơn 3 lần số tiền bản quyền World Cup 2010. Dù là rất cao và có phần vô lý (VTV khẳng định từ chối mức giá này), nhưng vẫn có đơn vị truyền hình ở VN “ngấp nghé” rút ví để trả số tiền tương đương 200 tỉ đồng để độc quyền các trận đấu ở World Cup trên lãnh thổ VN.
Cũng không nên quên rằng, để có được bản quyền giải Ngoại hạng Anh 3 mùa, từ 2013 đến 2016, các nhà đài ở VN, trong đó chủ yếu là K+ đã phải chi 35 triệu USD, tương đương 10 triệu USD/mùa. Tất nhiên, khi bản quyền truyền hình được mua với giá cao thì người xem sẽ: Hoặc không được xem những trận đấu hay, hoặc phải mua những gói thuê bao đắt tiền hơn.
Bóng đá nội vẫn chưa hy vọng vào bản quyền truyền hình.
Nhưng “nhỏ giọt” cho bóng đá nội
Theo tính toán của Lao Động, nếu một nhà đài ở VN dám “chịu chơi” với con số 10 triệu USD bản quyền World Cup 2014 thì bản quyền mỗi trận ở World Cup là hơn 3 tỉ đồng. Nhà đài chịu lỗ là đương nhiên, vì chắc chắn không thể có nguồn quảng cáo nào bù đắp nổi con số trên.
Vấn đề đáng nói ở đây là, trong khi mỗi trận đấu ở World Cup có giá 3 tỉ đồng thì giá bản quyền của cả giải V.League cũng chưa đến 10 tỉ đồng (thực chất là tiền trao đổi bản quyền). Nhiều lãnh đội khi hỏi về bản quyền truyền hình nói thẳng rằng: “Không quan tâm vì quá... ít” và “Ở VN thì có khi CLB phải... mất tiền để được truyền hình trực tiếp chứ mong gì được tiền”.
Điều này ngược hoàn toàn so với kỳ vọng của VPF. Khi chưa bị bắt, bầu Kiên, đồng thời là PCT VPF thời điểm ấy tự tin nói rằng: “Với sự xuất hiện của các nhà bảo trợ, là những tập đoàn lớn có doanh thu hàng ngàn tỉ mỗi năm, thì bản quyền truyền hình V.League có thể tới 100 tỉ đồng/mùa”.
Cho tới thời điểm này, khả năng thu tiền từ bản quyền truyền hình ở V.League với những CLB vẫn không đáng kể, nói theo cách của một lãnh đội thì “bản quyền truyền hình chẳng đủ trả lương tháng cho... một cầu thủ”.
Hồi đầu mùa, khi chuẩn bị cho trận Siêu Cúp QG, BTC còn tuyên bố miễn phí bản quyền truyền hình.
Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Quang Huy - PGĐ Đài truyền hình kỹ thuật số VTC - cho rằng: “Việc các đối tác nước ngoài liên tục đẩy giá bản quyền truyền hình lên cao một phần do tâm lý sính ngoại của các nhà đài và của cả khán giả. Theo tôi, không nhất thiết phải chạy đua tốn kém như vậy và thay vì đổ tiền mua vui từ bóng đá ngoại, chúng ta nên tính toán có những đầu tư nhiều hơn cho bóng đá nội và những môn thể thao trong nước”. Cũng theo ông Huy, để V.League có thể “cạnh tranh” ở một phương diện nào đó với bóng đá ngoại về bản quyền truyền hình thì các trận bóng đá nội phải tự nâng cấp và trở thành món hàng giá trị hơn thì mới hy vọng không quá lép vế so với bóng đá ngoại trên mặt bằng bản quyền truyền hình.
Các nhà đài thiếu mặn mà với V.League |
Ý kiến bạn đọc