Hội thảo về An ninh hàng hải ở Biển Đông tại Mỹ

07:31, 23/06/2011

Trong hai ngày 20 và 21-6, Hội thảo về An ninh hàng hải ở Biển Đông đã diễn ra tại thủ đô Oa-sinh-tơn (Washington, Mỹ). Hội thảo này do Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế của Mỹ (CSIS) tổ chức, đã thu hút sự chú ý của các học giả, các giới chức và dư luận.


Hội thảo diễn ra giữa lúc những căng thẳng tại khu vực này đang gia tăng trong thời gian gần đây. 20 chuyên gia hàng đầu thế giới về vấn đề Biển Đông, 80 quan chức cấp cao, các nhà quản lý cùng đại diện của nhiều cơ quan truyền thông tham dự hội thảo. Đến từ Việt Nam tham dự hội thảo có Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, Luật sư Nguyễn Duy Chiến và Tiến sĩ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao. Ông T.Cha-lê-pa-la-nu-páp (T.Chalermpalanupap), Giám đốc Ban An ninh chính trị thuộc Ban thư ký ASEAN là đại diện ASEAN tham dự Hội thảo.

Các học giả tham dự Hội thảo. Ảnh: VOA

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tham luận tập trung vào cập nhật tình hình gần đây tại Biển Đông; đánh giá lợi ích và vị trí của các bên tại khu vực này; hiệu quả của các khuôn khổ và cơ chế về an ninh hàng hải hiện nay liên quan đến khu vực Biển Đông, và đưa ra khuyến nghị về những chính sách nhằm tăng cường an ninh tại Biển Đông. Giới phân tích cho rằng, những động thái gần đây của Trung Quốc nằm trong toan tính biến yêu sách đường 9 đoạn trên Biển Đông (đường lưỡi bò) thành hiện thực, khiến vấn đề an ninh hàng hải trên vùng biển này bị đặt trước nhiều câu hỏi lớn.

Bà B.Gla-dơ (B.Glaser), Giám đốc và Chủ tịch Ban Trung Quốc thuộc CSIS, đã điểm qua những sự cố mới đây tại Biển Đông và phân tích rõ những nguyên nhân đã dẫn tới tình trạng trên. Bà B.Gla-dơ khẳng định, vụ cắt dây cáp các tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam xảy ra trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tức khu vực trước đây chưa hề bị tranh chấp.

Về vai trò của Mỹ tại Biển Đông, bài phát biểu của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ G.Mắc-kên (John McCain) được đặc biệt chú ý. Hãng tin Bloomberg dẫn lời Thượng nghị sĩ G.Mắc-kên trong bài phát biểu của ông nói rằng, Oa-sinh-tơn muốn giúp các nước thành viên ASEAN “xây dựng khả năng phòng thủ và phát hiện trên biển để phát triển và triển khai các hệ thống cảnh báo sớm và tàu an ninh hàng hải”. Thượng nghị sĩ này cũng ca ngợi chính sách bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông của chính phủ Tổng thống B.Ô-ba-ma (B.Obama), đồng thời cho rằng, chính phủ Mỹ cần đi xa hơn nữa. Ông G.Mắc-kên cũng hoan nghênh việc quan hệ hợp tác với Bắc Kinh và không muốn xảy ra xung đột. Tuy nhiên, ông G.Mắc-kên cũng cho rằng, những tuyên bố chủ quyền không có cơ sở của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra căng thẳng ở Biển Đông gần đây. Đề cập tới vai trò của Mỹ trong khu vực này, nhiều học giả tham dự hội nghị cho rằng, Mỹ cần giữ một vị thế hợp lý để có thể đóng một vai trò giúp ổn định tình hình tại Biển Đông.

