Chính quyền Li-bi đề nghị ngừng bắn

07:50, 17/05/2011

Một ngày trước khi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) xem xét phát lệnh bắt giữ những quan chức Li-bi về tội lạm dụng quyền con người, chính quyền của nhà lãnh đạo Li-bi M. Ca-đa-phi (Muammer Gaddafi) đã đề xuất một lệnh ngừng bắn để đổi lấy một thỏa thuận đình chiến ngay lập tức của NATO.


Phát biểu sau hội đàm với Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về vấn đề Li-bi An-Kha-típ (Abdullah al-Khatib), Thủ tướng Li-bi Bác-đa-đi An-Ma-mu-đi (Baghdadi Al-Mahmudi) cho biết, nước này muốn thực hiện ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời với việc NATO ngừng ném bom. “Li-bi sẽ chấp thuận việc tiếp nhận các quan sát viên quốc tế, song Li-bi phải nhận được cam kết về sự thống nhất về lãnh thổ, dân tộc và Li-bi có quyền quyết định các vấn đề nội bộ, xây dựng hệ thống chính trị thông qua đối thoại dân chủ”, hãng thông tấn nhà nước Li-bi JANA dẫn lời Thủ tướng An Ma-mu-đi cho biết. Ông Ma-mu-đi cũng cáo buộc NATO lạm dụng và vi phạm nghị quyết của LHQ về thành lập vùng cấm bay tại Li-bi, phong tỏa đường biển, ném bom các khu dân cư và phá hủy các cơ sở hạ tầng của nước này.

Ngày 15-5, thêm nhiều dân thường Li-bi thiệt mạng do trúng bom của NATO. Ảnh: Roi-tơ.

Tuyên bố chấp nhận ngừng bắn được Li-bi đưa ra chỉ vài giờ sau khi Trưởng công tố của ICC, ông L. M. Ô-cam-pô (Luis Moreno-Ocampo) đưa ra yêu cầu bắt giữ nhà lãnh đạo Ca-đa-phi, con trai ông và người đứng đầu cơ quan tình báo Li-bi về tội lạm dụng quyền con người. Ông Ô-cam-pô cho biết, ICC đã thu thập nhiều bằng chứng tốt và xác thực chứng minh ai là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất sau những cuộc đàn áp tại Li-bi. Tuy nhiên, ông Ô-cam-pô đề nghị các thẩm phán cần phải xem các bằng chứng đã đủ để đưa ra lệnh bắt giữ hay chưa.

Trước đó, ngày 15-5, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về vấn đề Li-bi, ông An-Kha-típ đã có chuyến thăm Tri-pô-li một ngày để gặp gỡ các quan chức chính phủ cấp cao Li-bi. Ngoài cuộc gặp với Thủ tướng An-Ma-mu-đi, ông An-Kha-típ còn gặp nhiều quan chức cao cấp khác của chính quyền Tri-pô-li như Ngoại trưởng Áp-đê-la-ti La-bi-đi (Abdelati Laabidi), Tổng thư ký Ủy ban Công cộng Li-bi (LPC)... Hai bên đã thảo luận về việc thực thi đầy đủ Nghị quyết 1970 và Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ, cho phép tiến hành hoạt động nhân đạo, thúc đẩy tiến trình ngừng bắn và tiến trình chính trị ở Li-bi. Theo tuyên bố của Đặc phái viên An-Kha-típ, các cuộc trao đổi đều diễn ra cởi mở, chính quyền Tri-pô-li cho biết sẵn sàng hợp tác. Cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) cũng đã trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Li-bi về việc giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện nay ở đất nước Bắc Phi này.

Chuyến đi của ông An-Kha-típ diễn ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an LHQ đang bế tắc về vấn đề Li-bi do vẫn chưa thể đưa ra một nghị quyết mới cho phép phương Tây hành động mạnh hơn ở Li-bi, cũng như một giải pháp chính trị cho vấn đề này. Nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích phương Tây vì cho rằng quyền hạn mà nghị quyết cho phép đã bị phương Tây lạm dụng nhằm thay đổi chế độ và lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Ca-đa-phi.

Không lâu sau khi ông An-Kha-típ có mặt ở Tri-pô-li, hàng loạt vụ nổ lớn đã xảy ra ở khu vực ngoại ô Ta-giu-ra, phía Đông thủ đô Tri-pô-li. Phát ngôn viên quân đội Li-bi, Đại tá Hút-xen An-Phi-ki (Milad Hussein al-Fiqhi) đã thiệt mạng ngày 15-5, trong cuộc tấn công của NATO nhằm vào một trụ sở tình báo ở thủ đô Tri-pô-li. Trước đó, hãng tin JANA cho biết, nhiều người đã thiệt mạng và cơ sở vật chất bị hư hại nặng nề sau khi NATO tấn công các cơ sở quân sự và dân sự tại Du-a-ra, phía Tây Tri-pô-li.


qdnd

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cộng đồng quốc tế tăng sức ép với Chính phủ Syria
Pháp, Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha ngày 27-4 đã triệu đại sứ Syria tại những nước này đến để yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấm dứt các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình gây thương vong, trong khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chuẩn bị phiên họp bất thường về Damacus.
29/04/2011
Làn sóng người di cư Bắc Phi tràn vào châu Âu
Châu Âu đang trực tiếp hứng chịu những hệ lụy từ sự bất ổn tại Trung Đông và cuộc chiến đẫm máu tại Bắc Phi. Đưa ra quyết định vội vã về cuộc chiến tại Li-bi, lãnh đạo một số nước châu Âu đã không lường hết hậu quả đang xảy ra. Dòng người nhập cư ồ ạt từ Bắc Phi đã khiến Pháp, I-ta-li-a mâu thuẫn. Thậm chí hai nước này đã nghĩ tới việc sửa đổi Hiệp ước Senghen (quy định
29/04/2011
Một quan chức ngoại giao A-rập Xê-út bị bắn chết tại Pa-ki-xtan
Theo Roi-tơ, ngày 16-5, một quan chức ngoại giao của A-rập Xê-út bị bắn chết khi đang trên đường tới Lãnh sự quán A-rập Xê-út tại thành phố Ca-ra-chi, Pa-ki-xtan. Đây là vụ tấn công thứ hai nhằm vào các lợi ích của A-rập Xê-út tại Ca-ra-chi trong vòng chưa đầy một tuần.
17/05/2011
Mỹ muốn hòa giải với Pa-ki-xtan
Mỹ đang tìm cách để hòa giải và đưa quan hệ với Pa-ki-xtan trở lại quỹ đạo của một đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Đó là thông điệp mà Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Giôn Ke-ri (John Kerry) mang theo trong chuyến công du Nam Á mà điểm dừng chân đầu tiên là Áp-ga-ni-xtan. Theo kế hoạch, ngày 16-5 ông Ke-ri sẽ tới Pa-ki-xtan.
16/05/2011