Thách thức mới đối với tổng thống Y-ê-men
Trong nỗ lực gây sức ép buộc Tổng thống Y-ê-men A-li Áp-đu-la Xa-lê (Ali Abdullah Saleh) từ chức, những người biểu tình chống chính phủ tại Y-ê-men đã tuyên bố thành lập một "hội đồng cầm quyền lâm thời". Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ xuống đường ở thủ đô Xa-na và các thành phố khác, tiếp tục đòi ông Xa-lê từ chức.
Theo thông báo trên, "hội đồng cầm quyền lâm thời" có 17 thành viên, nhưng không bao gồm tất cả các chính đảng đối lập ở Y-ê-men. Trong số 17 thành viên có cựu Tổng thống A-li Na-xơ Mô-ham-mét (Ali Nasser Mohammed), cựu Thủ tướng A-bu Bác Hai-đa An Át-ta (Abu Bakr Haidar al-Attas), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Áp-đu-la A-li A-lây-oa (Abdullah Ali Aleiwa) và các thủ lĩnh của một số nhóm đối lập. Hội đồng đã bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, trong đó, ông A-li A-lây-oa được bổ nhiệm làm Tư lệnh lực lượng vũ trang.
Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Xa-lê tuần hành tại thủ đô Xa-na. Ảnh: Roi-tơ |
Các nhân vật đối lập Y-ê-men cho biết, việc thành lập hội đồng chuyển tiếp nhằm mục đích chấm dứt chế độ đã kéo dài 33 năm của Tổng thống Xa-lê và để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn “hậu Xa-lê”. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu hội đồng mới này có nhận được sự ủng hộ của liên minh các chính đảng đối lập chủ chốt cũng đang tìm cách lật đổ ông Xa-lê và đã kêu gọi thành lập một cơ quan chuyển tiếp hay không.
Chính phủ Y-ê-men ngay lập tức đã bác bỏ việc thành lập hội đồng này. Người phát ngôn Chính phủ Y-ê-men, Thứ trưởng Thông tin Áp-đu An Gia-na-đi (Abdu al-Janadi) cho rằng, hành động trên sẽ làm gia tăng khủng hoảng chính trị tại đất nước này. “Tổng thống Xa-lê là tổng thống hợp pháp của Y-ê-men và sẽ về nước để đảm nhiệm chức vụ của mình trong vài ngày tới. Hội đồng này không thể thay thế cho chính phủ hiện tại”, ông Gia-na-đi nhấn mạnh. Trước đó, ngày 5-7, phe đối lập đã từng đề xuất về việc thành lập một hội đồng cầm quyền lâm thời. Tuy nhiên, ông Gia-na-đi khẳng định, Y-ê-men không cần hội đồng đó, mà cần cải cách luật pháp theo hướng dân chủ và tự do hơn. Ông nhấn mạnh, đề xuất thành lập hội đồng này là "một hành động đảo chính và công khai phát động nội chiến".
Trong khi đó, nguồn tin CNN cho hay, ông Xa-lê dự kiến từ A-rập Xê-út trở về nước vào ngày 17-7 (giờ địa phương) nhân kỷ niệm 33 năm cầm quyền. Tổng thống Xa-lê đã bị thương trong vụ tấn công của phe đối lập nhằm vào dinh thự của ông ở thủ đô Xa-na ngày 3-6 vừa qua. Sau một tháng rưỡi điều trị tại Ri-át (A-rập Xê-út) và trải qua 8 cuộc phẫu thuật, sức khỏe của ông Xa-lê đã dần bình phục. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, sự trở về của ông Xa-lê sẽ càng đẩy Y-ê-men lún sâu vào khủng hoảng chính trị kéo dài suốt 6 tháng qua. Thách thức với ông Xa-lê càng lớn hơn khi phe đối lập đã thành lập “hội đồng cầm quyền lâm thời”, sẵn sàng thay thế ông trong trường hợp ông chấp nhận lời đề nghị của ông Giôn Brê-nan, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) về chống khủng bố, theo đó, chấp nhận ký vào kế hoạch chuyển giao quyền lực do Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất càng sớm càng tốt.
Ý kiến bạn đọc