Tổng thống Ô-ba-ma phạm luật?
Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma (B. Obama) đang phải đối mặt với rắc rối pháp lý liên quan tới cuộc chiến tranh ở Li-bi mà ông đã ra lệnh cho quân Mỹ tham chiến 3 tháng trước.
Quyết định “nhúng tay” vào Li-bi có thể khiến cho ông Ô-ba-ma bị xem là vi phạm luật pháp Mỹ nếu như không đạt được sự ủy quyền của Quốc hội trong các hoạt động quân sự ở Li-bi vào đầu tuần tới.
Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma. Ảnh: AP |
Rắc rối đến từ đơn kiện của một nhóm gồm 10 nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ngày 15-6 vừa qua, nhóm này đã đệ đơn kiện Tổng thống Ô-ba-ma về việc đã đưa Mỹ tham gia vào chiến dịch can thiệp quân sự ở Li-bi mà chưa nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội. Là những thành viên đã ký đơn kiện gửi Tòa án liên bang Mỹ, hai nghị sĩ Đen-nít Ku-chi-ních (Dennis Kucinich) của Đảng Dân chủ và Oan-tơ Giôn (Walter Jones) của Đảng Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Ô-ba-ma đã không thông qua Quốc hội khi đưa nước Mỹ tham chiến tại Li-bi đêm 19-3. Theo hai nghị sĩ này, cơ quan duy nhất được quyền tuyên bố chiến tranh và cho phép sử dụng vũ lực quân sự của Mỹ ở nước ngoài theo quy định của Hiến pháp Mỹ là Quốc hội nước này. Chính vì thế, theo nghị sĩ Ku-chi-ních, chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma đã vi phạm luật pháp Mỹ khi phát động tham gia cuộc chiến Li-bi mà không thông qua Quốc hội. Nhóm nghị sĩ tuyên bố họ phát đơn kiện để yêu cầu tòa án có hành động bảo vệ nhân dân Mỹ khỏi những hậu quả của chính sách sai lầm.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ - ông Giôn Bâu-nơ (John Boehner) hồi đầu tuần cũng đã cảnh báo, ông chủ Nhà Trắng sẽ vi phạm luật của nước Mỹ nếu ông không thể giành được sự phê chuẩn của Quốc hội cho chiến dịch quân sự ở Li-bi. Ông Bâu-nơ đang ám chỉ đến Luật Quyền chiến tranh năm 1973 của nước Mỹ. Điều luật ban hành gần 40 năm trước cấm quân đội Mỹ tham gia cuộc chiến tranh dài quá 60 ngày mà không được phép của Quốc hội. Nếu quá thời gian trên mà không nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội thì quân đội Mỹ buộc phải chấm dứt hành động can thiệp vào cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, luật cũng cho phép Tổng thống có thêm 30 ngày để rút quân nên nếu sau 90 ngày mà quân Mỹ vẫn chưa rút khỏi cuộc chiến chưa được phép của Quốc hội là vi phạm luật pháp. Đây là luật nhằm giới hạn quyền của Tổng thống trong việc phát động các chiến dịch quân sự.
Phản ứng trước động thái nói trên của các nghị sĩ Mỹ, Nhà Trắng tuyên bố, Tổng thống Ô-ba-ma không cần phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội về vai trò của Mỹ trong chiến dịch ở Li-bi. Để "phản pháo", Nhà Trắng đã chuẩn bị hẳn một bộ tài liệu pháp lý dài 32 trang với lập luận rằng các lực lượng Mỹ tham gia vào chiến dịch của NATO ở Li-bi chỉ đóng một vai trò mang tính hậu thuẫn, hỗ trợ. Vai trò đó không giống với định nghĩa “các hành động thù địch” được miêu tả trong Luật Quyền chiến tranh năm 1973 của Mỹ. “Quan điểm của Tổng thống là, chiến dịch quân sự của Mỹ hiện nay ở Li-bi phù hợp với Luật Quyền chiến tranh. Nó không phải chịu sự ràng buộc của quy định yêu cầu phải có sự phê chuẩn của Quốc hội. Chiến dịch quân sự của Mỹ ở Li-bi hoàn toàn khác biệt với những hành động thù địch được miêu tả trong điều khoản 60 ngày của Luật Quyền chiến tranh”, Nhà Trắng đã viết như vậy trong bản tài liệu trình Quốc hội. Theo Nhà Trắng, vai trò của Mỹ ở Li-bi chỉ là giúp tiếp nhiên liệu cho máy bay NATO và thu thập các thông tin tình báo. Chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh, Mỹ không tham gia vào các cuộc giao tranh và cũng không “có các cuộc đọ súng với lực lượng thù địch” gây nguy hiểm cho các binh lính Mỹ. Thậm chí người phát ngôn Nhà Trắng Giay Ca-ni (Jay Carney) còn lập luận rằng, dù Mỹ là quốc gia thực hiện các cuộc không kích đầu tiên vào Li-bi, nhưng hiện nay lực lượng NATO đã đảm nhận hầu hết sứ mệnh tại quốc gia này và Mỹ chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ chứ không gửi quân tới quốc gia Bắc Phi này.
Bản báo cáo mà Nhà Trắng trưng ra dường như không giúp “hạ hỏa” được cơn nóng của những nghị sĩ Mỹ phản đối chiến tranh. Người ta vẫn thấy các nghị sĩ đăng đàn phản đối ầm ầm. Hạ nghị sĩ B. Sơ-man (B. Sherman), thành viên của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ nói: “Tôi chắc chắn rằng, ông Ô-ba-ma sẽ không đồng ý với bản báo cáo này nếu ông ấy vẫn còn là Thượng nghị sĩ”. Thượng nghị sĩ B. Cốc-cơ (B. Coker) cho rằng, hành động của chính phủ trong vấn đề Li-bi đã làm thất vọng dân chúng và dư luận Mỹ. Thậm chí có nghị sĩ còn cho rằng, chính quyền Ô-ba-ma đã “dùng mưu để lừa Quốc hội Mỹ cũng như dùng các tổ chức quốc tế để giúp họ có quyền được sử dụng vũ lực ở bên ngoài”.
Đây là lần thứ hai Tổng thống Ô-ba-ma phải đối mặt với phiền toái từ cuộc chiến tranh Li-bi. Đầu tháng 6, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết khiển trách chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma về việc đã tự ý phát động chiến dịch đánh Li-bi mà không được sự cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ nghị quyết trên đồng thời nhấn mạnh chính quyền đã liên tục tham vấn Quốc hội và vì thế không vi phạm luật chiến tranh. Nhưng rắc rối pháp lý mới này rõ ràng sẽ trở nên nghiêm trọng nếu Tổng thống Ô-ba-ma không nhận được sự chấp thuận của Quốc hội cho cuộc chiến tranh Li-bi sẽ hết thời hạn 90 ngày theo Luật Quyền chiến tranh năm 1973 vào ngày 19-6.
Ý kiến bạn đọc