Mười hai niềm hy vọng
HGĐT - Cùng với các vận động viên của những bộ môn thể thao thành tích cao tỉnh ta như Ushu, Pencatsilat, Vovinam, Vật nữ... thì 12 vận động viên của đội tuyển Bóng ném nữ (độ tuổi từ 15 – 18) đang gắng hết sức mình tập luyện, thi đấu để nâng cao thành tích trong các giải thi đấu khu vực và toàn quốc. Đặc biệt là chuẩn bị tham gia giải Vô địch toàn quốc sắp tới được tổ chức tại thành phố Huế (12.10).
Trên địa bàn tỉnh ta, Bóng ném là môn thể thao khá xa lạ, hầu như không có phong trào ở cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát để thực hiện đề án xây dựng các môn thể thao thành tích cao của tỉnh, môn Bóng ném đã được lựa chọn đưa vào đề án. Những năm đầu thành lập đội tuyển, Bóng ném Hà Giang từ những bước đi chập chững đã dần lớn mạnh, trưởng thành và từng bước chinh phục những tấm huy chương quý báu cho thể thao tỉnh nhà. Tính riêng từ đầu năm đến nay, đội tuyển đã tham gia Cúp các Câu lạc bộ toàn quốc đoạt giải Ba; đoạt giải Nhì tại Giải trẻ toàn quốc. Trên thực tế, những thành tích trên đối với đội tuyển Bóng ném nữ nói riêng, với các bộ môn thể thao thành tích cao của tỉnh nói chung là vô cùng đáng trân trọng. Thành tích đó khẳng định ý chí, nghị lực, lòng khát khao chiến thắng của huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) đội tuyển trong điều kiện gặp quá nhiều khó khăn, bất lợi so với đội tuyển thể thao thành tích cao ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Một buổi tập thể lực của đội tuyển.
Một trong những khó khăn mà Ban Giám đốc Trung tâm Huấn luyện – Thi đấu TDTT, Ban HLV đội Bóng ném nữ trăn trở là khâu tuyển chọn từ cơ sở. Cũng vì bộ môn này không có phong trào ở các địa phương, trường học nên công tác tuyển chọn chỉ dựa trên các chỉ số, thể hình, thể lực. Sau khi được tuyển chọn (số lượng không nhiều), thông qua huấn luyện bước đầu, các đối tượng chỉ đạt từ 50% đến 60% yêu cầu chuyên môn; qua huấn luyện nâng cao số lượng VĐV viên tiếp tục giảm xuống. Cho đến nay, tuyển Bóng ném nữ Hà Giang không có tuyển tuyến 2 (không có lớp VĐV kế cận). Bên cạnh đó chế độ dinh dưỡng cho VĐV còn thấp so với cường độ luyện tập, thi đấu, mới chỉ đáp ứng đượng 90 ngàn đồng/ngày (trong đó 70 ngàn đồng tiền ăn, 20 ngàn đồng tiền nước uống), không có kinh phí cho chế độ luyện tập; điều kiện sân bãi xuống cấp, các thiết bị bổ trợ còn thiếu cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến chất lượng tập luyện của các VĐV; chưa có chế độ đãi ngộ, thu hút VĐV cấp Quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn cũng có khá nhiều thuận lợi. Mặc dù những nhân tố có tố chất phù hợp với bóng ném ít nhưng các VĐV được chọn vào đội tuyển được Liên đoàn Bóng ném Việt
VĐV Hoàng Thị Giang, một trong những VĐV trong đội tuyển Quốc gia tâm sự: “Em tham gia đội tuyển 11.2010, dưới sự dìu dắt của HLV Hoàng Mạnh Cường, đến 5.2011 được chọn vào đội tuyển Quốc gia, được tập huấn, nâng cao kỹ, chiến thuật và tham gia các giải Quốc tế, đặc biệt là giải Quốc tế mở rộng, tổ chức tại Thái Lan vừa qua, tuyển Việt Nam đoạt Huy chương Vàng. Thật vinh dự, tự hào mình là một trong những người góp phần vào chiến thắng!” VĐV Hoàng Huyền Trang cũng vậy, là VĐV đội tuyển Quốc gia, từ những kinh nghiệm được cọ sát ở những giải đấu lớn; những kỹ thuật, chiến thuật tầm cỡ Quốc gia đã trao đổi, chia sẻ với đồng đội của mình. Những nhân tố xuất sắc trong đội tuyển như Hoàng Thị Giang, Hoàng Huyền Trang, Củng Thị Vẹn (VĐV cấp Quốc gia năm 2011) từ những nỗ lực của bản thân, vượt khó trong học tập văn hóa, gắng sức trong luyện tập thể thao đã vinh dự được nhận học bổng Vừ A Dính là niềm động viên, khuyến khích cho các thành viên trong đội vươn lên, nỗ lực vượt qua chính mình.
Trong những ngày này, trước thềm giải Vô địch toàn quốc (tổ chức vào ngày 12.10), gặp đội tuyển trên sân tập với những bài tập thể lực, kỹ thuật, chiến thuật nâng cao mang cường độ lớn toát lên không khí luyện tập sôi động, lòng quyết tâm và khát vọng chinh phục đỉnh cao vinh quang của các VĐV. HLV Hoàng Mạnh Cường cho biết, giai đoạn trước thi đấu, toàn đội đang thực hiện các bài tập thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, tâm lý thi đấu; tăng cường phát triển tốc độ và sức bền chuyên môn, nâng cao tính đối kháng... Các biện pháp huấn luyện thể lực như: chạy tốc độ 40m, 120m; chạy bền, chạy biến tốc 4.000m; gánh tạ, gánh tạ hạ thấp trọng tâm, gánh tạ bật, nằm đẩy tạ, cử giật, cử đẩy... Để VĐV có thể lực và kỹ, chiến thuật tốt nhất. Bên cạnh đó, Ban huấn luyện cũng chú trọng đến công tác tư tưởng cho VĐV; nâng cao tinh thần đoàn kết, tinh thần đồng đội trước các tình huống khó khăn trong luyện tập và thi đấu; tinh thần màu cờ, sắc áo của thể thao tỉnh nhà...
Những giọt mồ hôi của 12 thiếu nữ, 12 niềm hy vọng rơi trên sân tập từng ngày. Với lòng đam mê thể thao, khát khao chiến thắng mang lại vinh dự, tự hào cho đội tuyển, cho thể thao tỉnh nhà của các VĐV sẽ được đền đáp một cách xứng đáng. Hy vọng rằng, Bóng ném nữ sẽ không còn mới lạ trong phong trào thể dục, thể thao tỉnh ta. Các VĐV đội tuyển Bóng ném nữ nói riêng, các VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh nói chung sẽ được các cấp, cách ngành quan tâm, động viên nhiều hơn nữa qua những nỗ lực cống hiến của họ.
Ý kiến bạn đọc