GD phòng chống tham nhũng trong trường phổ thông, ĐH
Trong quý II năm 2011 hoàn thành việc biên soạn chương trình, tài liệu đưa nội dung pháp luật về phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục ĐH, CĐ, TCCN và THPT. Đó là một trong những nhiệm vụ Bộ GD&ĐT đặt ra tại Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2011 của ngành giáo dục vừa mới công bố.
Học sinh Trường THPT Hồng Quang (Lục Yên, Yên Bái ) trong giờ học giáo dục công dân. Ảnh: internet |
Cùng với đó là việc biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học môn giáo dục công dân có nội dung pháp luật ở cấp THCS và THPT; quy định cụ thể về chương trình môn học pháp luật đại cương cho các trường ĐH, CĐ không chuyên luật theo các khối ngành; tổ chức xây dựng đề cương chi tiết và biên soạn giáo trình dùng chung môn Pháp luật đại cương ở ĐH, CĐ; xây dựng một số mẫu thiết bị hỗ trợ dạy và học các kiến thức pháp luật cấp THCS, THPT; tiếp tục rà soát, chỉ đạo các trường (khoa) sư phạm mở mã ngành đào tạo “Giáo dục công dân” thành mã ngành đào tạo độc lập và đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo đội ngũ giáo viên giáo dục công dân ở các trình độ.
Thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2011, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chủ động tham mưu cho UBND trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động PBGDPL và lồng ghép hoạt động PBGDPL với việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua học tập, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Bố trí đủ đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, môn pháp luật đúng chuyên môn đào tạo. Rà soát tổng thể đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, môn pháp luật trên địa bàn để xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ này...
Đối với các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ, TCCN cần bổ sung môn Pháp luật đại cương, môn pháp luật chuyên ngành vào chương trình đào tạo của tất cả các ngành học theo quy định. Bố trí đủ và chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy các môn học pháp luật, môn pháp luật đại cương. Tổ chức “Ngày pháp luật” định kỳ thông qua các hình thức phù hợp. Đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các hình thức giáo dục pháp luật ngoại khoá cho HSSV; các trường (khoa) sư phạm mở mã ngành đào tạo “Giáo dục công dân” thành mã ngành đào tạo độc lập và tiếp tục hoàn thiện, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo đội ngũ giáo viên giáo dục công dân ở các trình độ...
Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ tổ chức kiểm tra công tác PBGDPL tại các bộ, ngành, địa phương theo phân công của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ; tổ chức kiểm tra công tác PBGDPL và việc triển khai Đề án 1928 tại một số sở GD&ĐT, một số trường ĐH, CĐ, TCCN.
Ý kiến bạn đọc