Trần Mạnh Tuấn: Cuộc chìm nổi của 40 năm

10:53, 14/03/2008

Có thể gọi anh là một jazzman, nếu muốn. Nhưng cũng nên biết là không chỉ có một con người ấy trong anh - người nghệ sĩ trước những đòn quăng quật của số phận vốn ưa chơi trò thử thách hiểm nghèo trước khi trao vào tay ai một khả năng và sứ mệnh.


 
 
Từ một thế giới cải lương trong truyền thống gia đình, số phận đã mượn bàn tay người anh rể Nguyễn Văn Thắng để đặt vào Trần Mạnh Tuấn cây saxophone như một món quà tặng nhiều thách thức, để từ đó, người đàn ông này nhìn ra con đường đi của cuộc đời mình: con đường âm nhạc với sự hòa hợp hai nền văn hóa Đông - Tây.

Cùng với cây saxo, con người từng có lần phải nghĩ rằng, máu chảy trong người mình mang tiết tấu của một thứ âm nhạc ngũ cung nồng nàn, thăng bằng và mềm mại, Trần Mạnh Tuấn đã phiêu du vào thế giới world music bằng cái bạo liệt và ngẫu hứng vô hạn của jazz.

9 tuổi: trở thành “nhân sự” chính của đoàn hát

* Tôi rất muốn chúng ta có cuộc trò chuyện về cuộc đời anh một cách có lớp lang, trình tự, vì hiện nay, những thông tin đọc được về anh trên các báo đều rời rạc, tản mát. Anh có sẵn sàng làm một chuyến trở về tuổi thơ rồi đi lần lên đến hôm nay như thế không?

- Đồng ý chứ. Dĩ nhiên thỉnh thoảng tôi cũng nhớ về quá khứ, nhưng chỉ một chuyện, một đoạn nào đó. Đây cũng là cơ hội để được ôn lại cuộc đời mình một cách đầy đủ, có hệ thống.

* Trước hết xin anh nói về gốc tích của mình?

- Tôi sinh năm 1970, Canh Tuất, trong một gia đình làm về nghệ thuật cải lương và có 8 người con. Bố mẹ tôi là đôi nghệ sĩ Trần Đình Ngọc và Vũ Kim Ngôn. Ông ngoại là chủ đoàn hát, tiền thân của đoàn Kim Phụng, bố là kép chính của đoàn, còn mẹ là cháu gái ông bà chủ rạp hát, con ông trưởng đoàn. Truyền thống gia đình như vậy, nhưng không hiểu sao tôi lại thích nhạc hiện đại.

* 8 anh chị em trong gia đình, ngoài anh ra có ai theo  nghệ thuật chuyên nghiệp nữa không?

- Có hai chị và hai anh theo sân khấu, hiện giờ vẫn còn một bà chị là trưởng đoàn cải lương Hà Nội, NSƯT Phương Khanh, những người khác “rơi rớt” hết rồi.

* Như vậy, mấy tuổi thì anh tham gia vào việc đàn hát, và nhạc cụ đầu tiên anh chơi là gì?

- Từ nhỏ xíu, 3-4 tuổi gì đó đã vọc đàn. Trong đoàn hát người này bày dạy cho người kia, ai cũng biết chơi tí chút, ai có năng khiếu và niềm say mê thì đi được đường dài thôi. 7 tuổi, tôi đã có thể đánh cải lương đàn guitar phím lõm và đàn kìm rất tốt. 9 tuổi đã vào đoàn làm việc, đảm trách phần nhạc tân, phần nhạc cổ do một anh lớn đảm nhiệm. Cứ vừa làm vừa học thêm.

“Jazz không chỉ là nỗi lòng của con người trong thân phận của nó mà còn là sự hướng vọng siêu nhiên, giải thoát cái nức nở thân phận bọt bèo nhỏ bé vào cái vô cùng của nhất thể vũ trụ”.

