Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu gặp trở ngại “kép”
Kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu đang gặp trở ngại “kép” sau khi CH Séc, một đối tác quan trọng của Oa-sinh-tơn, tuyên bố rút khỏi hệ thống phòng thủ này. Trong khi đó, nhiều nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đồng tình với Nga phản đối kế hoạch Mỹ xây dựng hệ thống này.
Dưới thời cựu Tổng thống Bu-sơ, Oa-sinh-tơn dự định đặt 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và hệ thống ra-đa tiên tiến ở CH Séc với lý do chống lại các mối đe dọa tên lửa từ I-ran. Tuy nhiên, Nga đã lập tức phản đối và cảnh báo sẽ đặt các tên lửa của Nga gần Ba Lan nếu kế hoạch này của Mỹ được xúc tiến. Tháng 9-2009, chính quyền Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã từ bỏ kế hoạch trên và đưa ra một chương trình mới, theo đó, CH Séc đóng một vai trò nhỏ hơn với đề xuất lập một trung tâm cảnh báo sớm chuyên thu thập và phân tích thông tin từ vệ tinh, nhằm phát hiện các tên lửa nhắm vào lãnh thổ của những nước thuộc NATO.
Các nhà lãnh đạo SCO tuyên bố phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Ảnh: tehrantimes.com |
Theo giải thích của Bộ trưởng Quốc phòng CH Séc A-lếch-xan-đơ Vôn-đra (Alexandr Vondra), nguyên nhân dẫn tới việc CH Séc rút khỏi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu là do vai trò của Pra-ha trong dự án này hiện đã giảm bớt. “Kế hoạch xây dựng một trung tâm cảnh báo sớm các vụ tấn công bằng tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở CH Séc đã bị hủy bỏ, vì vậy Pra-ha sẽ không tham gia dự án lá chắn tên lửa kể trên nữa”, ông Vôn-đra nhấn mạnh. Ông cũng cho biết, Séc có thể sẽ tìm phương án khác để tham gia dự án này, nhưng lúc này là còn quá sớm.
Không chỉ thiếu hụt đối tác, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu cũng đang vấp phải làn sóng phản đối từ Nga và các nước thành viên SCO. Tại Hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra tại Ca-dắc-xtan ngày 15-6, SCO đã ủng hộ quan điểm của Nga phản đối việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Tuyên bố của SCO nêu rõ, SCO phản đối mọi hành động đơn phương tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa, coi các kế hoạch tương tự của phương Tây là mối đe dọa an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược.
Trong khi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu gặp trở ngại "kép”, thì bế tắc xung quanh việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chung châu Âu giữa Nga và NATO vẫn chưa được khai thông. Mặc dù Nga và NATO nhất trí sẽ tiến hành khảo sát khả năng cùng xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu, nhưng hai bên vẫn bất đồng về cách thức hợp tác. Mát-xcơ-va khẳng định, Nga sẽ không phản đối việc NATO thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu nếu NATO đáp ứng được 4 điều kiện để bảo đảm hệ thống này không nhằm chống lại tiềm năng chiến lược của Nga. Thứ nhất, các phương tiện của hệ thống này không được có tốc độ có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga (mà các nước bị NATO coi là "thù địch" không thể có được). Thứ hai, căn cứ của hệ thống này cần phải đặt cách biên giới của Nga một khoảng cách bằng bán kính hoạt động của nó. Thứ ba, các thành phần của hệ thống này cần phải bố trí ở phía Nam châu Âu chứ không phải ở phía Bắc, bởi theo NATO, nó nhằm chống lại các mối đe dọa từ Trung Đông, chứ không phải Nga. Cuối cùng, Mỹ và NATO cần thông báo chính xác cho Nga số lượng tên lửa đánh chặn dự định bố trí tại châu Âu trong hệ thống phòng thủ của mình.
Ý kiến bạn đọc