Mỹ - I-xra-en bất hòa về hòa bình Trung Đông

07:44, 22/05/2011

Cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) và Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ny-a-hu (Benjamin Netanyahu) hôm 21-5 đã kết thúc với sự bất đồng giữa hai đồng minh thân thiết về tiến trình hòa bình Trung Đông.


Dù Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma cho biết hai bên đã có cuộc nói chuyện “dài và cực kỳ hữu ích”, nhưng ông thừa nhận hai bên vẫn còn nhiều khác biệt về con đường dẫn đến hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin.

Hôm 20-5, trong bài phát biểu về chính sách của Mỹ ở Trung Đông, Tổng thống Ô-ba-ma đã tái khẳng định cam kết của Oa-sinh-tơn đối với an ninh của I-xra-en, nhưng đồng thời cũng kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin nên lấy đường biên giới trước cuộc chiến năm 1967 làm cơ sở. Tuyên bố của ông Ô-ba-ma đưa ra đúng vào đêm trước chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Nê-ta-ny-a-hu. Báo chí Mỹ cho biết trước đó, các quan chức Nhà Trắng đã có một cuộc tranh luận về việc có nên đưa đề xuất đường biên giới năm 1967 vào bài phát biểu của Tổng thống Ô-ba-ma hay không. Có ý kiến phản đối vì cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp cho một đề xuất như vậy. Tuy nhiên, cuối cùng các ý kiến đồng tình đã thắng và Thủ tướng I-xra-en chỉ được Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton) thông báo ít phút trước khi bài diễn văn bắt đầu.

Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma (phải) và Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ny-a-hu. Ảnh: AP

 

Lời tuyên bố của Tổng thống Ô-ba-ma đã gây ra một cú sốc lớn đối với đồng minh thân thiết bậc nhất của Oa-sinh-tơn tại Trung Đông là I-xra-en. Bất chấp đòi hỏi chính đáng của người Pa-le-xtin cũng như các quốc gia Trung Đông và cộng đồng quốc tế, I-xra-en luôn từ chối rút trở lại đường biên giới trước cuộc chiến tranh năm 1967 để trả lại các vùng đất chiếm đóng từ cuộc chiến này. Hơn thế, I-xra-en trong nhiều năm qua còn liên tục xây dựng thêm các khu định cư Do Thái nhằm chiếm đóng lâu dài các vùng đất của người Pa-le-xtin. Chỗ dựa quan trọng nhất để I-xra-en từ chối đòi hỏi chính đáng của người Pa-le-xtin cũng như sức ép rất lớn từ cộng đồng quốc tế là Mỹ. Các chính quyền Mỹ trước đây chưa bao giờ công khai yêu cầu ông bạn đồng minh Ten A-víp rút về đường biên giới trước năm 1967 để trả lại đất cho người Pa-le-xtin. Là đồng minh thân thiết nhất, Oa-sinh-tơn thậm chí còn ngầm ủng hộ I-xra-en chiếm đóng lâu dài các vùng đất chiếm được của người Pa-le-xtin từ cuộc chiến tranh năm 1967. Ít nhất, người ta cũng được biết trong bức thư gửi chính quyền I-xra-en năm 2004, Tổng thống Mỹ lúc đó là G. Bu-sơ (G. Bush) đã viết rằng, I-xra-en có thể giữ nguyên các khu định cư lớn mà họ xây dựng ở khu chiếm đóng Bờ Tây của người Pa-le-xtin. Thế nên, khỏi phải nói lời kêu gọi đầy bất ngờ của Tổng thống Ô-ba-ma đã gây sốc ra sao ở Ten A-víp.

