Li-bi không đàm phán về sự ra đi của ông M. Ca-đa-phi
Chính quyền Li-bi sẽ từ chối bất kỳ cuộc đàm phán nào về khả năng nhà lãnh đạo Mô-a-mơ Ca-đa-phi (Moamer Gadhafi) phải rời khỏi đất nước.
hát biểu với giới báo chí nước ngoài, người phát ngôn Chính phủ Li-bi, ông Mu-xa I-bra-him (Mussa Ibrahim) nhấn mạnh rằng, ý tưởng về việc nhà lãnh đạo Ca-đa-phi phải rời khỏi đất nước là “bất hợp pháp và vô nghĩa". Cá nhân ông Ca-đa-phi trong buổi tiếp Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua quốc tế (FIDE) K.I-li-um-di-nốp (Kirsan Iliumzhinov), người Nga, tối 12-6, tại thủ đô Tri-pô-li cũng khẳng định rằng, ông không có ý định rời bỏ đất nước bất chấp sức ép ngày càng tăng. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất đưa ra một "đảm bảo" cho ông Ca-đa-phi rời Li-bi, giúp đưa ông tới bất cứ nơi nào mong muốn. Báo chí nước ngoài nhận định, nhiều khả năng ông Ca-đa-phi sẽ sang sống lưu vong tại An-giê-ri. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao An-giê-ri đã bác bỏ thông tin này.
Nhà lãnh đạo Ca-đa-phi (bên phải) chơi cờ vua với Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua quốc tế (FIDE) K.I-li-um-di-nốp ngày 12-6 tại Tri-pô-li. Ảnh: AP |
Ngày 13-6, Ngoại trưởng Đức Guy-đô Oét-tơ-ven-lơ (Guido Westerwelle) đã đến Ben-gha-di, thủ phủ của phe đối lập Li-bi. Đức từng bị chỉ trích vì không đóng góp đủ cho chiến dịch không kích Li-bi. Hồi tháng Ba, Đức đã bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu về việc ủy quyền tiến hành chiến dịch quân sự bảo vệ dân thường Li-bi và tới nay vẫn bảo lưu quyết định không tham gia các cuộc không kích của NATO tại Li-bi. Chuyến thăm của ông Guy-đô Oét-tơ-ven-lơ diễn ra sau khi Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) tuần trước nói rằng "nhà lãnh đạo Li-bi cần phải từ chức”. Trong chuyến đi này, Ngoại trưởng Guy-đô Oét-tơ-ven-lơ đã có buổi hội đàm nhằm mở rộng quan hệ của Đức với Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) đối lập ở Li-bi. Cho tới nay, đã có 12 quốc gia công nhận NTC là Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Ô-xtrây-li-a, Anh, Pháp, Dăm-bi-a, I-ta-li-a, Gioóc-đa-ni, Man-ta, Xê-nê-gan, Ca-ta, Tây Ban Nha và Mỹ. Dự kiến, trong vài ngày tới, đặc phái viên của Nga Mi-kha-in Mác-giê-lốp (Mikhail Margelov) sẽ đến Tri-pô-li để tìm một giải pháp cho cuộc xung đột ở nước này.
Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Li-bi, các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ ủng hộ nhà lãnh đạo Ca-đa-phi với lực lượng chống đối chính phủ vẫn bùng phát ở nhiều nơi. Theo người phát ngôn của Chính phủ Li-bi, ông Mu-xa I-bra-him, các lực lượng trung thành với ông Ca-đa-phi đã "giành quyền kiểm soát hoàn toàn" khu vực từ A-đa-bi-a (miền Đông) tới biên giới Tuy-ni-di ở miền Tây. Tại Dau-y-a (cách thủ đô Tri-pô-li 50km về phía Tây), bạo loạn đã bùng phát sau khi quân đội chính phủ bắt giữ một số người của lực lượng chống đối và "đang đàm phán để những người khác đầu hàng". Tuy nhiên, ông Mu-xa thừa nhận rằng, quân chính phủ chưa giành chiến thắng tại hai khu vực do lực lượng chống đối kiểm soát ở miền Tây là Mi-xra-ta và Din-tan. Ít nhất lực lượng chống đối có 7 người thiệt mạng và 49 người bị thương trong các vụ giao tranh ở khu vực này.
Trong một diễn biến liên quan, các phương tiện truyền thông Mỹ đã công bố bức thư của ông Ca-đa-phi gửi Quốc hội Mỹ, trong đó ông bày tỏ muốn đối thoại với phe đối lập và nhờ Mỹ đóng vai trò trung gian hòa giải. Ông Ca-đa-phi kêu gọi "chấm dứt chiến sự và bắt đầu cuộc đàm phán hướng tới một giải pháp hòa bình cho Li-bi" và đề nghị Mỹ "trợ giúp để xác định tương lai của người dân Li-bi".
Ý kiến bạn đọc