(Deborah - jazz analyst)

* Anh đi làm sớm như vậy thì có lương không? 

- Lương bổng gì đâu. Hồi ấy đoàn hát đã là của Nhà nước, nhưng lề lối sinh hoạt, quản lý thì vẫn như đoàn hát gia đình và làm theo kiểu khoán việc, mỗi tháng tôi được “cho” (chứ không phải lương, vì không ai trả lương cho con nít đâu) 30 đồng, nhưng họ đưa thẳng cho bố mẹ, nên tôi cũng không nhìn thấy tiền bao giờ.

* Đời sống của một đoàn hát vào thời hậu chiến ấy ở miền Bắc như thế nào?

- Chúng tôi đi diễn tất cả các tỉnh thành, các vùng biên giới phía Bắc. Tất cả người, đạo cụ và trang thiết bị chất trên một chiếc xe Hải Âu của Liên Xô. Tôi trẻ nên cứ phải ngồi đằng sau. Lúc ấy cả xe và đường đều xấu nên đi xóc lắm. Tôi có một cái xương sườn lòi ra ở chỗ này (chỉ vào bên mạng sườn - NV) là kỷ niệm của những ngày ấy. Chuyến ấy tôi vẫn ngồi sau chót, xe gặp ổ trâu xóc quá, hất tôi nhảy nhổm lên rồi rơi xoài xuống, ngã đúng vào một cái cần đàn chĩa lên... Gãy xương.

Đi lưu diễn như thế thời đó gọi là đi phục vụ nhân dân, chỉ có ăn lương nhà nước rồi làm nhiệm vụ. Chúng tôi ăn ở nhà dân, cứ đến nơi chính quyền xã bố trí, rồi phân anh này với anh này ở nhà ông Bòng, cô kia, cô kia ở nhà bà Ất, đại khái thế, chia nhau ra mà ở. Dân ăn gì chúng tôi ăn nấy, họ ăn khoai mình ăn khoai, họ ăn gà mình ăn gà, nhiều thì ăn no, ít thì ăn lưng bụng.

* Chính sách lương bổng, ăn ở như vậy, thì anh và mọi người trong đoàn làm việc với tinh thần thế nào?

- Đó là những ngày tháng đầy nhiệt huyết và vui tươi, yêu đời, sống với nhau rất tình cảm, ai cũng nghèo mà thấy đời phơi phới, không lo âu tính toán gì với tương lai cả, sống nhẹ nhàng lắm. Rất khác bây giờ của tôi, tiền nhiều, nhưng luôn thấy lo âu, tất bật. Đời sống gia đình tôi lúc đó luôn giữ ở mức trên hạng bình dân một chút. Nghệ sĩ sống cũng dễ, không bao giờ thiếu cũng không có dư, họ toàn bay không hà, bao nhiêu tiền cũng đủ hết. Tôi còn nhớ câu nói của ông trưởng đoàn xưa: “Tôi nói với các anh các chị, tôi sẽ cố gắng nâng tiền xúp (cát-sê) của mọi người hằng đêm đuổi kịp một bát phở”. Nhưng không bao giờ đuổi kịp, giá bát phở luôn tăng trước giá tiền xúp. Đến khi bác Tuấn Nghĩa trưởng đoàn mất, ông cũng chưa thực hiện được ý nguyện của mình!

Vậy đấy mà say mê lắm, vừa là diễn viên kiêm phu khuân vác, chạy máy phát điện, sửa xe khi xe bị banh, ăn nồi ngủ đất, chẳng ai kêu ca phàn nàn gì cả.

* Giai đoạn này, ngoài niềm vui và say mê hồn nhiên ấy ra, nó cho anh được điều gì lớn hơn không?

- Đời sống lúc đó cho tôi ngấm sâu vào mình thứ văn hóa làng xã, thứ tình nông thôn sau này đã lặn vào trong tiếng kèn lả lơi mềm mại của tôi, nhất là ở những album như

Về quê, Bèo dạt mây trôi.

