Khủng hoảng chính trị gay gắt ở Xy-ri
Trong khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri ngày càng gay gắt, các nước phương Tây đã liên tục hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết lên án Xy-ri, cho rằng chính quyền của Tổng thống An Át-xát (Bashar al-Assad) đã đàn áp người biểu tình.
Tuy nhiên, HĐBA đã không đạt được sự nhất trí về vấn đề này khi Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác trong HĐBA lên tiếng phản đối.
Nhiều người dân Xy-ri mang theo chân dung Tổng thống An Át-xát xuống đường biểu tình ở thủ đô Đa-mát, hô khẩu hiệu ủng hộ chính phủ. Ảnh: AP |
Anh kêu gọi đồng minh phương Tây và các nước trong HĐBA LHQ ra một nghị quyết lên án chế độ của Tổng thống Xy-ri An Át-xát đàn áp những người biểu tình. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp HĐBA, Đại sứ Đức tại LHQ P.Uýt-tích (P.Wittig) đề nghị đưa ra trước công lý những người phải chịu trách nhiệm về tình trạng đổ máu trong những ngày qua tại Xy-ri. Đại diện của Pháp kêu gọi chính quyền của Tổng thống An Át-xát hợp tác với nhóm điều tra của LHQ, cho phép đoàn viện trợ nhân đạo tiếp cận thành phố Đa-ra (Daraa) và nhiều thành phố khác. Bất chấp nỗ lực của Anh, Pháp, Đức… các đại diện của Nga, Trung Quốc và nhiều nước ủy viên khác trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã lên tiếng phản đối nghị quyết này. Sở dĩ những nước lớn trong HĐBA có ảnh hưởng và có thể ủng hộ nghị quyết như Ấn Độ, Nam Phi, Bra-xin… không đồng tình với nghị quyết trên bởi còn do dự trước hành động tấn công của NATO nhằm vào Li-bi.
Trong một diễn biến mới nhất, lo ngại vấn đề an ninh khi các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra ở những thành phố lớn, Tổng thống An Át-xát đã điều thêm xe tăng tới thành phố lớn thứ ba Hôm-xơ (Homs), miền Trung Xy-ri nhằm tăng cường trấn áp cuộc nổi dậy ở thành phố này. Theo một quan chức (giấu tên) trong quân đội Xy-ri, quân đội nước này đã tiêu diệt, bắt giữ và tịch thu vũ khí của nhiều thành viên thuộc "các nhóm vũ trang khủng bố" tại tỉnh Đa-ra, thành phố cảng Ba-ni-át (Banias) và Hôm-xơ. Ông này cho biết, hiện các lực lượng quân đội và an ninh vẫn đang truy lùng các nhóm khủng bố này. Tính chất căng thẳng của các vụ tấn công của cả lực lượng chống đối và quân chính phủ đã khiến người dân ở nhiều thành phố không dám ra khỏi nhà. Nhiều người phải sống trong tình trạng thiếu điện, nước, lương thực và nhu yếu phẩm. Số liệu thống kê sơ bộ tại Xy-ri cho biết, sau 8 tuần lực lượng đối lập biểu tình, đã có hàng trăm người chết (trong số này có cả các binh sĩ thuộc lực lượng an ninh Xy-ri) và nhiều người khác bị mất tích.
Liên quan tới tình hình tại Xy-ri, lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh châu Âu (EU), cũng như các biện pháp trừng phạt nhằm vào 13 quan chức cấp cao nước này cũng đã bắt đầu có hiệu lực từ hôm 10-5. Song song với lệnh trừng phạt của EU, Mỹ cũng đã áp đặt trừng phạt đối với một số quan chức Xy-ri, trong đó có cả các thành viên gia đình Tổng thống An Át-xát. Hàng trăm người Xy-ri đã tụ tập trước trụ sở Đại sứ quán Pháp và trụ sở ngoại giao đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) tại Đa-mát (Damascus) để phản đối lệnh trừng phạt này. Trước đó, hàng trăm người dân Xy-ri cũng đã biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Đa-mát để phản đối sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ Xy-ri. Những người biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu đòi bác bỏ "chính sách các tiêu chuẩn kép" của Mỹ.
Ý kiến bạn đọc