Nam Á – nơi nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ
Nam Á có thể tự hào vì có nhiều nhà lãnh đạo nữ và là quê hương của phong tục thờ các nữ thần, của truyền thống tôn kính bổn phận làm mẹ. Nhưng trên thực tế rất nhiều phụ nữ Nam Á đang phải đối mặt với những mối đe dọa bạo lực và sống thiếu quyền cơ bản của con người.
Cuộc thăm dò do TrustLaw, một dịch vụ tin tức pháp lý của Quỹ Thomson Reuters thực hiện cho thấy, trong danh sách 5 quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ thì có tới ba quốc gia Nam Á, gồm Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và Ấn Độ. Đứng đầu danh sách này là Áp-ga-ni-xtan, nơi phụ nữ phải chịu đựng bạo lực gia đình, hôn nhân ép buộc, không được hưởng quyền được chăm sóc sức khỏe… Đứng sau Pa-ki-xtan, Ấn Độ được xếp vị trí thứ tư trong danh sách do tình trạng phá bào thai nữ và buôn bán tình dục. Điều tra gần đây cho thấy, có khoảng 12 triệu bào thai nữ đã bị phá bỏ trong ba thập kỷ qua ở Ấn Độ. Tình trạng “trọng nam khinh nữ” khiến phụ nữ ít được tiếp cận với các điều kiện thiết yếu như tài chính, đất đai, quyền thừa kế, giáo dục, việc làm, sức khỏe…
Quan điểm về phụ nữ ở Nam Á trong thời gian gần đây đã có những thay đổi rõ rệt, một phần do sự phát triển kinh tế hay những cải cách trong luật pháp. Nam Á đã và đang có khá nhiều nữ chính khách. Tại Ấn Độ, một trong những nhân vật quyền lực nhất trong lịch sử chính trị nước này là cố Thủ tướng In-đi-ra Gan-đi (Indira Gandhi). Con dâu bà, Xô-ni-a Ghan-đi (Sonia Gandhi), hiện là lãnh đạo Đảng Quốc đại. Ngoài ra còn có cựu Thủ tướng Băng-la Đét Sây Ha-xi-na (Sheikh Hasina), cố Thủ tướng Pa-ki-xtan B. Bút-tô (Benazir Bhutto)… Thế nhưng, điều đó chưa thể nói lên rằng, phụ nữ Nam Á đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.
Ý kiến bạn đọc