Nhóm Tiếp xúc về Li-bi họp tại Thổ Nhĩ Kỳ: Thiếu giải pháp hợp lý

08:22, 16/07/2011

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ A. Đa-vu-tô-lu (A. Davutoglu) thúc giục đại diện của 40 nước và tổ chức quốc tế đã tham dự cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc tế về Li-bi gia tăng sức ép với nhà lãnh đạo Li-bi.


Tại cuộc họp được tổ chức ngày 15-7 ở thành phố I-xtan-bun này, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lộ trình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Li-bi, gồm hai giai đoạn. Giai đoạn một sẽ thực thi việc ngừng bắn ngay lập tức trước thời điểm bước vào tháng lễ Ra-ma-đan của người Hồi giáo vào ngày 1-8 tới. Giai đoạn hai, nhà lãnh đạo Ca-đa-phi sẽ từ chức và chuyển giao quyền lực một cách êm thấm cho Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp.

Theo AP, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ A. Đa-vu-tô-lu cũng đề nghị Nhóm tiếp xúc quốc tế về Li-bi tăng viện trợ tài chính cho lực lượng đối lập tại Li-bi cũng như thảo luận về đề xuất sử dụng các tài khoản của Li-bi hiện đang bị phong tỏa để trợ giúp cho lực lượng này, trong khi vẫn duy trì sứ mệnh của Liên hợp quốc tại đây.

Các quan chức dự cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc tế về Li-bi ở I-xtan-bun. Ảnh: Roi-tơ

Đây là cuộc họp lần thứ tư của Nhóm Tiếp xúc về Li-bi. Trong số những tổ chức quốc tế cử đại diện tham dự có Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn A-rập (AL), NATO và Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) của phe đối lập ở Li-bi. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mời Nga và Trung Quốc tham dự cuộc họp tại I-xtan-bun, song hai nước này đã từ chối.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết tại các cuộc họp trước, Nhóm tiếp xúc quốc tế về Li-bi, gồm chủ yếu là các nước thành viên NATO, đã thể hiện khuynh hướng nghiêng về lực lượng đối lập tại Li-bi và điều này không phù hợp với tinh thần Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Li-bi. Nga cho rằng mọi quyết định liên quan tới Li-bi đều phải do HĐBA LHQ thông qua. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Bắc Kinh không tham dự cuộc họp ở I-xtan-bun do “cần có thêm thời gian để nghiên cứu chức năng và cơ chế làm việc” của Nhóm tiếp xúc quốc tế về Li-bi. Ông Hồng Lỗi cho rằng, việc Bắc Kinh vừa qua tiếp xúc với cả đại diện chính phủ và lực lượng chống chính phủ ở Li-bi là một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến hành đàm phán chấm dứt giao tranh ở Li-bi.

Bất chấp sức ép ngày càng gia tăng, nhà lãnh đạo Li-bi M. Ca-đa-phi (M. Gadhafi) tuyên bố sẽ không đầu hàng các lực lượng thuộc NATO và sẵn sàng “hy sinh bất cứ lúc nào”. Phát biểu trên truyền hình, ông Ca-đa-phi cho biết người dân Li-bi đang trở nên mạnh mẽ hơn để bảo vệ phẩm giá, danh dự và đất đai của mình. Ông khẳng định, cuộc “thập tự chinh” của NATO sẽ thất bại do đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Li-bi cũng kêu gọi những người ủng hộ sẵn sàng tiến đánh các thành phố Ben-ga-di, Mi-xra-ta ở miền Đông, nơi được coi là những thành trì của lực lượng đối lập.


qdnd

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Làm gì để giải quyết vấn nạn tiêu cực trong thi cử?
Những năm gần đây, kể từ khi cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" phát huy tác dụng làm thay đổi cả đời sống học đường, các kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH,CĐ ở ta đều được đánh giá là an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
15/07/2011
Đã xuất hiện điểm cao ở trường Đại học "tốp trên"
Ngày 14/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức đoàn thanh tra đột xuất công tác chấm thi đại học tại một số trường.
15/07/2011
Gaddafi tuyên bố sẽ tại vị "đến giọt máu cuối cùng"
Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tuyên bố ông sẽ tại vị "cho đến giọt máu cuối cùng" và không chịu khuất phục sức ép của quốc tế đòi ông phải từ bỏ quyền lực mà ông nắm giữ gần 42 năm qua.
15/07/2011
Ấn Độ truy lùng thủ phạm gây ra loạt vụ khủng bố mới ở Mum-bai
Cảnh sát Ấn Độ đang truy tìm những kẻ đứng sau 3 vụ đánh bom đẫm máu tại trung tâm tài chính Mum-bai đêm 13-7, làm 18 người chết và 131 người khác bị thương. Đây được xem là vụ đánh bom khủng bố tồi tệ nhất ở Ấn Độ kể từ sau loạt vụ tấn công khủng bố làm 166 người chết hồi tháng 11-2008 tại chính thành phố này.
15/07/2011