Cũng tại Hội thảo, Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, cần phải duy trì sự đoàn kết và nhất trí trong nội bộ ASEAN. Ông Thủy cũng cho rằng, cần có một cơ chế để giúp ổn định tình hình trong bối cảnh Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông không ngăn chặn được sự leo thang tranh chấp. Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, học giả một số nước ASEAN và quốc tế đã nhấn mạnh rằng, cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) khi tiến hành các hoạt động trên biển; đề cao sự cần thiết của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Nhấn mạnh tới vấn đề pháp lý trong vấn đề Biển Đông, Giáo sư C.Thay-ơ (C.Thayer) từ Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a, cho rằng, cần có khung pháp lý chặt chẽ hơn về cách hành xử trong vùng Biển Đông. Trong khi đó, phái đoàn Phi-líp-pin khẳng định: “Vai trò ngày một lớn của một hệ thống quốc tế dựa trên cơ sở các quy tắc luật pháp sẽ giúp mang lại sự cân bằng cần thiết trong xử lý các vấn đề”.

Về “đường lưỡi bò”, các học giả quốc tế không thừa nhận yêu sách này của Trung Quốc. Nhiều học giả quốc tế đã đưa ra lập luận để phản bác bài phát biểu của Trung Quốc về “cơ sở lịch sử” của “đường lưỡi bò”. Tại Hội thảo, các học giả đã đưa ra nhiều bằng chứng khoa học phản bác bài phát biểu của ông Tô Hạo (Su Hao), Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, về những tuyên bố chủ quyền cũng như chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông T.Cha-lê-pa-la-nu-páp khẳng định, quan điểm của ASEAN đối với vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua hợp tác và theo luật quốc tế. Ông T.Cha-lê-pa-la-nu-páp nhấn mạnh: “Tôi không cho rằng, UNCLOS công nhận lịch sử là cơ sở để tuyên bố chủ quyền”. Nhấn mạnh tới sự phi lý trong các đòi hỏi từ phía Trung Quốc, Giáo sư P.Đu-tơn (P.Dutton) thuộc Đại học Hải quân Mỹ, nói: “Về quyền tài phán đối với các vùng biển cần phải tuân theo UNCLOS”. Trong khi đó, Giáo sư C.Thay-ơ nhận định, việc học giả Trung Quốc sử dụng “di sản lịch sử” để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này. Cũng liên quan đến vấn đề trên, bà C.An-trim (C.Antrim), Giám đốc Ủy ban Pháp quyền Đại dương của Mỹ, khẳng định tuyên bố về "đường lưỡi bò" của Trung Quốc không có cơ sở theo luật quốc tế. “Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường lưỡi bò đó”, bà C.An-trim phát biểu.


qdnd

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Rơi máy bay Nga, 44 người thiệt mạng
Sáng sớm nay, tức đêm qua theo giờ địa phương, một vụ tai nạn đã xảy ra đối với chiếc máy bay Tu-134 của Nga khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Petrozavodsk, tại nước CH Karelia, làm 44 hành khách thiệt mạng, 8 người bị thương nặng.
22/06/2011
Bộ Ngoại giao Xin-ga-po: Trung Quốc gây quan ngại cộng đồng hàng hải quốc tế tại Biển Đông
Bộ Ngoại giao Xin-ga-po ngày 20-6 cho rằng, sự lập lờ của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông đang gây quan ngại nghiêm trọng cho cộng đồng hàng hải quốc tế.
21/06/2011
Nhà vô địch Olympia 2011 là thí sinh nữ duy nhất
Sáng 19/6, Phạm Thị Ngọc Oanh (THPT Tiên Lãng, Hải Phòng), thí sinh nữ duy nhất tại vòng chung kết "Đường lên đỉnh Olympia", đã xuất sắc đoạt vòng nguyệt quế kèm học bổng 35.000 USD.
20/06/2011
Sau những vụ NATO không kích nhầm thường dân: Li-bi tố cáo NATO "phạm tội ác chiến tranh"
BBC dẫn một tuyên bố của NATO ngày 19-6 cho biết, NATO đã bắt đầu mở cuộc điều tra về cáo buộc NATO đã oanh kích trúng một ngôi nhà thường dân ở thủ đô Tri-pô-li của Li-bi, khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Các quan chức chính phủ Li-bi cho biết ít nhất 5 người đã chết trong cuộc oanh kích của NATO vào sáng sớm ngày 19-6 trong một ngôi nhà 3 tầng ở khu dân cư Xâu-úc An
20/06/2011