Nhà Trắng lại có hy vọng trực tiếp can dự quân sự vào Li-bi
Với tỷ lệ 14 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo nghị quyết cho phép chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma (B.Obama) tiến hành can dự quân sự “hạn chế” tại Li-bi.
Dự thảo nghị quyết này do Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Giôn Ke-ry (John Kerry) và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Giôn Mắc-kên (John McCain) đề xuất. Theo đó, chính quyền Mỹ được phép tham gia hành động can thiệp quân sự do NATO đứng đầu ở Li-bi, nhưng cấm điều bộ binh đến quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, nghị quyết đó sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Thượng viện. Chỉ mới cuối tuần trước, Hạ viện Mỹ đã bác bỏ một nghị quyết có nội dung tương tự trước khi bác bỏ nghị quyết cấm chính quyền Mỹ chi tiền cho cuộc chiến ở Li-bi (có nghĩa là cấm tham chiến, nhưng không phản đối chi tiền cho cuộc chiến).
Sự lòng vòng này cho thấy trong nội bộ Mỹ đang có sự lúng túng và bất đồng trong xử lý vấn đề Li-bi. Nhà Trắng đang mắt kẹt giữa các tình huống chính trị trong cả đối nội và đối ngoại, giữa khó khăn kinh tế và vai trò "thống lĩnh" trong khối NATO. Thiếu Mỹ, các đồng minh NATO ở châu Âu đã thể hiện sự kém cỏi của mình trong nhiều vấn đề, mà trước mắt là giải quyết cuộc khủng hoảng Li-bi. Sự cản trở từ phía quốc hội Mỹ đã khiến Nhà Trắng không thể làm gì ngoài việc chi tiền cho cuộc chiến ở Li-bi.
Khói bốc lên sau một vụ không kích mới của NATO nhằm vào ngoại ô thủ đô Tri-pô-li của Li-bi. Ảnh: AFP |
Trong khi cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo đang đến gần, giải quyết các “điểm nóng” như Áp-ga-ni-xtan, Li-bi… như thế nào đang là cơ hội để đảng Dân chủ ghi điểm với cử tri Mỹ. Song, phải đối mặt với tình trạng kinh tế sa sút, tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ công và hàng loạt vấn đề xã hội khác, chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma không thể cùng lúc duy trì vài chiến trường mà không vấp phải sự phản ứng của người dân và các ông “nghị” thuộc đảng Cộng hòa. Trong khi đó, cuộc chiến tại Li-bi do NATO chỉ huy dường như đã rơi vào bế tắc. Một số nước đã bỏ cuộc, một số thành viên khác không muốn tiếp tục không kích Li-bi do thiếu vũ khí vì không có kinh phí. Trong một bài phát biểu gần đây, chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Ghết, đã cho rằng, thói quen “dựa dẫm” vào Mỹ của một số thành viên NATO đang tham chiến ở Li-bi theo như lời phàn nàn của quan chức cấp cao Mỹ đang được chứng minh là có thật đã khiến kết quả trên chiến trường Li-bi rất hạn chế. Trong 28 thành viên của NATO, chỉ có 5 quốc gia có chi tiêu quốc phòng đạt mức cam kết của NATO là 2% GDP. Sự thiếu hụt tài chính là nguyên nhân khiến NATO không thể gánh vác nổi trách nhiệm. Ông Ghết nhấn mạnh, vai trò của Mỹ trong thời điểm này là rất quan trọng. Để giành chiến thắng tại Li-bi, Mỹ buộc phải tham chiến cùng NATO.
Liên quan tới tình hình Li-bi, nhật báo “Le Figaro” của Pháp ngày 29-6 đưa tin Pháp đã bắt đầu thả dù các kiện vũ khí cho các tay súng chống chính phủ Li-bi ở khu vực cao nguyên phía Nam thủ đô Tri-pô-li. Các kiện hàng vũ khí của Pháp được máy bay thả tại khu vực Gie-ben Na-phu-xa (Djebel Nafusa). Các thùng hàng này gồm súng trường, súng máy, đạn súng phóng lựu và các tên lửa chống tăng do châu Âu chế tạo. Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao hai nước Bun-ga-ri và Crô-a-ti-a đã ra thông cáo chung công nhận Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp của phe nổi dậy ở Li-bi là đại diện hợp pháp cho người dân quốc gia Bắc Phi này.
Ý kiến bạn đọc