Libya thời "hậu Gaddafi"

07:29, 24/10/2011
Hôm qua (23/10) là một ngày quan trọng đối với đất nước và người dân Libya khi các nhà lãnh đạo mới của nước này tuyên bố về việc đất nước Libya đã hoàn toàn giải phóng.

Từ ngày 23/10, đất nước Libya được xem là sẽ bước vào một trang sử mới. Nhưng trang sử này sẽ được những ai viết tiếp và sẽ viết như thế nào vẫn còn là những câu hỏi được đặc biệt quan tâm, bởi chặng đường phía trước của Libya được dự báo sẽ là những khó khăn và thử thách không dễ vượt qua.
 
Những bức tường xung quanh dinh thự của Tổng thống bị lật đổ Gaddafi tại thủ đô Tripoli đã bị san phẳng cùng với những dấu tích của 42 năm cầm quyền của vị Tổng thống bị lật đổ Gaddafi.
 
Còn tại thành phố Benghazi, nơi khởi nguồn của cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Gaddafi, không khí ăn mừng đang bao trùm lên toàn thành phố. Tuy nhiên, niềm vui chiến thắng cũng không thể xua đi nỗi lo về những thách thức khổng lồ phía trước.
 
Ông Ahmed Jehani, Bộ trưởng Tái thiết và Ổn định Libya cho rằng: “Có nhiều vấn đề cần phải thực hiện, trong đó có việc thiết lập một bầu không khí an toàn và ổn định, khôi phục luật pháp và trật tự xã hội. Nếu muốn thúc đẩy nền kinh tế cần phải thúc đẩy đoàn kết dân tộc. Chúng ta không thể đạt được mục tiêu nếu các lực lượng bị chia rẽ”.
 
Sự chia rẽ cũng chính là một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà phân tích chính trị cho rằng, sẽ làm cản trở tiến trình đi tới sự ổn định và hòa bình của Libya.
 
“Những gì chúng ta sẽ thấy sẽ là một chương mới khủng khiếp khi những nhóm sắc tộc khác nhau tranh giành quyền lực và lợi ích về dầu lửa”, ông William Engdahl, Nhà phân tích chính trị Đức nói.
 
Cái chết bi thảm của ông Gaddafi được những người chiến thắng ở Libya coi là một sự khởi đầu mới, nhưng đối với nhiều nhà phân tích thì nó lại có thể biến ông trở thành một chiến sỹ tử vì đạo và thổi bùng lên một làn sóng bạo lực mới.
 
Ông Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị - Quốc tế, Học viện Ngoại giao nhận định: “Chính cái chết thê thảm của ông Gaddafi khiến cho lực lượng thân ông ấy sẽ bắt đầu một cuộc thánh chiến mới và một làn sóng bạo lực mới”.
 
Hàng tấn vũ khí hiện đang trôi nổi trong xã hội Libya. Những tay súng tự phát vốn trước đây là những thanh niên thất nghiệp, những người bán hàng rong đang là lực lượng kiểm soát các đường phố. Sau khi hoàn tất việc lật đổ chính quyền của ông Gaddafi, họ đang chờ đợi được chia sẻ những quyền lợi của chiến thắng. Và giờ đây, nhiệm vụ của chính quyền lâm thời Libya là xử lý một cách hợp lý những yêu cầu của họ.
 
“Tình hình ở Libya hiện nay sau cái chết của Gaddafi chỉ còn trông đợi vào tái thiết hay nói cách khác là nhìn vào cách điều hành đất nước của NTC. Sau quá trình tuyển cử, những bức tranh phe phái chia rẽ sẽ được dung hòa bằng bài học kinh nghiệm, bằng bài học xương máu trong thời gian vừa rồi. Họ phải hiểu rằng, nếu còn chia rẽ, còn sự bất bình đẳng giữa các bộ tộc, bộ lạc, với hơn 140 bộ tộc trên lãnh thổ Libya, nếu như không có sự công bằng thì giao tranh sẽ lại tiếp tục”, ông Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị - Quốc tế, Học viện Ngoại giao khẳng định.
 
Sự can thiệp của nước ngoài sau chiến tranh đối với Libya cũng là một vấn đề được dư luận quan tâm lúc này. Tất cả những gì đang diễn ra tại Iraq và Afghanistan đã khiến nhiều người hiểu rằng, đằng sau việc thay đổi một chế độ không phải là những gì tốt đẹp nhất.
 
Viện trợ của nước ngoài sẽ có. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, viện trợ cho Libya sẽ được các nước thực hiện như thế nào cũng là câu hỏi không dễ trả lời. Khi EU đang đau đầu với vấn đề nợ công kéo dài thì liệu sự trợ giúp có được như mong đợi, có được như cam kết như trước khi chiến sự nổ ra hay không? Khi tại Mỹ, quá trình bầu cử lại đang đến gần và liệu chính phủ mới, kể cả khi ông Obama đắc cử thì chính phủ mới này có còn đủ lực để giúp Libya tái thiết hay không?...
 
Có rất nhiều câu hỏi đang đặt ra đối với tương lai của Libya. Một chính quyền mới sẽ được thành lập trong vòng 8 tháng nữa. Nhưng con đường mà chính phủ mới của Libya sẽ đưa đất nước đi về đâu phụ thuộc rất nhiều vào việc họ rút ra được những bài học gì từ quá khứ để lựa chọn một con đường khác cho tương lai của chính mình.

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Che giấu manh mối lần ra cái chết Gaddafi
Thi thể của nhà cựu lãnh đạo Muammar Gaddafi được bảo quản trong phòng lạnh để cho công chúng đến xem. Tuy nhiên, những vết thương có thể giúp lần ra manh mối về nguyên nhân cái chết đã bị che đậy lại.
23/10/2011
Nga đặt nghi vấn quanh cái chết của ông Gaddafi
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 21/10 tuyên bố cái chết của nhà lãnh đạo Libya bị lật đổ Muammar Gaddafi và vai trò của NATO trong cuộc tấn công nhằm vào đoàn xe chở ông này gây ra một loạt nghi vấn.
22/10/2011
Chúng tôi không ngừng hoàn thiện mình
Bàn về lối sống, phẩm chất đạo đức của nữ nhà giáo hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng vẫn hội tụ ở 5 chuẩn mực của người phụ nữ trong thời kỳ Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước; hình thành từ khi đang còn học tập và nghiên cứu trong nhà trường, phẩm chất, lối sống của nữ nhà giáo tiếp tục được rèn luyện trong công tác, trong gia đình và các hoạt động xã hội.
21/10/2011
Vẫn còn nhiều vấn đề sau khi ông Gaddafi chết
Ngày 20/10, Giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) Pascal Boniface cho rằng cái chết của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến ở Libya và đưa Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) lên cầm quyền.
21/10/2011