11 tuổi: chơi solo saxophone

* Bắt đầu với vai trò người chơi tân nhạc với guitar phím lõm và đàn kìm khi mới 7 tuổi, bao giờ thì Chúa trời gửi đến cho anh cây saxo?

- Trong đoàn hát gia đình đó, tôi có anh rể thứ hai chơi keyboard, anh biết về cái mới, nhạc mới và chỉ cho tôi. Sau đó, gia đình tôi được tặng một cuốn băng độc tấu saxophone có bài Hạ trắng, Còn bao giờ biết tương tư (mà mãi sau này tôi mới biết tên bài hát và tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Tôi bị mê hoặc tức thì! Lúc đó tôi mê kèn đến nỗi không có kèn nhưng cứ ôm cây chổi đứng thổi. Sau đó, chị ruột và anh rể (người chơi keyboard, Trần Văn Thắng) tặng cho tôi cây saxo đầu đời năm tôi lên 8. Sau đó bác Hiếu ở nhà hát Giao hưởng VN dạy saxo cho tôi.

* Anh biểu diễn với saxo từ khi nào?

- 11 tuổi tôi đã chơi solo, mặc bộ pijama màu be (lúc ấy bộ đồ này là oách lắm), đi chân đất đứng trên bục solo bài Một chiều mùa hè của Nguyễn Đức Toàn. Diễn ở đình làng, có hôm đang diễn trời mưa to, nước tuôn vào kèn, phải dốc kèn đổ nước ra thổi tiếp. Được vỗ tay và yêu cầu thổi nhiều lắm, không biết vì tôi chơi hay hay vì tôi nhỏ nên là hiện tượng!

* Không thể hình dung ra lúc ấy trông anh thế nào?

- Lùn, mới cao hơn 1 mét, bé xíu. Sau này, khi vào đoàn thể nào, tôi cũng là người bé xíu, lùn mà. Tôi chưa có giây phút nào biết chơi trò chơi của trẻ con. Đẻ ra đã nghe nhạc, rồi học nhạc, chơi đàn và sau đó ôm saxo. Tôi không có tuổi thơ.

* Bố anh lúc đó có tham vọng như bố của Beethoven, biến con thành thần đồng và vĩ nhân âm nhạc kiểu một Mozart VN không?

- Các cụ ngày xưa không như bây giờ, chỉ muốn con nối dõi gia đình.

23 tuổi: đã có danh tiếng & làm chương trình riêng

* Rồi từ đấy, con đường sự nghiệp của anh thăng tiến như thế nào?

- 13 tuổi xin vào Tổng cục Du lịch, chuyên thổi cho khách quốc tế nghe. Lúc này tôi chưa có giày, anh trưởng đoàn phải đi mượn cho một đôi “sục” Thụy Điển lục cục đi vào. Hình dáng thì lúc nào cũng tròn ung ủng, chưa bao giờ gầy hay ốm cả. Rồi chơi thêm nhạc dancing, đám cưới ở ngoài. 17 tuổi tôi vào biên chế (một trường hợp đặc biệt). 21 tuổi vẫn vừa đi học vừa đi làm.

* Anh học gì?

- Tôi học văn hóa đến hết cấp III, học đại dốt, chỉ giỏi mỗi môn văn và môn... nói, nhưng nhờ thầy cô giáo “thông cảm” mà cũng qua. 15 tuổi tôi vào học trường Nghệ thuật Hà Nội. Sau đó tiếp tục học riêng với các thầy.

* Lúc này anh oách rồi nhỉ, biên chế nhà nước cơ mà! Đời sống của anh nghệ sĩ công chức lúc đó thế nào?