Vì lẽ đó, chẳng đếm xỉa đến việc ông bạn đồng minh có mất lòng hay không cũng như khách khí ngoại giao, Thủ tướng I-xra-en đã tỏ rõ sự tức giận. Lập tức bác bỏ đề xuất này, ông Nê-ta-ny-a-hu cho rằng nếu I-xra-en từ bỏ toàn bộ Bờ Tây, trong đó có Giê-ru-xa-lem và Cao nguyên Gô-lan, sẽ đẩy các đường biên giới của I-xra-en vào thế "không thể phòng thủ" và cho rằng Chính phủ Mỹ không hiểu về các vấn đề mà Ten A-víp đang phải đối mặt. Ngoài vấn đề đường biên giới, ông Nê-ta-ny-a-hu nhắc lại việc ông muốn bố trí các lực lượng quân sự I-xra-en dọc theo sông Gioóc-đan, mặc dù khu vực này có thể là một phần của nhà nước Pa-le-xtin trong tương lai. Một vấn đề nữa là chính phủ thống nhất giữa phong trào Fatah và lực lượng Hamas, vốn bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố. Ông Nê-ta-ny-a-hu tuyên bố, I-xra-en không thể đàm phán với một chính phủ Pa-le-xtin được Hamas hậu thuẫn.

Phía Pa-le-xtin đã ngay lập tức chỉ trích phát biểu ở Oa-sinh-tơn của Thủ tướng I-xra-en là "không thể chấp nhận được", đồng thời tán thành ý kiến của Tổng thống Ô-ba-ma. Đại diện của Tổng thống Pa-le-xtin cũng nói rằng ông Nê-ta-ny-a-hu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự thất bại của tiến trình hòa bình và nỗ lực của Tổng thống Ô-ba-ma. Tại Dải Ga-da, phát ngôn viên của Hamas tuyên bố quan điểm của ông Nê-ta-ny-a-hu chứng tỏ việc thương lượng với I-xra-en là vô nghĩa. Trong khi đó, các nhà đàm phán thuộc nhóm "Bộ tứ" về hòa bình Trung Đông - gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc - ngày 20-5 đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quan điểm của Tổng thống Ô-ba-ma về vấn đề hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin.

 Thủ tướng Nê-ta-ny-a-hu và Tổng thống Ô-ba-ma đã không “mặn nồng” với nhau trong thời gian qua, nhất là việc I-xra-en rất cứng rắn trong quan điểm giữ lại các khu định cư trên các vùng đất đã chiếm được, còn lãnh đạo Mỹ tỏ ra bực bội vì thái độ không nhượng bộ này, trong lúc rõ ràng ông muốn “lấy lòng” thế giới A-rập.

Dù ông Ô-ba-ma và ông Nê-ta-ny-a-hu nói tránh rằng “hai bên vẫn còn khác biệt” về hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin thì tuyên bố về đường biên giới 1967 của ông chủ Nhà Trắng chắc chắn sẽ làm rạn nứt ít nhiều mối quan hệ giữa Oa-sinh-tơn với đồng minh Do Thái./.


qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đề xuất mới hướng tới một thỏa thuận hòa bình
Người phát ngôn Chính phủ Li-bi, ông M.I-bra-him (M.Ibrahim) thông báo chính phủ đã đề xuất rút quân đội khỏi tất cả các thành phố của Li-bi với điều kiện lực lượng chống đối cũng hành động tương tự và NATO ngừng các cuộc không kích.
21/05/2011
I-rắc: Đánh bom kép làm gần 100 người thương vong
Ngày 19-5, tại thành phố Ki-cúc, miền Bắc I-rắc đã xảy ra một vụ đánh bom kép làm 27 người thiệt mạng và khoảng 70 người khác bị thương, trong đó phần lớn là cảnh sát.
20/05/2011
Em gái ra tranh cử và nước cờ của Thaksin
Đảng đối lập Thái Lan hôm 16/5 đã đề cử em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra làm ứng cử viên ngồi vào ghế Thủ tướng, nếu đảng này thắng trong cuộc bầu cử sắp diễn ra. Quyết định trên được cho là sẽ gây thêm căng thẳng trong một nền chính trị vốn đã chia rẽ sâu sắc thành nhiều phe phái như ở Thái Lan.
19/05/2011
Pakistan đã chặn đứng âm mưu tấn công liều chết
Ngày 17/5, lực lượng an ninh Pakistan đã chặn đứng một âm mưu tấn công liều chết quy mô lớn sau khi tiêu diệt năm tay súng, trong đó có ba phụ nữ tại thành phố Quetta, thủ phủ tỉnh Baluchistan, Tây Nam nước này.
18/05/2011