Giải đáp hàng loạt các ý kiến liên quan đến chế độ nhà giáo
Ngày 22/3, Bộ GD&ĐT đã có văn bản tiếp tục trả lời ý kiến, kiến nghị của các Sở GD&ĐT tại Hội nghị Giao ban Vùng lần thứ nhất năm học 2010-2011, trong đó, phần lớn những câu hỏi liên quan đến chế độ cho đội ngũ giáo viên, CBQL.
*Trước câu hỏi: Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ liên quan điều chỉnh Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 09/9/2008 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập nhằm đảm bảo quyền lợi, công sức của giáo viên đã bỏ ra vì hiện tại, trong Thông tư có điều khoản quy định trường tiểu học có đủ tỉ lệ giáo viên/lớp thì không được thanh toán tiền thừa giờ, quy định này hoàn toàn không đáp ứng đúng và đủ nhu cầu phân công, phân nhiệm đội ngũ trong trường tiểu học; gây nhiều khó khăn cho cơ sở. Đối với các trường bậc trung học, tại các cơ sở giáo dục, nhất là ở các đơn vị giáo dục ở vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên, địa bàn biệt lập, không có điều kiện thỉnh giảng nên dẫn đến thực tế một bộ phận giáo viên phải thực dạy tăng giờ vượt quá quy định trên 200 giờ/năm, nhưng số giờ vượt quá không được thanh toán do quy định tại Thông tư đã ban hành.
Bộ GD&ĐT trả lời: Một trong các mục đích ban hành Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 09/9/2008 hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là nhằm đảm bảo quyền lợi, công sức của nhà giáo bỏ ra nhưng cũng nhằm tăng cường công tác quản lý đội ngũ, quản lý hoạt động có kế hoạch, chặt chẽ và hiệu quả. Do vậy, Thông tư quy định "Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị, bộ môn thiếu nhà giáo theo định mức biên chế. Đơn vị, bộ môn không thiếu nhà giáo theo định mức biên chế thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, thai sản theo quy định phải bố trí nhà giáo khác dạy thay". Việc cơ sở hiểu "trong Thông tư có điều khoản quy định trường tiểu học có đủ tỉ lệ giáo viên/lớp thì không được thanh toán dạy thêm giờ" là không đúng.
Việc liên bộ quy định số giờ dạy thêm của giáo viên không vượt quá 200 giờ tiêu chuẩn/năm là căn cứ quy định tại Điều 69 của Bộ Luật Lao động. (Điều 69 của Bộ Luật Lao động quy định “Tổng số thời giờ làm thêm trong một năm không vượt quá 200 giờ”).
Trong Thông tư không có điều khoản nào quy định trường tiểu học có đủ tỉ lệ giáo viên/lớp thì không được thanh toán dạy thêm giờ.
Ở các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa nếu thiếu giáo viên, các cấp quản lý phải có kế hoạch để tuyển dụng giáo viên cho đủ định mức biên chế như quy định. Trong trường hợp không có nguồn tuyển hay lý do nào khác, sở giáo dục và đào tạo báo cáo UBND tỉnh, trên cơ sở đó UBND tỉnh có văn bản báo cáo liên bộ xem xét giải quyết.
*Trước ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 về chính sách phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thu hút đối với nhà giáo, CBQL giáo dục công tác tại địa bàn có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn theo hướng: được hưởng phục cấp ưu đãi và phụ cấp thu hút theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ trong suốt thời gian công tác tại địa bàn có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn (thay vì trong thời gian 3-5 năm, sau thời gian này nếu tiếp tục công tác thì chỉ được hưởng phụ cấp ưu đãi cao nhất là 50% như quy định hiện hành); Phụ cấp thu hút đối với giáo viên vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cần quy định cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều được hưởng chế độ này, vì đây không phải là phụ cấp nghề nghiệp mà là phụ cấp theo vị trí địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội nên trong cùng một trường chỉ có giáo viên được hưởng là không công bằng.
