Cấm tham chiến, không cấm chi tiền
Ngày thứ sáu vừa qua, Hạ viện Mỹ đã đưa ra hai quyết định về sự dính líu của Mỹ tới chiến dịch quân sự ở Li-bi.
Ngay sau khi bác bỏ một dự luật cho phép Oa-sinh-tơn tham gia một cách hạn chế chiến dịch quân sự do NATO cầm đầu ở Li-bi, Hạ viện Mỹ lại bác bỏ nghị quyết không cấp kinh phí cho hoạt động quân sự của Mỹ tại Li-bi. Hai động thái trái ngược này được báo chí Mỹ đánh giá là một thông điệp đầy lúng túng được phát đi từ Hạ viện Mỹ trong vấn đề Li-bi. Sự bất nhất này cũng thể hiện quan điểm trái chiều giữa các ông “nghị” thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử sẽ diễn ra năm 2012. Nhận định về động thái mâu thuẫn trên, giới phân tích chỉ ra rằng, hai quyết định trái chiều này đang làm khó cho Tổng thống Ô-ba-ma và chính quyền của ông.
Sau quyết định của Hạ viện cấm Mỹ tham gia chiến dịch quân sự ở Li-bi, Người phát ngôn Nhà Trắng D.Các-ni (J.Carney) nói rằng, chính quyền Mỹ "rất thất vọng về cuộc bỏ phiếu này". Thế nhưng, Nhà Trắng lại rất ngạc nhiên trước việc Hạ viện bác bỏ nghị quyết không cấp kinh phí chi hoạt động quân sự của Mỹ tại Li-bi. Nữ Ngoại trưởng H.Clin-tơn (H.Clinton) đã nói lời cảm ơn và khẳng định rằng, sự ủng hộ của Mỹ trong vấn đề kinh phí đó là hết sức quan trọng cho sứ mệnh hỗ trợ đồng minh của Mỹ tại Li-bi.
Sự bất đồng giữa Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng được cho là xuất phát từ mâu thuẫn về nghị quyết Quyền quyết định chiến tranh và vai trò, quyền hạn của tổng thống trong việc tiến hành tuyên bố chiến tranh với sự phê chuẩn của Quốc hội. Theo hiến pháp Mỹ, chỉ Quốc hội mới được phép tuyên bố chiến tranh. Nghị quyết Quyền quyết định chiến tranh 1973 yêu cầu, nếu không có tuyên bố này của Quốc hội, Tổng thống Mỹ phải có sự cho phép của Quốc hội để gửi quân tham chiến nếu chiến sự kéo dài không quá 3 tháng. Trên thực tế, Tổng thống lại là tổng chỉ huy của quân đội, trong các trường hợp cụ thể, thường tổng thống và Quốc hội luôn đạt được sự nhất trí về một mệnh lệnh xuất quân. Riêng trong trường hợp cuộc chiến Li-bi, Quốc hội Mỹ và Tổng thống Ô-ba-ma chưa đạt được sự thống nhất.
Liên quan tới việc một nhóm nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đệ đơn kiện Tổng thống Ô-ba-ma, Nhà Trắng giải thích rằng, Mỹ có quyền thực hiện sứ mệnh quân sự ở Li-bi dưới dạng hiện nay mà không cần sự tán thành của Quốc hội. Tổng thống Ô-ba-ma cũng giải thích rõ: “Chúng ta không tiến hành hoạt động quân sự ở Li-bi theo cách hiểu truyền thống, binh sĩ Mỹ không phải bỏ mạng sống ở đây, chúng ta không có bộ binh và cũng không giao chiến trực diện với bất kỳ ai”. Tổng thống Ô-ba-ma tuyên bố, ông không cần sự phê chuẩn bổ sung nào từ quốc hội, vì lực lượng Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ NATO.
Trước đó, các đồng minh của Tổng thống Ô-ba-ma tại Quốc hội đã ra sức kêu gọi Hạ viện bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép Mỹ tiếp tục tham gia chiến dịch tại Li-bi. Các nghị sĩ này cho rằng, việc Mỹ đột ngột rút lại sự ủng hộ cho sứ mệnh này sẽ củng cố quyền hành của ông M.Ca-đa-phi (M.Gaddafi). Thế nhưng, dự luật đã bị bác bỏ bởi đa số nghị sĩ cho rằng, Tổng thống Ô-ba-ma không tham khảo đầy đủ với Quốc hội trước khi có hành động can dự quân sự vào Li-bi. Họ phản đối việc Chính quyền Ô-ba-ma đổ quá nhiều tiền cho các hoạt động nhân đạo và quân sự ở Li-bi trong khi nền kinh tế trong nước đang khó khăn. Ước tính các chi phí này của Mỹ tại Li-bi đã lên tới hơn 700 triệu USD (tính đến ngày 3-6) và có thể tăng lên khoảng 1,1 tỷ USD cho đến hết ngày 30-9, thời điểm NATO dự kiến chấm dứt chiến dịch quân sự tại Li-bi.
Con số này được nêu lên trong bản báo cáo dày 30 trang với nhan đề Hoạt động của Mỹ ở Li-bi mà Nhà Trắng vừa gửi đến Quốc hội Mỹ. Báo cáo trên còn cung cấp những số liệu tỉ mỉ về vũ khí (bom và tên lửa) là 398,3 triệu USD; khoản chi cho các hoạt động quân sự diễn ra hằng ngày (các chuyến bay, việc phục vụ cho các quân nhân...) là 313,7 triệu USD… Ngoài ra, Mỹ còn cung cấp cho lực lượng nổi dậy ở Li-bi một số lượng lớn khẩu phần lương thực, trang phục, áo giáp chống đạn, ống nhòm, thuốc men là 25 triệu USD; trợ giúp cho lực lượng nổi dậy ở Li-bi theo đường của Cơ quan phát triển quốc tế khoản tiền là 81 triệu USD.
Ý kiến bạn đọc