- Tháng lương đầu tiên tôi nhận đâu như một trăm mấy chục ngàn, tiêu pha sạch. Ở du lịch được lắm, vui lắm, đùng một cái ông nhạc công được cho 1 cân len, mấy lon sữa, 1 cái ruột phích. Mang đi bán lấy tiền nhậu nhẹt. Ít tiền thật mà sao lúc nào cũng thấy vui, relax hết. À, sau đó tôi lại về thổi cho đoàn xiếc nữa, sau khi đã bỏ ông Chuông vàng (đoàn cải lương Chuông vàng, Hà Nội - NV), chơi nhạc kèn cho tiết mục tung hứng. Đời tôi vui. Lúc đó không quan tâm chỗ nào là sang hèn cả, vì mình đã đi đến từ một nơi khổ, nơi hèn nhất rồi.

* Cứ tự nhiên nhi nhiên như vậy, bao giờ thì trong anh xuất hiện ý thức của một người nghệ sĩ - người sáng tạo?

- Ở Hà Nội biết đến tôi sớm, mới hơn 10 tuổi đã solo như tôi là trường hợp độc nhất. Nhưng mãi đến trước năm 1993 tôi mới có ý thức về sự phát triển từ nghề nghiệp lên thành sự nghiệp. Năm 1993, ở Hà Nội tôi là người đầu tiên trong giới nghệ sĩ thực hiện chương trình riêng cho mình, lúc ấy 23 tuổi, mời được hầu hết các quan chức đầu ngành văn hóa đến dự. Họ đến để xem một cậu mới 23 tuổi dám chơi một chương trình riêng. Tôi đứng lên phát biểu, cảm ơn, run, không nói nên lời, phát khóc. Đêm đó kín chỗ. Tôi còn giữ được những bài báo viết về đêm đó, khen quá trời. Lúc đó danh tiếng đã lớn, nói đến saxo cả miền Bắc ai cũng biết tôi, sau năm 1993 thì còn lớn hơn.

40 tuổi: đã có thể kết luận về đời mình

* Sau nhờ duyên do nào mà anh có khóa học âm nhạc ở Mỹ?

- Qua âm nhạc, tôi quen với bà má nuôi người Mỹ. Bà cho tôi đi Mỹ cuối năm 1993, định đưa tôi qua đó để chữa mắt (sau một cơn bạo bệnh, anh bị hỏng một mắt từ năm 14 tuổi - NV). Mắt không thể chữa được nữa, nhưng nó mang đến cho tôi những mối quan hệ tốt để cuối năm 1995, tôi xin được học bổng 2 năm học về Sản xuất và viết nhạc hiện đại với nhạc cụ chính là saxo tại Mỹ.

* Về nước anh làm gì ngay sau đó?

- Về nước năm 1998, tôi vào dạy ở trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội, dạy được một năm rưỡi. Ra đĩa jazz quốc tế Lời ru mắt em. Sau đó tôi gặp anh Trịnh Công Sơn, được mời vào Sài Gòn diễn, rồi cứ bay đi bay lại suốt. Tôi nhận ra môi trường trong này rất tốt để sản xuất âm nhạc và biểu diễn, quyết định đưa cả gia đình vào, mỗi cái va-li, mấy cây kèn. Vào đây tôi như con người mới, thay đổi nhiều, rõ nhất là bớt tính cực đoan và có sự nhìn nhận đúng về công chúng và thị hiếu.

* Anh xác định Sài Gòn chỉ là đất làm ăn của anh thôi, hay là đất “một quê hương mà tôi được quyền chọn”?

- Tôi đã đi 40 nước, nhận ra mình thích ứng nhất với vùng đất này. Ở đây, tôi được hiểu, được chào đón, được yêu mến, có niềm vui, có bạn bè, được hỗ trợ thì là nơi sống lý tưởng chứ. Con trai tôi, khi vào Sài Gòn cháu thoát khỏi chứng chậm phát triển cả về thể chất lẫn tâm trí như một phép thần kỳ, khiến vợ chồng tôi càng tin rằng mình đã chọn đúng đất lành.

