Thái Lan: Vào thế “chênh vênh” ngày đóng cửa
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan chuẩn bị bước vào một giai đoạn đầy bất ổn mới khi những người biểu tình đối lập lên kế hoạch "đóng cửa" thủ đô Bangkok vào hôm nay (13/1) trong nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc bầu cử sắp tới.
Người biểu tình tại Thái Lan tối qua (12/1) đã bắt đầu thực hiện kế hoạch làm tê liệt một số địa điểm ở Bangkok, sớm hơn 12 tiếng so với dự kiến.
Theo tờ Bangkok Post, từ 16h ngày hôm qua, người biểu tình đã dùng bao cát và hàng rào để ngăn chặn giao thông tại đường Chaeng Wattana, nơi có tòa nhà chính phủ Thái Lan. Sau đó, người biểu tình cũng chặn giao thông tại một loạt các tuyến đường quan trọng. Tượng đài Chiến thắng, công trình biểu tượng nằm ở trung tâm thủ đô Bangkok, cũng bị chiếm giữ vào lúc 19h.
Phát biểu trước những người biểu tình ngày 12/1, thủ lĩnh Suthep Thaugsuban đã lên tiếng bác bỏ mọi thỏa hiệp và đàm phán với Chính phủ.
Cũng trong ngày 12/1, những người ủng hộ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra cũng đã tụ tập tại Bangkok. Lãnh đạo Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD- hay còn gọi là những người Áo Đỏ) cho biết, họ sẽ thực hiện chiến dịch “Mở cửa Thái Lan” để đối đầu với kế hoạch “Đóng cửa Bangkok” của ông Suthep Thaugsuban. Động thái này cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng đối đầu có thể xảy ra giữa các phe đối lập và cuộc đối đầu có thể kéo dài.
Đảng cầm quyền Puea Thai đã cáo buộc Ủy ban Bầu cử không làm tròn công tác chuẩn bị cho bầu cử tới và một số thành viên của Ủy ban có "động cơ riêng" khi cố tình làm như vậy. Theo Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul, Ủy ban Bầu cử đã đề nghị lùi lịch bầu cử với lý do đang khủng hoảng chính trị. Nhưng chính phủ sẽ không hoãn cuộc bầu cử này vì cho đó là hành động vi hiến.
Về phần mình, chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết đã sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu cuộc nổi dậy mới xảy ra. Thủ tướng Yingluck đã đề nghị quân đội làm trung gian đàm phán giữa chính phủ và những người biểu tình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Bà khẳng định sẽ tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền để xúc tiến cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/2, mở đường cho công cuộc cải cách đất nước.
Nhiều người tin rằng quân đội sẽ tham gia giải quyết tình trạng bế tắc chính trị tại Thái Lan, đặc biệt là trong trường hợp các cuộc biểu tình biến thành bạo lực. Tình hình hiện tại càng làm dấy lên những tin đồn về việc sẽ xảy ra đảo chính quân sự. Phát biểu hôm 12/1, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết ông lo ngại tình trạng leo thang bạo lực sẽ xảy ra trong tuần tới. "Tôi muốn nói với tất cả các bên rằng không nên tiến hành các cuộc đụng độ ... Chúng ta đều là người Thái và có thể cùng chung sống bất chấp những khác biệt", Tướng Prayuth kêu gọi.
Các nhà chức trách tại Thái Lan cho biết sẽ tiến hành triển khai hơn 14.000 binh sỹ và cảnh sát đến các con đường ở thủ đô Bangkok vào 13/1 để giữ gìn trật tự ở những khu vực này. Lực lượng an ninh được triển khai khắp thủ đô để bảo vệ các địa điểm quan trọng bao gồm văn phòng Thủ tướng, sân bay chính của Bangkok và các nhà máy điện, nước.
Chính quyền Bangkok đã chỉ đạo 140 trường học đóng cửa vào ngày 13/1. Đồng thời, một số trường Đại học gần các địa điểm biểu tình chính cũng cho phép sinh viên nghỉ từ thứ hai đến thứ tư tuần tới. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan và Đông Nam Á có trụ sở tại Bangkok, nơi làn sóng biểu tình đang dâng cao, đều có kế hoạch đóng cửa.
Trong lúc này, một số người dân cũng đã dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm. Những người bán hàng cho biết họ chưa bao giờ chứng kiến việc mua bán tích trữ nhiều như vậy kể từ khi thủ đô Bangkok bị trận lụt lịch sử năm 2011.
Trước đó, hôm 10/1, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết tình hình rất đáng báo động khi Đại sứ quán Mỹ đã khuyên công dân nước này đang ở Thái Lan tích trữ lương thực và nước sạch trong vòng 2 tuần.
Đợt biểu tình lần này là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở Thái Lan kể từ năm 2010. Giá cổ phiếu và đồng baht Thái đã sụt giảm mạnh bởi tình trạng hỗn loạn làm các du khách và nhà đầu tư e ngại. Ông Thanavath Phonvichai, chuyên gia dự báo kinh tế của một trường đại học thuộc Phòng Thương mại Thái Lan, cho rằng nếu cuộc khủng hoảng không lắng dịu trong những tháng tới, lượng khách du lịch sẽ sụt giảm khoảng 50%.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy qua các cuộc biểu tình đang diễn ra là tình cảnh ngày càng thêm khó khăn, thậm chí là tuyệt vọng của phe chống đối bởi cục diện vẫn có lợi hơn cho chính phủ của Thủ tướng Yingluck. Trong mọi cuộc bầu cử được tiến hành hiện tại cũng như cả thời gian tới, đảng của bà chắc chắn vẫn chiến thắng và thậm chí có thể thắng đậm. Phe chống chính phủ đã thất bại trong việc lật đổ chính phủ, không thành công trong việc kích động giới quân sự can thiệp bằng đảo chính hoặc cầm quyền phía sau một chính phủ khác. Lực lượng này cũng ý thức được nguy cơ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử tới. Vì thế, mục tiêu của họ bây giờ là ngăn cản bầu cử.
Ý kiến bạn đọc