Ai Cập kéo dài cuộc bầu cử tổng thống thêm một ngày
Trong một động thái bất ngờ vào phút chót, Ủy ban Bầu cử Tổng thống Ai Cập (PEC) ngày 27/5 đã quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu tới 22 giờ ngày 28/5 sau khi tỷ lệ cử tri đi bầu không đạt được mức mong đợi sau hai ngày bỏ phiếu chính thức.
Ngoài ra, PEC cũng hủy bỏ quyết định trước đó về việc kéo dài thời gian bầu cử thêm một giờ tới 22 giờ ngày 27/5. Theo đó, gần 14.400 địa điểm bỏ phiếu tại 27 tỉnh thành trên khắp cả nước với tổng cộng 25.343 hòm phiếu đã đồng loạt đóng cửa vào 19 giờ 10 phút. Nhiều cử tri buộc phải ra về do vẫn đinh ninh rằng thời gian bỏ phiếu vẫn được giữ nguyên như thông báo của PEC vào tối ngày 26/5.
Một nguồn tin chính phủ cho biết PEC đã phải chịu áp lực vì tỷ lệ cử tri đi bầu "thấp một cách bất ngờ," thậm chí còn thấp hơn mức 51% tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống vào giữa năm 2012 vốn bị nhiều cử tri tẩy chay do phải lựa chọn giữa ứng cử viên Mohamed Morsi của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và Ahmed Shafiq, cựu Thủ tướng dưới thời Hosni Mubarak.
Nguồn tin trên cũng cho biết PEC đã có các cuộc thảo luận về việc cho phép cử tri bỏ phiếu ngoài địa điểm đăng ký thường trú như trong cuộc trưng cầu dân ý vào đầu năm nay. Tuy nhiên, các thành viên của PEC cho biết đề xuất này rất khó thực hiện vì bất kỳ sự thay đổi quy định bỏ phiếu sẽ làm suy yếu toàn bộ cuộc bầu cử và gây ra các thách thức pháp lý.
Trước đó, nhiều đảng phái và chính khách đã kêu gọi PEC kéo dài thời gian bầu cử tới 0 giờ ngày 27/5 hoặc ngày 28/5, đồng thời đề nghị cơ quan này mở các hòm phiếu đặc biệt dành cho các cử tri sống xa khu vực đăng ký thường trú. Một số phương tiện truyền thông trong nước cáo buộc PEC gây ra tình trạng cử tri đi bầu thấp do bãi bỏ quy định này.
Về phần mình, PEC đã ra tuyên bố phản bác và cho rằng việc nới lỏng quy định sẽ tạo kẽ hở giúp một số người bỏ phiếu nhiều lần, qua đó làm "vô hiệu hóa" kết quả bỏ phiếu và buộc phải khởi động lại tiến trình lại bầu cử. Cơ quan này cũng cho biết quyết định cho phép cử tri bỏ phiếu ngoài khu vực cư trú của mình trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Một vừa qua chỉ giúp tăng thêm 424.000 phiếu, chứ không phải hàng triệu phiếu như khẳng định của giới truyền thông.
Theo một số nguồn tin giấu tên, số lượng cử tri đi bầu trong ngày 27/5 chỉ đạt 4-8 triệu người, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Một nguồn tin của PEC tiết lộ rằng khoảng 14 triệu người đã đi bỏ phiếu trong ngày 26/5.
Trước đó, xuất hiện trên truyền hình trước thời điểm kết thúc chiến dịch tranh cử, ông el-Sisi dự báo 40 triệu người sẽ tham gia bỏ phiếu. Ngoài ra, nhóm vận động tranh cử của ông el-Sisi và các cuộc thăm dò dư luận của nhà nước dự đoán rằng số lượng cử tri đi bầu sẽ ngang với mức số lượng người xuống đường biểu tình chống chính quyền Morsi hôm 30/6/2013.
Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy cử tri đi bầu, Chính phủ lâm thời Ai Cập đã thông báo ngày 27/5 là ngày nghỉ lễ và ra lệnh đóng cửa các ngân hàng. Ngoài ra, Chính phủ Ai Cập cũng "khuyến khích" PEC kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm một giờ với lý do thời tiết nóng nực đã ngăn cản cử tri đi bầu. Trong khi đó, Tổng thống lâm thời Adly Mansour cũng kêu gọi người dân Ai Cập "gây ấn tượng cho cả thế giới" với tỷ lệ cử tri đi bầu cao. Tuy nhiên, các biện pháp này có vẻ đã không mấy phát huy tác dụng.
Nhiều người cho rằng tỷ lệ cử tri đi bầu thấp xuất phát từ việc người dân tin tưởng rằng kết quả bỏ phiếu đã được định đoạt. Một số người chỉ trích các nhân vật phụ trách truyền thông của ông el-Sisi đã gây ra tình trạng này. Số khác lại cho rằng các cố vấn chính trị và an ninh của nhà lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm khi không tư vấn cho vị cựu Tư lệnh quân đội chống lại các quyết định gây tranh cãi, trong đó có Luật biểu tình vốn không được lòng giới trẻ - khối cử tri lớn nhất hiện nay khi chiếm tới 37 triệu trong tổng số gần 54 triệu cử tri Ai Cập./.
Ý kiến bạn đọc