Tổng thống Y-ê-men chấp nhận từ chức
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Y-ê-men đã xuất hiện lối thoát khi ngày 24-4, Tổng thống Y-ê-men A-li Áp-đu-la Xa-lê (Ali Adbullah Saleh) chấp thuận bản kế hoạch của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), theo đó ông sẽ từ chức trong vòng 30 ngày tới để tránh bị khởi tố.
Theo kế hoạch của GCC, sau khi ký thỏa thuận, Tổng thống Xa-lê sẽ yêu cầu phe đối lập thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc với sự tham gia của tất cả các chính đảng. Tiếp đó, ông Xa-lê sẽ chuyển giao quyền lực cho Phó tổng thống để đổi lại quyền miễn truy tố cho mình và gia đình, được đảm bảo bằng một đạo luật dự kiến được Quốc hội thông qua. Ông Xa-lê chỉ có tối đa 30 ngày để tuyên bố từ chức sau khi chuyển giao quyền lực và một cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tiến hành trong vòng 60 ngày sau đó dưới sự chỉ đạo của tổng thống tạm quyền và chính phủ đoàn kết dân tộc. Như vậy, sau 32 năm cầm quyền tại Y-ê-men, ông Xa-lê buộc phải rời khỏi cương vị này, trở thành nhà lãnh đạo A-rập thứ ba phải ra đi trong làn sóng biểu tình ở Trung Đông và Bắc Phi, sau cựu Tổng thống Tuy-ni-di Ben A-li (Ben Ali) và cựu Tổng thống Ai Cập H.Mu-ba-rắc (H.Mubarak).
Người biểu tình phản đối kế hoạch của GCC. Ảnh: Roi-tơ |
Quyết định ra đi của ông Xa-lê được xem là bước đi nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Y-ê-men kéo dài nhiều ngày qua. Làn sóng biểu tình chống chính phủ do phe đối lập ở nước này phát động đã khiến gần 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Trong phản ứng đầu tiên sau động thái trên, Nhà Trắng ra tuyên bố ủng hộ tiến trình "chuyển giao quyền lực hòa bình" thể theo ý nguyện của người dân Y-ê-men, đồng thời hối thúc các phe phái ở nước này "nhanh chóng" thực thi tiến trình này. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc gặp với người đồng cấp Y-ê-men ở Thủ đô A-bu Đa-bi của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Ngoại trưởng nước chủ nhà An Na-hi-an (Al Nahyan) cũng hối thúc các phe phái ở Y-ê-men coi sáng kiến của GCC là một "phương thức tổng hợp" hóa giải cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, đồng thời bày tỏ hy vọng Y-ê-men sẽ sớm thoát khỏi khó khăn để đi vào ổn định.
Trong khi người đứng đầu phe đối lập Y.Nô-man (Y.Noman) hoan nghênh hành động của Tổng thống Xa-lê và khẳng định sẽ không tham gia chính quyền thống nhất quốc gia sắp tới thì một số người thuộc phe đối lập vẫn không đồng tình với kế hoạch của GCC và biểu tình yêu cầu Tổng thống Xa-lê từ chức ngay lập tức. Ông An Oa-phi (al-Wafi), một nhà hoạt động lãnh đạo cuộc biểu tình ở Ta-ết, thành phố lớn thứ hai của Y-ê-men, đã gọi bản kế hoạch của GCC là một âm mưu "câu giờ". Ông khẳng định, thanh niên Y-ê-men sẽ chỉ chấp nhận việc ông Xa-lê từ chức ngay lập tức. Trong khi đó, An Y-u-xu-phi (al-Yusufi), một nhà hoạt động cầm đầu cuộc biểu tình ngồi tại Quảng trường Đại học ở Xa-na, cho biết, "mọi người đều nhất trí phản đối sáng kiến" do GCC đề xuất vì sáng kiến này chỉ nhằm giải quyết yếu tố khủng hoảng chính trị giữa hai chính đảng trong Quốc hội Y-ê-men, trong khi những người biểu tình xuống đường đòi hỏi "có một sự thay đổi toàn diện".
Ý kiến bạn đọc