Mỹ và cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan IS
Một trong những sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua đó là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo chiến lược để xóa sổ lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang hoành hành tại Iraq và Syria. Trong chiến lược này, Tổng thống Obama nhấn mạnh Mỹ sẽ phối hợp cùng một liên minh đối tác.
Song điều mà dư luận nghi ngại và cũng là thực tế đang diễn ra hiện nay đó là liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng sẽ hoạt động như thế nào để không lặp lại những sai lầm từ cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu mà Mỹ phát động 13 năm trước.
Không khó để nhận thấy rằng, nước Mỹ hoàn toàn bị động trước sự lớn mạnh và tàn ác của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Ra đời cách đây nhiều năm song chỉ cho đến tháng 6/2014, khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng chiếm đóng một phần lãnh thổ rộng lớn tại Iraq khiến chính quyền Iraq phải cầu cứu Mỹ thì khi đó chính quyền Mỹ mới thực sự thấy đượcsự nguy hiểm của lực lượng này. Sau một thời gian không kích nhằm triệt phá cơ sở và tấn công lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng thì tuần qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức công bố chiến lược đối phó với lực lượng này.
Chiến lược bao gồm 4 nhóm công việc. Thứ nhất là không kích lực lượng này tại lãnh thổ Iraq và cả Syria. Thứ hai đó là hỗ trợ các lực lượng Iraq và người Kurd trực tiếp chiến đấu. Thứ ba là tăng cường hỗ trợ cho phe đối lập tại Syria để lực lượng này có thể đánh lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng và cuối cùng là tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho những người dân đang phải đi lánh nạn. Đáng lưu ý là trong chiến dịch, Mỹ sẽ phối hợp với một liên minh để thực hiện 4 nhóm công việc này.
Nếu nhìn vào các vụ can dự trong những năm gần đây của Mỹ thì có thể thấy rõ là chiến lược đối phó với lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng không nằm ngoài chính sách can thiệp ra nước ngoài mà Mỹ đang áp dụng, trong đó có nguyên tắc cơ bản là Mỹ không đưa quân ra nước ngoài mà chỉ lãnh đạo chiến dịch và cung cấp hỗ trợ các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ tại thực địa. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng, Mỹ kêu gọi xây dựng một liên minh toàn cầu-điều khiến mọi người liên tưởng đến cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu mà Mỹ phát động sausự kiện 11/9/2001.
Nếu như sau sự kiện 11/9/2001, dường như không quốc gia nào trên thế giới tuyên bố không tham gia cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động thì lần này, Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vận động các quốc gia tham gia chiến dịch này. Trong đó, kể cả những nước đồng minh như Anh hay Thổ Nhĩ Kỳ đều tỏ ra rất thận trọng. Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu mà Mỹ phát động đã khiến các nước nghi ngờ về mục đích thực sự của chiến dịch lần này, đó là tấn công lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng hay là chính quyền Syria. Dư luận cũng nghi ngờ về hiệu quả của các chiến dịch kiểu như thế này khi nhìn vào Afghanistan, Iraq, Libya hay Ai Cập hiện nay. Rõ ràng là chưa có quốc gia nào trong số này, đất nước phát triển hơn và người dân có một cuộc sống tốt hơn sau những chiến dịch can thiệp kiểu như thế này của Mỹ.
Cái khó trong việc thiết lập liên minh chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng còn là Mỹ muốn lợi dụng mâu thuẫn giữa các giáo phái tôn giáo, hệ tư tưởng tại Iraq và Trung Đông để thiết lập lực lượng tại thực địa tấn công lực lượng này. Mỹ đang sử dụng lực lượng người Kurd kết hợp với lực lượng an ninh của chính quyền Iraq do người Shiite đứng đầu để tấn công lực lượng Nhà nước Hồi giáo do người Sunni lãnh đạo.
Mâu thuẫn Kurd, Sunni, Shiite
Mỹ cũng đồng thời muốn các quốc gia theo dòng Sunni tại Trung Đông và Vùng Vịnh can dự tích cực hơn, vừa đối thoại để kêu gọi các bộ tộc người Sunni không giúp đỡ lực lượng Nhà nước Hồi giáo, vừa cảnh tỉnh để các con chiên không mù quáng chạy theo lực lượng này.
Thế nhưng, trong lịch sử Trung Đông, ba nhóm người Kurd, Sunni và Shiite luôn sống trong nghi kỵ, dè chừng và có sự tranh giành ảnh hưởng mạnh mẽ. Rõ ràng các nước có đông người Kurd không muốn nhóm này mạnh lên vì lo ngại sẽ thổi bùng mong muốn xây dựng nhà nước dành riêng cho người Kurd. Chính quyền do người Shiite đang đứng đầu tại Iraq cũng chẳng mong đợi một sự can dự sâu của người Sunni vào câu chuyện của quốc gia mình do lo ngại sẽ phải chia sẻ nhiều quyền lực nhiều hơn. Còn những người Sunni ở các quốc gia Trung Đông khác lại muốn người Sunni lãnh đạo Iraq.
Chính vì thế, sự kết hợp 3 nhóm này để thay Mỹ thực hiện các cuộc tấn công lực lượng Nhà nước Hồi giáo trên thực địa thực sự là một bài toán khó nếu không nói là mang đầy rủi ro. Vì thế có thể thấy rằng, sự thành bại trong canh bạc mới này sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ cân bằng quan hệ với các giáo phái tại Trung Đông cũng như việc Mỹ thu phục được lòng tin từ các quốc gia đồng minh.
Ý kiến bạn đọc