Mỹ muốn hòa giải với Pa-ki-xtan

08:12, 16/05/2011

Mỹ đang tìm cách để hòa giải và đưa quan hệ với Pa-ki-xtan trở lại quỹ đạo của một đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Đó là thông điệp mà Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Giôn Ke-ri (John Kerry) mang theo trong chuyến công du Nam Á mà điểm dừng chân đầu tiên là Áp-ga-ni-xtan. Theo kế hoạch, ngày 16-5 ông Ke-ri sẽ tới Pa-ki-xtan.


Phát biểu tại thành phố Ma-da I Sa-ríp (Mazar-i-Sharif) ở miền Bắc Áp-ga-ni-xtan, Thượng nghị sĩ Ke-ri nhấn mạnh Pa-ki-xtan cần nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan. Oa-sinh-tơn hy vọng giai đoạn sóng gió giữa hai nước sau vụ biệt kích Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen (Bin Laden) sẽ qua đi, và I-xla-ma-bát (Islamabad) vẫn là một đối tác thực sự của Mỹ trong nỗ lực chống khủng bố. Về những căng thẳng mới đây giữa hai nước, ông Ke-ri cho rằng còn nhiều vấn đề cần giải quyết và hai bên đang tìm cách xây dựng mối quan hệ này. Ông Ke-ri cũng khẳng định, quan điểm này cũng là chủ đề chính trong chuyến công du Pa-ki-xtan đầu tuần này.

Thượng nghị sĩ G.Ke-ri trả lời phỏng vấn báo chí tại thành phố Ma-da I Sa-ríp.

 

Trước chuyến công du của ông Ke-ri, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ M.Tôn-nơ (M.Toner), trong một cuộc họp báo tại Oa-sinh-tơn cũng đã bác bỏ ý kiến cho rằng quan hệ Mỹ - Pa-ki-xtan đang trong thời kỳ khủng hoảng. Ông Tôn-nơ nhấn mạnh, sự hợp tác với Pa-ki-xtan trong cuộc chiến chống khủng bố những năm qua đã đạt được những thành công to lớn và sự hợp tác này sẽ còn tiếp tục.

Sóng gió trong quan hệ Mỹ - Pa-ki-xtan thực sự nổi lên khi Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (B.Obama) cho rằng, Bin La-đen đã được một số mạng lưới tại Pa-ki-xtan ủng hộ. Chính Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma cũng đã yêu cầu chính phủ Pa-ki-xtan điều tra mạng lưới nào đã ủng hộ Bin La-đen, đồng thời làm rõ liệu có nhân vật nào trong Chính phủ Pa-ki-xtan liên quan đến mạng lưới này hay không. Sau phát biểu của Tổng thống Mỹ, cho dù Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ T.Đo-ni-lơn (T.Donilon) cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy giới lãnh đạo Pa-ki-xtan biết trùm khủng bố Bin La-đen đang sống tại nước này trước khi bị tiêu diệt, và phần nào giải tỏa những nghi ngờ của giới chức Mỹ về khả năng I-xla-ma-bát đã hỗ trợ cho Bin La-đen, nhưng vẫn còn khá nhiều phản ứng trong giới chức Mỹ xung quanh quan hệ với Pa-ki-xtan.

Những nghi kỵ từ Mỹ cũng làm dấy lên làn sóng phản đối ở Pa-ki-xtan. Chính Thủ tướng Pa-ki-xtan, ông Y.Gi-la-ni (Y.Gilani) đã lên án Mỹ vi phạm chủ quyền của Pa-ki-xtan khi tiến hành chiến dịch mà không thông qua I-xla-ma-bát. Thủ tướng Y.Gi-la-ni cảnh báo Pa-ki-xtan sẽ có phản ứng thích hợp với bất kỳ hành động xâm phạm nào và tuyên bố bất kỳ hành động đơn phương nào như vụ Mỹ tiêu diệt Bin La-đen tại Pa-ki-xtan, đều có nguy cơ gây ra các hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi đó, Tư lệnh không quân Pa-ki-xtan R.Su-lê-man (R.Suleman) tuyên bố sẽ không cho phép máy bay nước ngoài vi phạm không phận nước này trong tương lai, thậm chí không quân Pa-ki-xtan có thể bắn hạ các máy bay không người lái của Mỹ trong trường hợp cần thiết. Quốc hội Pa-ki-xtan cũng vừa đưa ra yêu cầu Mỹ chấm dứt hoạt động không kích bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ nước này. Trong một nghị quyết, Quốc hội Pa-ki-xtan gọi hoạt động không kích hiện nay của Mỹ trên lãnh thổ nước này là "không thể chấp nhận", đồng thời tuyên bố: "Những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái như vậy phải lập tức chấm dứt, nếu không Chính phủ Pa-ki-xtan sẽ buộc phải xem xét áp dụng các biện pháp cần thiết trong đó có việc thu hồi cơ sở quá cảnh cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)". Quốc hội Pa-ki-xtan cũng tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban độc lập để điều tra cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt Bin La-đen.


qdnd

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Làn sóng người di cư Bắc Phi tràn vào châu Âu
Châu Âu đang trực tiếp hứng chịu những hệ lụy từ sự bất ổn tại Trung Đông và cuộc chiến đẫm máu tại Bắc Phi. Đưa ra quyết định vội vã về cuộc chiến tại Li-bi, lãnh đạo một số nước châu Âu đã không lường hết hậu quả đang xảy ra. Dòng người nhập cư ồ ạt từ Bắc Phi đã khiến Pháp, I-ta-li-a mâu thuẫn. Thậm chí hai nước này đã nghĩ tới việc sửa đổi Hiệp ước Senghen (quy định
29/04/2011
Cộng đồng quốc tế tăng sức ép với Chính phủ Syria
Pháp, Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha ngày 27-4 đã triệu đại sứ Syria tại những nước này đến để yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấm dứt các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình gây thương vong, trong khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chuẩn bị phiên họp bất thường về Damacus.
29/04/2011
Putin: NATO không được phép giết hại ông Gaddafi
Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 26-4 đã lên án các cuộc không kích do NATO cầm đầu tại Libya, nói rằng các cuộc tấn công vào các dinh thự của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi là nhằm giết hại ông này.
28/04/2011
GD phòng chống tham nhũng trong trường phổ thông, ĐH
Trong quý II năm 2011 hoàn thành việc biên soạn chương trình, tài liệu đưa nội dung pháp luật về phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục ĐH, CĐ, TCCN và THPT. Đó là một trong những nhiệm vụ Bộ GD&ĐT đặt ra tại Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2011 của ngành giáo dục vừa mới công bố.
28/04/2011