* Anh đã trải qua 4 chương hiểm nghèo của đời mình, nhìn đời bằng một mắt hỏng, một mắt cận nặng. Thế giới trong đôi mắt ấy có hình thù thế nào?

- Tôi nhìn đời không giống người có khuyết tật, không u sầu mà yêu đời, vui sống, sống hào hứng, nhất là sau khi thoát chết vì hỏng 2 quả thận. Lúc ấy tưởng chết, chỉ tiếc bao nhiêu dự án âm nhạc chưa kịp làm, chỉ thương và lo con còn nhỏ quá, chết vào lúc tràn trề sinh lực, đầu đầy ý tưởng sáng tạo thì đau đớn, nuối tiếc quá. Nên sau trời cho tôi sống, thì nội việc được sống tiếp đã khiến tôi thấy cuộc đời này tuyệt đẹp và lòng người đầy bao dung rồi, nhất là khi tôi được cứu sống là nhờ những tấm lòng của rất nhiều người có ân tình lẫn người không quen biết.

* Trước khi câu chuyện dừng lại, cho tôi hỏi: Tứ thập nhi bất hoặc, anh đã có thể kết luận về cuộc đời mình ở tuổi này chưa?

- Tôi là người ra đời từ nhỏ, không được ai nuông chiều nên chín chắn sớm, già sớm. Cuộc đời tôi chìm chìm nổi nổi những biến cố hiểm nghèo: 2 lần thập tử nhất sinh - nghe được tin đồn mình đã chết khi còn đang chữa bệnh, con lâm trọng bệnh - tưởng là đã phải buông tay, nhà cháy - gia sản tiêu tan, nhờ 7 nốt nhạc mà vượt qua để sống, với động lực vượt lên trên những thứ thiếu hoàn hảo của bản thân và gia cảnh để trở thành một nhân vật. Và cuối cùng, 7 nốt nhạc đã cho tôi đạt thành tâm nguyện của mình. Không chỉ thế, số phận còn cho tôi có được người bạn đời tuyệt vời. Tôi vui. Và mãn nguyện với đời sống này.


Thanh niên

Cùng chuyên mục

Hoa hậu Mai Phương Thúy - Hạnh phúc là cho đi
Miệt mài với những chương trình từ thiện, Mai Phương Thúy vẫn kịp giới thiệu DVD "Hoa đồng nội" và chính thức nhận lời tham gia bộ phim đầu tiên trong đời. Số đo 1,79m của cô hoa hậu cao nhất Việt Nam giờ đã… xưa rồi. Lần đầu tiên, Mai Phương Thúy sẽ tiết lộ chiều cao thực của mình.
29/02/2008
Xuân thay áo mới
Trước không khí nhộn nhịp của đầu năm mới, chắc hẳn bạn gái cũng muốn thay đổi mình cho thêm đẹp mỗi khi đến công sở. Ai cũng dịu dàng, trẻ trung, tươi tắn… trong bộ váy áo, làm cho văn phòng thêm rạng rỡ, cho ánh mắt nào mãi nhìn theo để cảm thấy… Xuân về.
29/02/2008
Manchester United nhắm đến Mario Gomez
Mặc dù có trong tay bộ đôi đang chơi rất ăn ý Rooney và Tevez, song HLV Alex Ferguson của MU vẫn muốn đem về Old Trafford thêm một tiền đạo đẳng cấp để thay cho Saha thường xuyên gặp chấn thương.
14/03/2008
Lampard chói sáng, Chelsea "huỷ diệt" Derby
Trước một Derby yếu kém và thi đấu với tinh thần bạc nhược, Chelsea dễ dàng giành chiến thắng đậm đà 6-1, trong đó riêng tiền vệ Lampard chơi nổi bật và đóng góp 4 bàn, rạng sáng 13/3.
13/03/2008