Xây dựng phong trào đọc sách qua Ngày sách Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định lấy Ngày 21-4 là Ngày sách Việt Nam. Theo quyết định, hằng năm, hai ngành thông tin - truyền thông và văn hóa sẽ phối hợp các địa phương trong cả nước tổ chức ngày này với nhiều hình thức hoạt động nhằm tạo sự quan tâm của xã hội, từng bước xây dựng phong trào đọc và "văn hóa đọc" trong các tầng lớp nhân dân.
Những mục tiêu cụ thể trong quyết định về Ngày sách Việt Nam dựa trên mục tiêu lâu dài đã đề ra trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ðây cũng là dịp tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành và lưu giữ, quảng bá sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở nước ta. Từ mục tiêu nêu trên, ngày 21-4 được lựa chọn là Ngày sách Việt Nam bởi đây là thời điểm có ý nghĩa lịch sử. Trong những ngày tháng 4 của 87 năm trước, cuốn sách Ðường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - cuốn sách đầu tiên của nền xuất bản cách mạng nước ta đã được in và phát hành. Ngày này cũng gần với Ngày sách và bản quyền thế giới 23-4 và việc tổ chức Ngày sách Việt Nam sẽ thể hiện được sự hội nhập của nước ta với thế giới, tạo thành một chuỗi hoạt động phong phú, sôi động cùng môi trường truyền thông hiệu quả, có tác động tuyên truyền tốt hơn. Theo kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì các hoạt động tổ chức kỷ niệm Ngày sách Việt Nam hằng năm với sự phối hợp của một số ban, ngành, các hiệp hội, tổ chức đoàn thể liên quan và những đơn vị ngành xuất bản, thư viện. Trọng tâm sẽ là các hoạt động được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Thư viện Quốc gia Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội, những địa điểm mang ý nghĩa biểu tượng của truyền thống hiếu học Việt Nam. Tại đây tổ chức triển lãm, giao lưu tác giả - tác phẩm, hội chợ sách, giới thiệu sách hay trong năm, tổ chức trao giải thưởng sách quốc gia hằng năm, trình diễn thơ, văn xuôi, giao lưu, tọa đàm, kể chuyện theo sách, quyên góp sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo khó khăn; phát động và nhân rộng các mô hình tủ sách: gia đình, dòng họ, trường học,...
Cùng thời gian, hệ thống thư viện các cấp cũng tổ chức Ngày sách Việt Nam với sự chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; huy động sự tham gia của các nhà xuất bản, công ty phát hành và các tổ chức, cá nhân tài trợ tổ chức những ngày hội cùng nhau đọc sách, trao đổi, hội thảo về các tác phẩm sách hay trong cộng đồng; triển lãm, giao lưu, thi tuyên truyền, giới thiệu về sách, hướng dẫn kỹ năng đọc, chọn sách phù hợp cho nhân dân và các hình thức biểu diễn nghệ thuật lồng ghép nội dung tuyên truyền việc học, đọc sách.
Với các thư viện trường học, tập trung thảo luận trong học sinh, có sự tham gia, hướng dẫn của giáo viên về các cuốn sách đã đọc theo những chủ đề nhất định, khơi dậy ở các em sự ham học hỏi, thói quen đọc sách và yêu sách; vận động đóng góp sách cho thư viện nhà trường và trao đổi với các thư viện trường khác.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền và Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương cũng phải tích cực tham gia tổ chức các hoạt động trong dịp này như tổ chức các phố sách và tuần lễ sách theo các hình thức đa dạng, trong đó có những gian hàng bày bán sách giúp mọi người có cơ hội tiếp cận với các cuốn sách hay, giá cả khuyến mãi, tổ chức trao tặng sách, tri ân bạn đọc hoặc những cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa bạn đọc và các tác giả, nhà văn, nhà nghiên cứu, qua đó duy trì và phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân...
Những hoạt động trong Ngày sách Việt Nam 21-4 được tổ chức tốt sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia vào quá trình xây dựng một xã hội học tập, giữ gìn, bảo tồn, truyền bá những tri thức của dân tộc và nhân loại.
Ý kiến bạn đọc