“Chảo dầu” Syria nóng cực độ

07:49, 23/11/2011

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở Syria đang diễn tiến theo chiều hướng xấu.  


Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đang chịu sức ép ngày càng tăng cả từ bên trong lẫn bên ngoài, trong khi quốc tế tiếp tục bất đồng về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về Nghị quyết liên quan tới tình hình nhân quyền Syria, song Đức, Pháp và Anh hy vọng đây sẽ là bước đi đầu tiên nhằm đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an.

Tình hình Syria vẫn rất căng thẳng

Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Ja'afari đã chỉ trích dự thảo Nghị quyết lên án chính quyền nước này đàn áp người biểu tình ủng hộ dân chủ và gọi Nghị quyết đó là "lời tuyên chiến" với Chính quyền Syria.

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an về tình hình Trung Đông, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Robert Serry nói rằng, tình trạng bạo lực tại Syria đang khiến Liên Hợp Quốc lo ngại sâu sắc.

“Tất cả các hình thức bạo lực cần chấm dứt để tiến tới một tiến trình chính trị toàn diện nhằm giải quyết những khát vọng của người dân Syria liên quan đến chính trị, tôn giáo hoặc sắc tộc”, ông Robert Serry nhấn mạnh.

Ngày 21/11, Ngoại trưởng Anh William Hague đã gặp phái đoàn phe đối lập Syria tại thủ đô London (Anh). Ông Hague cho rằng các bên trong phe đối lập Syria cần gạt sang một bên những bất đồng và đoàn kết lại để hướng tới mục tiêu phía trước.

Phản ứng trước thái độ của phương Tây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng việc một số nước phương Tây kêu gọi phe đối lập Syria không chấp nhận đối thoại với chính quyền của Tổng thống Assad là hành động đi ngược lại sáng kiến chấm dứt bạo lực và tiến hành đối thoại của Liên đoàn Arab.

Hành động đó có thể gây ra sự bất ổn tại nhiều quốc gia Arab, bởi vì nó tạo ra "sự cám dỗ" đối với nhiều giới khác nhau ở các nước láng giềng Syria rằng họ cũng có thể tạo ra tình huống tương tự ở đất nước của mình để đạt được mục đích riêng.

Trong khi đó, Phong trào Hồi giáo vũ trang theo đường lối cứng rắn Hezbollah ở Lebanon ngày 21/11 đã xác nhận ủng hộ chính quyền Syria và Iran trước "các âm mưu quốc tế", đồng thời nhấn mạnh Hezbollah phản đối việc Lebanon bị sử dụng như là bàn đạp cho các mưu đồ chống lại nước láng giềng lớn nhất của mình.

Tuyên bố chung của Hezbollah và phong trào đồng minh tại Lebanon Amal nêu rõ, điều đang diễn ra ở Syria là một âm mưu quốc tế nhằm vào nước này vì lập trường không khuất phục của chính quyền Syriam cũng như các chính sách khuyến khích của Syria dành cho các phong trào kháng chiến Arab và Hồi giáo, đặc biệt tại Palestine.

Những diễn biến này một lần nữa cho thấy cuộc khủng hoảng ở Syria sẽ còn diễn biến xấu hơn. Các nhà phân tích cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình tại Syria thay vì bạo lực để tránh xảy ra nội chiến ở nước này./.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bất ổn thời “hậu Mu-ba-rắc”
Ai Cập thời “hậu Mu-ba-rắc” vẫn chưa yên ổn khi liên tục xảy ra các cuộc biểu tình đổ máu, mang cả màu sắc chính trị lẫn tôn giáo.
22/11/2011
NTC tuyên bố sẽ xét xử con trai Gaddafi tại Libya
Bộ trưởng Tư pháp tạm quyền của Libya Mohammed al-Allagui ngày 20/11 cho biết Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) muốn người con trai Saif al-Islam của cố lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi ra hầu tòa ở Libya chứ không phải tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở La Hay.
21/11/2011
Từ điểm trường tới rừng sắn
Có người trầm trồ: Thầy Tuyên, thầy Tạo, thầy Oánh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nà Khương, xã Nà Khương, huyện Quang Bình, Hà Giang là những "nhà thiết kế" giỏi. Bởi nhờ các thầy, Nà Khương có thêm một điểm trường khang trang, người dân trong xã bắt đầu có hơn 100 ha sắn công nghiệp để học sinh đi học không còn lo đói.
20/11/2011
“Mỹ đã trở lại châu Á”
Sự hợp tác Mỹ - ASEAN được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình an ninh và hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
18/11/2011