Bộ GD&ĐT cho biết: Về thời gian hưởng phụ cấp ưu đãi ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn: Tại điểm b khoản 2, mục II Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà giáo, CBQLGD đang công tác tại các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn” được hưởng phụ cấp ưu đãi mức 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Không quy định (mức phụ cấp ưu đãi 70%) hưởng từ 3 đến 5 năm, sau đó giảm suống hưởng (mức 50%) như ý kiến phản ánh trên đây.
Về thời gian hưởng phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn: Tại điểm b khoản 4, mục II Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà giáo, CBQLGD đang công tác tại các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Phụ cấp thu hút trả cho thời gian công tác thực tế của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, nhưng thời gian được hưởng phụ cấp thu hút không quá 5 năm.
Ngày 24/12/2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, theo đó, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cụ thể như sau: được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có thời gian đứt quãng thì được cộng dồn như sau: Mức 0,5 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm; Mức 0,7 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm; Mức 1,0 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.
Cũng theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ, các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nói chung đang công tác tại cơ sở giáo dục thuộc vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
*Trước ý kiến: Việc chọn thời điểm công khai về tài chính theo Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009 là tháng 6 hàng năm và cập nhật đầu năm học (tháng 9) không thuộc thời điểm cấp phát, quyết toán ngân sách theo niên độ hàng năm của các đơn vị giáo dục nên hiện nay việc công khai, quyết toán chỉ dừng lại ở việc quyết toán theo Quý gần thời điểm yêu cầu phải công khai.
Bộ GD&ĐT trả lời: Theo Thông tư 09/2009/TT-BGD ĐT ngày 7/5/2009 quy định thời gian các cơ sở giáo dục công khai tài chính vào tháng 6 hàng năm và cập nhật khi khai giảng năm học (tháng 9) và khi có thông tin mới hoặc thay đổi. Vậy các cơ sở giáo dục công khai quyết toán theo quý gần thời điểm yêu cầu công khai đã nêu trong Thông tư 09 là hợp lý.
*Trả lời ý kiến đề nghị thực hiện đảm bảo chế độ chính sách cho các giáo viên ở các xóm 135 thuộc xã vùng 2, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để hoàn chỉnh dự thảo lần thứ 4. Thông tư liên tịch Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó có bổ sung hướng dẫn áp dụng hưởng chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở cơ sở giáo dục thuộc các thôn, bản đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11/01/2008 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II). Dự kiến thời gian ban hành Thông tư liên tịch vào tháng 4/2011.
*Trả lời ý kiến: Đối với địa bàn các huyện miền núi có vị trí địa lý tiếp giáp với các tỉnh Tây Nguyên nên thực hiện các chế độ, chính sách như các tỉnh Tây Nguyên, Bộ GD&ĐT cho biết, quy định về địa bàn hưởng chính sách vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, chính sách đối với các tỉnh Tây Nguyên thuộc thẩm quyền của Chính phủ; việc tham mưu để Chính phủ ban hành các chính sách theo vùng cũng thuộc thẩm quyền của liên Bộ. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo không tự quy định được vấn đề này.
*Ý kiến: Có các chính sách đãi ngộ cho giáo viên đang công tác tại Huyện đảo Lý Sơn được hưởng như giáo viên công tác ở các xã biên giới, xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ.
Bộ GD&ĐT trả lời: Căn cứ Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg ngày 11/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có xã An Bình thuộc xã đặc biệt khó khăn ;
Căn cứ Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1999-2005, bổ sung các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có xã An Vĩnh, xã An Hải thuộc xã đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để hoàn chỉnh dự thảo (4) Thông tư liên tịch Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2007 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó có bổ sung hướng dẫn áp dụng hưởng chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở cơ sở giáo dục thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 (trong đó có 03 xã trên của huyện đảo Lý Sơn). Dự kiến thời gian ban hành Thông tư liên tịch vào tháng 4/2011.
*Trước đề nghị có cơ chế để thực hiện phụ cấp thâm niên cho giáo viên công tác lâu năm, có kinh nghiệm trong ngành, Bộ GD&ĐT trả lời: Trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo, Bộ GD&ĐT đang đề nghị nhà giáo công tác càng lâu năm thì mức phụ cấp thâm niên càng cao.
Ý kiến bạn đọc