Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam góp ý cho kỳ thi quốc gia
Đặt mình ở vai trò một phụ huynh, lắng nghe các ý kiến từ những chuyên gia, nhà quản lý giáo dục lâu năm, các giáo viên, học sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có nhiều chia sẻ về việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015, tại hội nghị của ngành Giáo dục, sáng 29/7.
Phó Thủ tướng bắt đầu câu chuyện từ luồng ý kiến đề xuất, được phản ánh trên báo chí thời gian qua, đó là đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi “99% các cháu đỗ thì thi làm gì”. Hay không đến mức cực đoan thì giao hết cho các tỉnh tự tổ chức, tự ra đề, tự chấm thi. Còn các trường ĐH, CĐ sau khi bỏ kỳ thi 3 chung thì giao các trường tự tổ chức tuyển sinh.
Nhưng ngược lại, vấn đề được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên là việc học ở bậc THPT sẽ bị xao nhãng khi học sinh không còn áp lực phải thi hết cấp.
“Chúng ta chỉ có thể tin vào những đánh giá ở học bạ. Ngành giáo dục cũng có kiểm tra đánh giá 15 phút, 1 tiết, thi học kỳ nhưng liệu tất cả các cơ sở giáo dục đều gương mẫu, đều trong sạch? Nếu được như vậy thì chắc không cần thi! Còn phương án thi từng trường, từng tỉnh cũng sẽ có chuyện vì thành tích mà tỉnh này ra đề thấp, tỉnh kia ra đề cao khiến việc đánh giá mặt bằng giáo dục phổ thông quốc gia không đồng nhất”, Phó Thủ tướng nói.
“Lật đi, lật lại mới thấy chưa bỏ thi tốt nghiệp được”, Phó Thủ tướng kết luận.
Đối với mục đích sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ có thể tham khảo xét tuyển, Phó Thủ tướng cho biết: Tại rất nhiều nước tiên tiến, chỉ một vài trường ĐH tổ chức thi, còn lại cứ tốt nghiệp THPT là vào học. Học năm thứ nhất nếu không được thì loại, thậm chí hết học kỳ I đã bị loại ra rất nhiều. Nếu làm được như thế chúng ta cũng không cần thi ĐH. Nhưng thực tế, do kiểm định chất lượng giáo dục ở ĐH và giáo dục dạy nghề chưa tốt nên ngành Giáo dục phải siết đầu vào, trong đó có điểm thi.
Phó Thủ tướng phân tích, nếu Bộ GDĐT làm tốt một kỳ thi này như phương án đưa ra thì các trường ĐH, CĐ sẽ không thi riêng. Còn nếu các trường không tin vào kết quả kỳ thi này, họ vẫn tổ chức thi riêng. Như thế, cũng có tiết kiệm xã hội nhưng không được nhiều. Vì vậy, phải tính xem nên tổ chức kỳ thi này như thế nào để đáp ứng được cả hai mục tiêu.
Ngành Giáo dục phải có quyết tâm đổi mới
Trao đổi với lãnh đạo các địa phương tại hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta không sợ tốn kém nếu thi là cần thiết. Hai chứ ba kỳ thi cũng vẫn phải thi nếu cần thiết. Nhưng thực sự nếu không cần thiết chúng ta phải bỏ”.
Theo Phó Thủ tướng, việc chỉ còn một kỳ thi quốc gia gắn với 2 mục tiêu (xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ) phải được tính toán kỹ, làm rõ với dư luận, xã hội mặt lợi, mặt hại.
Đối với những khó khăn được nêu lên tại hội nghị khi triển khai Kỳ thi THPT quốc gia (thi ở địa phương; đưa giáo viên ĐH, CĐ về trông thi, chấm thi; chấm thi bài thi tổng hợp nhiều môn), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu đó là những khó khăn của ngành Giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì vẫn nên làm.
“Chúng ta lấy lợi ích của xã hội, trước mắt là của các cháu học sinh. Nếu cảm thấy một kỳ thi mà giảm tốn kém không chỉ cho các cháu và gia đình các cháu mà cả xã hội thì vẫn quyết tâm làm”.
Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng không phải là thi môn gì mà là ngành giáo dục phải có quyết tâm đổi mới. Tới đây, nếu còn một kỳ thi phải làm nghiêm túc, trách nhiệm.
“Làm nghiêm túc ở đây không chỉ trong 1 kỳ thi. Trước đây chúng ta từng có thời gian làm nghiêm túc thì có địa phương chỉ đỗ 60% nhưng 1, 2 năm sau làm không nghiêm túc lại lên 90-95%. Đổi mới căn bản không phải như thế, không làm giật cục”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Góp ý cụ thể cho các phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GDĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều quan trọng là phải tạo sự thoải mái cho học sinh khi tham gia kỳ thi.
Ưu điểm đáng chú ý của việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia là cung cấp công khai “số đo” của học sinh về trình độ để các trường ĐH, CĐ làm căn cứ xét tuyển. Và cũng trên cơ sở kết quả thi của mình, học sinh sẽ nộp đơn vào những trường ĐH, CĐ phù hợp, tránh tình trạng trước đây học sinh, nhất là các em ở vùng quê mới 17-18 tuổi, phải đăng ký vào một trường ĐH, CĐ trước khi thi mà không biết trường đó như thế nào, có nằm ngoài khả năng của mình hay không.
Như vậy các em học sinh sẽ có nhiều cơ hội vào đại học hơn, nhất là học sinh nghèo và chưa có sự định hướng của người lớn.
Theo Phó Thủ tướng, phương án 1 (với 8 môn trong đó thi 4 môn tối thiểu (Toán, Văn, Ngoại Ngữ và 1 môn tự chọn), 4 môn bổ sung để xét tuyển vào ĐH, CĐ); phương án 2 với 3 bài thi bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn (KHTN hoặc KHXH) là những phương án không bắt học sinh thi hết tất cả các môn. Còn phương án 3 (thi 4 bài thi tổng hợp 11 môn lớp 12) là học sinh học gì thi đấy.
“Việc thi theo phương án 2 chưa ảnh hưởng gì đến dạy và học cả. Chỉ có mỗi một điều khó là thay vì các cháu thi mỗi buổi một môn (như phương án 1) thì các cháu thi 3 môn trong một buổi, mỗi bài 1 tiếng”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Chưa kể, phương án 2 có thể được coi là bước chuẩn bị tích cực cho định hướng của Bộ GDĐT trong 2-3 năm tới sẽ phân luồng ở bậc THPT: luồng thiên về xã hội, luồng thiên về khoa học kỹ thuật. Tiến tới nguyên lý “học gì, thi nấy”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Giáo dục phải nắm được nhu cầu thực tế của các trường ĐH, CĐ cần gì ở kỳ thi này để xét tuyển, sơ tuyển thí sinh theo điểm số từng môn (Toán, Văn, Ngoại ngữ) hay từng bài thi tổng hợp (KHTN, KHXH).
Còn ở bậc phổ thông việc ra đề phải để “các cháu học bình thường nhất cũng đủ tốt nghiệp”.
Phó Thủ tướng đề nghị: “Các phương án này, thậm chí còn phương án nữa để cùng bàn, lấy ý kiến. Quan điểm của Bộ nghiêng về phía nào, phải nói, phải phân tích khoa học, cầu thị. Chúng ta chỉ nên làm khi chúng ta đã chắc chắn ngay từ trong Bộ, sau đó đưa ra cộng đồng. Kỳ thi này không thể tách rời đổi mới toàn diện chương trình, SGK và lâu dài”.
Ý kiến bạn đọc